Trung Quốc hé lộ hình ảnh tàu sân bay tự chế mới
Đoạn video công chiếu trên CCTV cho thấy, tàu Type 001A đang di chuyển tốc độ cao với một nhóm kỹ thuật viên đang vận hành các bảng điều khiển trong những chuyến đi thử nghiệm trên biển. Sau đó là những hình ảnh về boong tàu, sàn bay cho các chiến đấu cơ cùng hệ thống vũ khí tối tân nhằm tiêu diệt các mục tiêu kẻ thù.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, từ ngày 27/2 - 5/3, tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc đã "trải qua quá trình thử nghiệm đầy đủ cũng như trình diễn hệ thống chỉ huy và các tính năng chiến đấu" trong các các cuộc thử nghiệm trên biển Hoàng Hải.
Tuy nhiên, tàu Type 001A dự kiến sẽ không tham gia cuộc duyệt binh lớn chưa từng có nhân kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng Hải quân Trung Quốc. Sự kiện được tổ chức trong ngày hôm nay, 23/4 với sự tham gia của 32 chiến hạm và 39 máy bay thuộc Trung Quốc cùng khoảng 20 tàu chiến đến từ các lực lượng hải quân nước ngoài.
Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Trung tướng Khưu Diên Bằng nhấn mạnh, cuộc duyệt binh năm nay nhằm tập trung vào chất lượng hơn là số lượng tàu chiến.
Trung Quốc vẫn chưa chính thức đặt tên cho Type 001A. Tàu sân bay này dự kiến sẽ trở thành hàng không mẫu hạm thứ hai được biên chế hoạt động trong lực lượng Hải quân của Trung Quốc sau khi hoàn thành mọi thử nghiệm cần thiết.
Kim Jong-un lên tàu sang Nga gặp Putin
Theo hãng thông tấn KCNA, ông Kim và ông Putin sẽ gặp nhau lần đầu tại thành phố cảng Vladivostok nhưng không có kế hoạch ký bất cứ thỏa thuận hay ra một tuyên bố chung nào.
Nhà lãnh đạo trẻ c ủa Triều Tiên đã lên tàu rời thủ đô Bình Nhưỡng vào sáng 24/4 để tới Nga giống như ông đã làm trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Việt Nam.
Chuyến thăm của ông Kim tới nước láng giềng phía bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington rơi vào bế tắc. Cuộc gặp Kim - Trump tại Hà Nội đã kết thúc sớm mà không đạt được thỏa thuận. Hai bên dường như không tìm được điểm chung trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho các bước đi ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa.
Đi cùng với ông Kim chuyến này có bà Choe Son-hui, người mới được thăng chức gần đây. Bà là một trong những nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm của Bình Nhưỡng, từng tham gia vào rất nhiều cuộc đàm phán với Mỹ. NK News chuyên đưa tin tức Triều Tiên cho biết việc thăng chức của Choe biến bà trở thành nhà ngoại giao nữ có cấp bậc cao nhất trong lịch sử nước này.
Ông Trump cấm quan chức tham gia tiệc tối của phóng viên Nhà Trắng
Reuters đưa tin ông Trump sẽ không tham dự bữa tối thường niên diễn ra ngày 27/4 tới. Thay vào đố, tổng thống sẽ tham gia một cuộc họp tại Wisconsin.
Quyết định không cho nhân viên tham gia đã được Bộ trưởng Nội các Nhà Trắng Bill McGinley thông báo cho nhân viên Nhà Trắng và các đại diện chính quyền khác trong buổi họp sáng nay. Điều này gây ra tranh cãi khi mà nhiều nhân viên đã nhận lời mời vì nghĩ Trump cho phép họ tham gia.
"Tổng thống và các thành viên trong chính quyền của ông sẽ không tham gia tiệc tối Phóng viên Nhà Trắng trong năm nay. Thay vào đó, tối thứ bảy, ông Trump sẽ tới Green Bay, Wisconsin để tổ chức một cuộc họp", một quan chức Nhà Trắng nói.
Trump, người tố các phương tiện truyền thông chính thống là "tin giả" và thường xuyên chỉ đạo người ủng hộ xem kênh Fox News, đã không tham gia bữa tiệc tối này kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2017. Ông đã không cho thư ký báo chí Sarah Sanders tiến hành họp báo giao ban hàng ngày.
Sự chỉ trích gia tăng sau khi báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 được công bố. Trong báo cáo của mình, ông Mueller không xác định Trump có thông đồng với Nga gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Báo cáo cung cấp chi tiết việc ông Trump nỗ lực ngăn chặn cuộc điều tra. Tuy nhiên, Mueller không hề kết luận tổng thống có tội.
Trong một dòng tweet đăng buổi sáng, ông Trump viết: "Ngày xưa, nếu bạn là Tổng thống và có một nền kinh tế ổn định, về cơ bản bạn sẽ không bị chỉ trích. Hãy nhớ rằng "đó là nền kinh tế ngu ngốc". Ngày nay, với cương vị tổng thống, tôi có một nền kinh tế có lẽ mạnh nhất trong lịch sử... và với truyền thông chính thống, nó chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng nó sẽ!".
Mạng lưới cực đoan quốc tế đứng sau vụ tấn công Sri Lanka
Trong buổi họp báo hôm qua, phát ngôn viên chính phủ Rajitha Senaratne tuyên bố nhóm Hồi giáo cực đoan National Thowheeth Jama'ath (NTJ) được “mạng lưới quốc tế” tiếp tay chính là thủ phạm vụ tấn công đẫm máu ngày 21.4. “Một tổ chức nhỏ trong nước không đủ khả năng thực hiện trót lọt vụ tấn công như thế này”, Reuters dẫn lời ông Senaratne nhấn mạnh. Văn phòng Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cùng ngày ra thông báo kêu gọi các nước hỗ trợ truy lùng mạng lưới này.
Theo báo cáo của chính phủ, Sri Lanka có dân số 21,44 triệu người, với khoảng 70% theo Phật giáo, 12,6% đạo Hindu, 9,7% Hồi giáo và 7,6% Công giáo. Lâu nay tại nước này hầu như không tồn tại các nhóm cực đoan và các cộng đồng tôn giáo tương đối hòa hợp với nhau. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây có nổi lên một số nhóm nhỏ và ít tên tuổi, trong đó có NTJ, chủ yếu hoạt động phá hoại tượng Phật. Theo giới quan sát, không thể loại trừ khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đứng sau giật dây vụ tấn công để lấy lại thanh thế sau khi gần như bị quét sạch tại Iraq và Syria. “NTJ có thể đã tuyên thệ trung thành với IS. Các thành viên nhóm này có mối liên hệ với những công dân Sri Lanka đến Syria, Iraq để gia nhập IS”, chuyên gia an ninh Rohan Gunaratna thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Bên cạnh đó, trước sự bức xúc của dư luận trong nước, chính phủ Sri Lanka ngày 22.4 gửi lời xin lỗi đến quốc dân và gia đình các nạn nhân vì sự chủ quan trong xử lý thông tin tình báo. Theo phát ngôn viên Senaratne, nước này đã nhận được cảnh báo từ “một quốc gia” bằng hữu về nguy cơ tấn công hồi đầu tháng 4, sau đó liên tiếp có thêm 2 cảnh báo vào ngày 20.4 và 10 phút trước khi quả bom đầu tiên phát nổ. Tuy nhiên, lực lượng an ninh đã không có hành động cụ thể nào để ngăn chặn. Giới hữu trách cam kết sẽ tiến hành điều tra và không để tình trạng tương tự tái diễn.
Hiện chính phủ đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20 giờ - 4 giờ sáng tại thủ đô Colombo và tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực kể từ rạng sáng 23.4. Với tình trạng khẩn cấp, cảnh sát và quân đội được trao thêm quyền bắt giữ, thẩm vấn nghi phạm mà không cần trát tòa án và biện pháp này từng được ban bố nhiều lần suốt cuộc nội chiến với lực lượng Hổ Tamil trong giai đoạn 1983 - 2009. Đây cũng là vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại Sri Lanka kể từ sau khi kết thúc nội chiến. Trong khuyến cáo dành cho công dân đang có mặt tại Sri Lanka, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo nguy cơ các nhóm cực đoan sẽ tiếp tục âm mưu tấn công.
Tổng thống Philippines dọa "tuyên chiến" với Canada vì rác thải
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo có thể tuyên chiến với Canada do căng thẳng ngoại giao giữa hai quốc gia liên quan đến rác thải mà Canada bị cáo buộc xả bất hợp pháp vào Philippines cách đây 5 năm.
"Tôi muốn chuẩn bị sẵn một con tàu. Tôi sẽ đưa ra cảnh báo cho Canada, có thể vào tuần tới, rằng họ nên kéo tất cả rác thải đó về hoặc tôi sẽ tới đó", hãng tin RT ngày 23/4 dẫn lời Tổng thống Philippines cảnh báo chính phủ Canada.
Người đứng đầu chính phủ Philippines nói thêm: "Chúng tôi sẽ tuyên chiến với họ. Chúng tôi sẽ đấu tranh với Canada. Chúng tôi có thể khiến họ khuất phục. Tôi sẽ trả rác thải lại cho họ”. “Tôi sẽ nói với phía Canada rằng rác thải của quý vị đang trên đường trở về, hãy chuẩn bị đón nhận”, ông Duterte nói tiếp. Ông Duterte cho rằng, Canada đang coi Philippines như một "bãi xả rác".
Khoảng 103 container chứa rác thải sinh hoạt của Canada đã được vận chuyển đến Philippines từ năm 2013 đến năm 2014 dưới thời cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Đơn vị thực hiện việc vận chuyển số rác thải này là Chronic Plastics Inc, công ty được cho là đã nhầm lẫn giữa rác thải sinh hoạt với nhựa phế thải. Rác thải từ ít nhất 26 container này sau đó đã được chôn tại một bãi tập kết rác ở Philippines.
Kể từ đó, Philippines được cho là đã nhiều lần gửi công hàm ngoại giao cho chính phủ Canada để phản đối việc này. Tuy nhiên, Canada từ chối lấy lại số rác thải vì cho rằng công ty vận tải phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.