Nga cảnh báo Mỹ có thể can thiệp quân sự vào Venezuela
Tại cuộc họp báo hôm 18/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định Mỹ thường xuyên đưa ra tuyên bố về khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela và việc này đang lặp lại nhiều hơn.
Bà Zakharova cũng chỉ trích những điều Craig Faller, chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Nam Mỹ, trả lời phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy về vấn đề Venezuela.
"Giọng điệu cứng rắn và hung hăng của ông ấy một lần nữa khẳng định sự quan ngại của chúng tôi rằng việc Mỹ mở chiến dịch quân sự ở Venezuela không phải là khả năng mơ hồ mà là thực tế có thể xảy ra", nhà ngoại giao Nga nói.
Trả lời tạp chí Foreign Policy khi được hỏi về các kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ vào Venezuela nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro và ủng hộ lãnh đạo tự phong Juan Guaido, ông Faller cho rằng quân đội Mỹ đang xem xét một loạt phương án và sẵn sàng thực hiện bất cứ quyết định nào của Tổng thống Donald Trump.
Theo bà Zakharova, Mỹ đang tìm cách kiềm chế sự ảnh hưởng của Nga ở Venezuela và đó là lý do Washington sẵn sàng can thiệp quân sự vào Caracas. Bà cho biết thêm cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc xây dựng một kế hoạch tương thích với cáo buộc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela.
Mỹ không tin Triều Tiên phóng vũ khí hoàn thiện
Đánh giá ban đầu của tình báo Mỹ là Triều Tiên đã thử nghiệm các thành phần của một loại vũ khí chống tăng chứ không phải một vũ khí hoàn thiện, CNN đưa tin. Việc đánh giá dựa trên các thông tin thu thập được từ vệ tinh và máy bay. Theo đó, không có dấu hiệu nào cho thấy một vụ phóng vũ khí chiến thuật tầm ngắn hay tên lửa đạn đạo, quan chức tình báo Mỹ cho biết.
Hãng thông tấn Triều Tiên đưa tin đích thân lãnh đạo Kim Jong-un đã kiểm tra và chỉ đạo cuộc thử nghiệm. Mỹ tin rằng nếu Triều Tiên phóng đi một vũ khí chống tăng đã hoàn thiện thì các cảm biến của họ sẽ bắt được các dấu hiệu. Tuy nhiên, không có tín hiệu nào được nghi nhận.
Dữ liệu cảm biến mà Mỹ có thể đánh giá cho thấy các thành phần này không quan trọng đối với phía Triều Tiên. Mỹ tin rằng cuộc thử nghiệm này có thể là cách để ông Kim gửi thông điệp đến cho Mỹ, đó là ông vẫn có khả năng phóng thử mà không gây khiêu khích lớn.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm 18/4 đã mô tả cuộc thử nghiệm của Triều Tiên là "một cuộc thử nghiệm bắn vũ khí dẫn đường chiến thuật mới", đó "không phải là tên lửa đạn đạo" và kết quả của nó "không thay đổi hoạt động hay tình thế của chúng tôi".
Eric Brewer, cựu giám đốc chống phổ biến hạt nhân tại Hội đồng an ninh Quốc gia cho biết cuộc thử nghiệm này "không đáng lo ngại" và mục đích của nó là gia tăng áp lực lên chính quyền Trump sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội thất bại. Ông nói rằng những kiểu khiêu khích cấp độ thấp như vậy sẽ còn diễn ra.
Widodo tuyên bố tái đắc cử tổng thống Indonesia
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 18/4 rằng ông giành được 54,5% phiếu bầu, dựa trên kết quả của 12 trung tâm khảo sát ngoài phòng phiếu. Lãnh đạo của hơn 20 quốc gia trên thế giới đã gọi điện chúc mừng ông.
Kết quả chính thức sẽ được công bố vào tháng sau, song kết quả "kiểm phiếu nhanh" do các trung tâm khảo sát ngoài phòng phiếu cho thấy Widodo dẫn điểm ít nhất 10%. Tổng thống Indonesia cũng nói rằng việc kiểm phiếu nhanh có độ chính xác cao và đất nước cần "kiên nhẫn chờ đợi" kết quả chính thức.
Cuộc bầu cử Indonesia diễn ra hôm 17/4 với hơn 192 triệu người đủ tiêu chuẩn đi bầu để chọn ra 20.000 nhà lập pháp cấp địa phương và cấp quốc gia, trong đó gồm tổng thống. Tính đến chiều 18/4, kết quả kiểm nhanh 90% số phiếu bầu do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ISIS và Mạng lưới Cyrus thực hiện cho thấy Widodo tái đắc cử với 55,8% phiếu bầu cho liên danh Jokowi - Maruf Amin (ứng viên phó tổng thống). Trong khi đó, liên danh Prabowo Subinato - Sandiaga Uno giành được 44,2% phiếu bầu.
Nhân viên sân bay New York làm gián điệp cho quân đội Trung Quốc
CNN dẫn nguồn Bộ Tư pháp Mỹ đưa tin bà Ying Lin, một người Mỹ gốc Hoa, cựu nhân viên của một hãng hàng không Trung Quốc đang làm việc ở hai sân bay lớn của New York đã nhận tội vận chuyển các gói hàng bất hợp pháp thay cho quân đội Trung Quốc.
Ying Lin lấy hàng từ các sĩ quan quân đội Trung Quốc đang làm việc tại Phái bộ Liên hợp quốc tại New York và đưa chúng lên các chuyến bay về Trung Quốc mà không có những người ấy đi cùng. Điều này vi phạm các quy tắc an toàn hàng không của Mỹ. Đổi lại, Lin nhận được các lợi ích bao gồm mua rượu, thuốc lá và các thiết bị điện tử miễn thuế. Theo các nhà chức trách Mỹ, những đặc quyền này "trị giá hàng chục nghìn đô la".
Các công nhân xây dựng Trung Quốc đã làm việc tự do tại hai khu dân cư thuộc quận Queen nơi Lin đang sống. Theo điều khoản visa, họ chỉ được phép hoạt động tại các cơ sở của chính phủ Trung Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.
Ấn Độ tuyên bố sở hữu 'mẹ của các loại bom hạt nhân'
"Trước đây, những kẻ khủng bố sẽ vượt qua biên giới để tấn công Ấn Độ rồi rút về Pakistan. Islamabad thường đe dọa chúng ta, tuyên bố họ có vũ khí hạt nhân và sẵn sàng bấm nút. Ấn Độ đang sở hữu mẹ của các loại bom hạt nhân, tôi quyết định bảo họ cứ làm những gì họ muốn", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm qua phát biểu trước người ủng hộ ở bang Gujarat, miền tây nước này.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước vẫn ở mức cao, sau khi Islamabad cáo buộc New Delhi có kế hoạch tấn công lãnh thổ Pakistan trong tháng 4. Quan chức Ấn Độ bác bỏ thông tin, cho rằng Pakistan tìm cách tung tin giả để kích động chiến tranh.
"Pakistan nhiều lần đe dọa Ấn Độ bằng kho vũ khí hạt nhân, nhưng các đợt tấn công của không quân Ấn Độ cho thấy đó chỉ là trò lừa bịp", Thủ tướng Modi nói thêm.
Xung đột vũ trang giữa New Delhi và Islamabad bùng lên sau khi không quân Ấn Độ tấn công địa điểm được cho là trại huấn luyện khủng bố Jaish-e-Mohammed trên đất Pakistan hôm 26/2. Jaish-e-Mohammed là nhóm Hồi giáo chịu trách nhiệm cho vụ đánh bom tự sát ở thành phố Srinagar khiến 44 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.