Quỹ đóng góp phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris vượt 1 tỷ USD
Những gia đình giàu có nhất nước Pháp góp sức, trong số đó có tỷ phú người Pháp Bernard Arnault, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành tập đoàn hàng hóa xa xỉ LVMH, với khoản tiền đóng góp 226 triệu USD, hãng mỹ phẩm L'Oreal cũng cam kết ủng hộ số tiền tương tự. 100 triệu euro (khoảng 113 triệu USD) khác được doanh nhân, tỷ phú Francois-Henri Pinault, chủ tịch công ty mẹ của thương hiệu Gucci, quyên góp. Tỷ phú quỹ đầu tư Henry Kravis và vợ quyên góp 8,8 triệu euro (gần 10 triệu USD).
Bên cạnh đó, các tổ chức như tập đoàn năng lượng Total cũng cho biết sẽ đóng góp cho việc phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris 100 triệu euro (gần 113 triệu USD). Ngân hàng Credit Agricole quyên góp 5 triệu euro (hơn 5,6 triệu USD). Hãng hàng không Air France tuyên bố sẽ cung cấp các chuyến bay miễn phí dành cho các chuyên gia đến hỗ trợ việc phục dựng nhà thờ.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo sẽ mời các kiến trúc sư từ khắp thế giới gửi bản thiết kế nhằm xây dựng lại chóp nhọn của Nhà Thờ Đức Bà. Phát biểu họp báo tại thủ đô Paris, ông nhấn mạnh mục tiêu là xây dựng lại một chóp nhọn mới cho Nhà thờ Đức Bà, phù hợp với các điều kiện kỹ thuật và những thách thức của thời đại hiện nay.
Triều Tiên công khai thử vũ khí dẫn đường chiến thuật mới sau cuộc gặp ông Trump
Theo tin tức trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, ngày 17/4, chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát buổi thử nghiệm một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật mới.
KCNA không mô tả cụ thể đó là tên lửa hay là loại vũ khí gì mà chỉ dùng thuật ngữ "chiến thuật" với hàm ý là vũ khí tầm ngắn. Theo đó, vũ khí được thử nghiệm là loại đặc biệt có điều khiển và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Đây được xem là lần thử vũ khí công khai đầu tiên của Bình Nhưỡng sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore và Hà Nội vừa qua.
Tháng 4 năm ngoái, Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ ngừng thử vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bởi năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng đã được "xác nhận".
Kho vũ khí đồ sộ mua của Nga trong quân đội Ấn Độ
Ấn Độ đã có hơn 1.000 xe tăng T-90 các loại do Nga chế tạo. Kể từ đầu những năm 2000, Ấn Độ đã vận hành các xe tăng SU-90S Bhishma, được thiết kế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của Ấn Độ. Ngoài xe tăng T-90S, Ấn Độ cũng mua các xe tăng T-90M - một phiên bản nâng cấp. Trên thực tế, Ấn Độ có số lượng xe tăng T-90 nhiều hơn cả của Nga, cũng như một số xe tăng mẫu cũ hơn - T-72.
Không quân Ấn Độ sở hữu nhiều loại máy bay chiến đấu do Nga chế tạo, trong đó có hàng trăm chiếc MiG-21. Mặc dù máy bay này cất cánh lần đầu tiên vào cuối những năm 1950 nhưng nó đã được nhiều lần nâng cấp. Phiên bản nâng cấp mới nhất MiG-21UPG Bison có các khả năng tương đương với các máy bay chiến đấu thế hệ 4.
Trong số các máy bay hiện đại do Nga chế tạo trong quân đội Ấn Độ còn có hơn 200 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI và các máy bay chiến đấu MiG-29K trang bị cho tàu sân bay.
Một trong số các tàu ngầm hạt nhân mà Ấn Độ đang vận hành là INS Chakra, thực chất là một tàu của Nga. Hồi năm 2012, Hải quân Ấn Độ đã thuê tàu này với thời hạn 10 năm. Khi hợp đồng hết hạn, Ấn Độ có thể sẽ thuê một tàu ngầm khác cùng lớp của Nga.
Lật xe du lịch ở Bồ Đào Nha, 29 người thiệt mạng
Tờ Sun đưa tin cho hay vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 18h30 (giờ địa phương) ngày 17/4 khi một chiếc xe bus chở 57 du khách cùng các hướng dẫn viên bị mất lái đoạn cua xuống núi. Chiếc xe đã đâm vào tòa nhà tại Madeira, đảo nghỉ mát nổi tiếng của Bồ Đào Nha.
Theo đó, ít nhất 29 người đã thiệt mạng, toàn bộ du khách trên xe đều là công dân Đức.
Có 27 người khác bị thương trong đó có tài xế và hướng dẫn viên.
Thị trưởng Filipe Sousa cho biết trong số nạn nhân có teher có những người đang đi bộ và bị xe bus đâm vào khi xảy ra sự cố.
Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, các nhân viên cứu hộ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và xử lý sự cố.
Mỹ trừng phạt Ngân hàng Trung ương Venezuela
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 17/4 thông báo lệnh trừng phạt mới được áp đặt với Ngân hàng Trung ương Venezuela nhằm ngăn chặn cái mà họ gọi là "sự chiếm đoạt tài sản Venezuela" của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.
Trong lệnh trừng phạt này, Washington cấm tất cả giao dịch với Mỹ của Ngân hàng Trung ương Venezuela, đồng thời phong tỏa tài sản của ngân hàng này cũng như Thống đốc Illiana Josefa Ruzza Teran, bởi cho rằng đây là con đường trung gian chủ chốt để chính quyền Tổng thống Maduro nhận được các khoản tài trợ.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã thực hiện các biện pháp dự phòng để đảm bảo rằng người dân Venezuela vẫn có thể sử dụng các thẻ tín dụng và ghi nợ ngay cả khi Ngân hàng Trung ương bị liệt vào danh sách đen. Tổng thống Maduro cáo buộc lệnh trừng phạt mới của Mỹ là "hoàn toàn bất hợp pháp và vô đạo đức".
Cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tại Venezuela leo thang sau khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido hồi tháng một tự xưng là "tổng thống lâm thời" nhằm lật đổ Maduro. Mỹ ngay lập tức công nhận Guaido và thực hiện nhiều biện pháp gây sức ép lên chính phủ Venezuela, trong đó có trừng phạt tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA. Bộ Tài chính Mỹ hôm 5/4 cũng tuyên bố cấm vận 34 tàu của tập đoàn này.