Tin mới

Tin tức pháp luật 24h: Tin mới vụ tử tù Hồ Duy Hải, Nữ sinh giao gà

Thứ hai, 15/06/2020, 14:00 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h: Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu nhiều chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội; Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ mẹ nữ sinh giao gà kêu oan...

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu nhiều chứng cứ chứng minh Hồ Duy Hải phạm tội

Trả lời Quốc hội sáng 15/6, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, cơ quan điều tra đã cho mua dao, thớt để Hồ Duy Hải nhận diện chứ không phải để thay hung khí.

Trong phần phát biểu của mình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đề cập đến các vấn đề của nền tư pháp và dành phần lớn thời gian nói về kỳ án Hồ Duy Hải, vụ án được nhiều ĐBQH nêu ý kiến trước đó.

Theo Chánh án Bình, đây là vụ án xảy ra từ 2008, trải qua quá trình tố tụng nhiều cấp, đã được liên ngành thẩm định và trong đoàn giám sát oan sai của Quốc hội năm 2015 cũng đã xem xét vụ án này. Qua sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và đã đến Chủ tịch nước quyết định, giờ câu chuyện đặt ra là có oan sai hay không?.

Tóm tắt qua vụ án, ông Bình cho biết Hồ Duy Hải quen 2 cô gái ở Bưu điện Cầu Voi. Tối 13/1/2008, Hải đến đây chơi. Cô Vân đang trực, cô Hồng đang nghỉ. Quá trình nói chuyện thì nam, nữ có việc tán tỉnh giữa các bên.

Sau đó Hải có ý định quan hệ tình dục với cô Hồng nên đã đưa tiền cho cô Vân đi ra ngoài mua trái cây. Hải dẫn cô Hồng vào buồng ngủ khiến cô gái phản ứng, đạp vào bụng Hải rồi bỏ chạy. Hải đuổi theo khiến cô Hồng ngã gần cái thớt, Hải cầm thớt đập vào đầu cô gái. Cô Vân sau khi đi mua trái cây về cũng bị Hải sát hại.

>> Xem thêm: Triệu Quân Sự xóa dấu vết khó tìm ra, rút quân khỏi đèo Hải Vân

Chánh án nêu nhiều chứng cứ chứng minh Hải phạm tội. Thứ nhất cơ quan điều tra đã cho Hải mô tả hiện trường, Hải mô tả chính xác những đồ vật có tại hiện trường. “Nếu không có mặt thì không thể miêu tả được”, ông Bình nói.

Chứng cứ thứ 2 là diễn biến hành vi. Hải khai quá trình sờ soạng Hồng không nói gì, nhưng khi đè cô gái ra đã bị phản ứng và đạp vào bụng. Sau đó, do nạn nhân bị Hải đập đầu bằng thớt nên hiện trường có thớt dính máu nằm bên cạnh đầu cô Hồng. Đỉnh đầu nạn nhân có một vết thương, kết luận pháp y xác định là do tác động của vật cứng, mặt phẳng.

Chứng cứ thứ 3 là giám định pháp y trong âm đạo của cô Hồng có dịch, cơ chế hình thành dịch được giám định pháp y kết luận do quá trình kích dục có đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm của cơ thể.

Về tài sản cướp được, ông Bình cho biết Hải khai sau khi giết 2 cô gái có lấy của bưu điện một số tiền và một số SIM card, lấy của 2 cô gái một số tiền và nữ trang gồm vòng tay, nhẫn…

Cũng theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, thời điểm khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra không biết Hải lấy được gì, nhưng khi bắt được Hải, Hải khai chi tiết lấy của ai cái gì, cơ quan điều tra hỏi gia đình nạn nhân thì họ mô tả đúng đồ vật các cô gái có. Bưu điện cũng nói rõ họ mất bao nhiêu tiền. Chi tiết đáng lưu ý là Hải khai lấy của cô Hồng dây chuyền có mặt, còn của cô Vân dây chuyền không có mặt.

Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ mẹ nữ sinh giao gà kêu oan

Sáng nay, vào 8h30 tại TAND tỉnh Điện Biên, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lưu động vụ án Trần Thị Hiền (sinh năm 1975), là mẹ nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên và đồng phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy, theo tin tức từ Dân Việt.

Tại phiên tòa hôm nay, Thẩm phán Phạm Văn Tuyển làm Chủ tọa phiên tòa. 2 công tố viên thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giữ quyền công tố. Luật sư Lê Thị Xuân - bào chữa cho bị cáo Vì Thị Thu - xin vắng mặt tại phiên tòa. Vì vậy bị cáo Thu đề nghị HĐXX thay đổi luật sư bào chữa tại phiên tòa sắp tới do tòa án chỉ định.

Sau khi nghị án, Chủ tọa phiên tòa Phạm Văn Tuyển đã quyết định tạm hoãn phiên tòa.

Quá trình xét xử, Trần Thị Hiền một mực kêu oan việc bị cơ quan tố tụng quy kết tội buôn hai bánh ma túy, còn Vì Thị Thu bất ngờ phản cung cho rằng bản thân bị cán bộ công an ép cung.

Theo bản án sơ thẩm ngày 27/1/2019 của Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên phạt:

Trần Thị Hiền 20 năm tù về tội "Mua bán trái phép chất ma túy".

>> Xem thêm: Vừa mở trang cá nhân, ái nữ nhà Đường 'Nhuệ' phản ứng cực gắt khi liên tục bị 'cà khịa'

Vì Thị Thu cùng chồng là Vì Văn Toán (sinh năm 1982, kẻ chủ mưu trong vụ nữ sinh giao gà Điện Biên) mức án tù chung thân.

Bùi Văn Công, Lường Văn Hùng lần lượt nhận án 20 năm tù và án chung thân.

Vén màn chiêu vợ chồng Đường Nhuệ ẩn mình

Thời gian vừa qua, liên quan đến vụ án Đường Nhuệ, đã xuất hiện thêm nhiều tình tiết mới và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Chia sẻ trên Lao Động, Trung tá Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông CAND, Bộ Công an nhận định tình trạng các băng nhóm tội phạm 'đội lốt' các nhóm Từ thiện, doanh nhân là khá phổ biến.

Theo Trung tá Hiếu, từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều tra hình sự, trực tiếp đấu tranh và khám phá một số băng nhóm tội phạm, ông nhận định rằng các tổ chức phạm tội hoạt động dưới vỏ bọc công ty, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hiện đang phổ biến và là vấn đề gây nhức nhối.

Theo ông Hiếu, trong quá trình hoạt động để tạo dựng các mối quan hệ với cán bộ, công chức và để che đi giấu những hoạt động phạm tội trong thế giới ngầm, chúng cần những bộ mặt 'sạch' trước công chúng.

Liên quan đến vụ án Đường Nhuệ, dưới góc nhìn là chuyên gia nghiên cứu về tội phạm, trung tá Hiếu cho biết Nguyễn Xuân Đường có thể không dừng lại ở phạm vi một vụ án cố ý gây thương tích đơn thuần.

Theo lý giải của trung tá Hiếu, sau khi nhóm này bị bắt giữ, đã xuất hiện nhiều thông tin phản ánh hành vi phạm pháp luật của vợ chồng Đường Nhuệ nhưng chưa được phát hiện và điều tra làm rõ.

Trung tá Hiếu cho biết qua những thông tin đó, có thể hình dung đây là một ổ nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, lộng hành, công khai.

'Đặc biệt là những hành vi sai phạm về đấu giá đất đai. Một số người tại Thái Bình đã kể với tôi về những thủ đoạn mua đấu giá đất “bách phát, bách trúng” của Bất động sản Đường Dương', Trung tá Hiếu cho biết.

Giả danh Chủ tịch tỉnh yêu cầu Chủ tịch huyện chuyển 200 triệu đồng

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đang củng cố hồ sơ xử lý Đặng Quang Thông (31 tuổi), trú huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, cuối tháng 11/2019, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế liên tục xảy ra các cuộc gọi từ số thuê bao 0969218400 đến số máy của Chủ tịch UBND huyện miền núi Nam Đông.

Người gọi tự xưng là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Nam Đông chuyển 200 triệu đồng để làm quà cho khách của một cơ quan ở Trung ương.

Cũng với số điện thoại trên, đối tượng còn nhắn tin cho Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tự xưng là Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và yêu cầu chuẩn bị quà để gửi cho khách.

Đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản 048100079xxxx của một ngân hàng.

Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự- Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với công an các tỉnh, thành phố phía Nam xác định chính xác vị trí, thông tin của đối tượng. Đến ngày 10/6/2020, Phòng Cảnh sát hình sự đã làm rõ được lai lịch đối tượng là Đặng Quang Thông.

Lúc này Thông đã bị Công an thành phố Đồng Xoài khởi tố và bắt tạm giam về hành giả danh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 50 triệu đồng của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Phước.

Theo lời khai của Thông, trên đường từ thành phố Biên Hòa lên tỉnh Đắk Lắk thăm con, Thông ghé vào tiệm tạp hóa bên đường mua sim điện thoại, sau đó trở lại Bình Phước.

Qua đọc báo, Thông biết Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thường về làm việc với lãnh đạo các huyện nên đối tượng nảy sinh ý định giả danh vị chủ tịch tỉnh này gọi điện để yêu cầu một số lãnh đạo UBND huyện chuyển tiền.

Qua đấu tranh mở rộng, Thông còn khai đã từng giả danh Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để nhắn tin cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu chuyển tiền nhưng không thành công.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news