Thất bại của tình báo Sri Lanka trong loạt đánh bom làm hơn 200 người chết
"Cuộc tấn công tại Sri Lanka là thất bại về mặt tình báo. Lực lượng vũ trang Sri Lanka có mạng lưới thông tin tình báo rất hiệu quả. Dù vậy, họ lại tập trung vào cộng đồng thiểu số Tamil nhằm đề phòng sự trỗi dậy của các nhóm phiến quân địa phương, thay vì chú ý tới các tổ chức khủng bố quốc tế và khu vực", Smruti Pattanaik, chuyên gia tại Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ, hôm nay cho biết.
6 vụ nổ xảy ra sáng 21/6 tại ba khách sạn hạng sang và ba nhà thờ, chủ yếu ở thủ đô Colombo của Sri Lanka và vùng lân cận, vào đúng dịp lễ Phục sinh. Hai vụ nổ sau đó xảy ra tại vùng ngoại ô Colombo vào buổi chiều. Chuỗi các vụ nổ khiến ít nhất 207 người thiệt mạng và hơn 400 người bị thương.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe hôm qua cho biết lực lượng an ninh nước này đã "biết thông tin" về một vụ tấn công có khả năng xảy ra. Tình báo địa phương nhận được cảnh báo từ 10 ngày trước rằng "các nhà thờ nổi tiếng" có thể trở thành mục tiêu đánh bom tự sát.
Các chuyên gia cho rằng Sri Lanka đã hoàn toàn bị bất ngờ bởi cuộc tấn công được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Đây là dấu hiệu cho thấy nước này không theo kịp những mối đe dọa hiện đại, dù quân đội và tình báo có nhiều kinh nghiệm sau hàng chục năm chống lại lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE).
Những sai lầm của quan chức Pháp trong vụ cháy Nhà thờ Đức Bà
Theo The New York Times, quan chức Pháp đã phạm phải một số sai lầm trong việc bảo vệ Nhà thờ Đức Bà, khiến cho ngọn lửa lan nhanh và khó kiểm soát, gây ra nhiều tổn thất không thể phục hồi. Một trong số sai lầm đó có liên quan đến hệ thống báo cháy và kế hoạch khống chế hỏa hoạn kịp thời.
Hệ thống PCCC của nhà thờ dựa trên giả định nếu nhà thờ bị bắt lửa, những gỗ sồi lâu năm trên gác mái sẽ cháy đủ chậm để lực lượng chức năng có thời gian dập tắt ngọn lửa.
Bên cạnh đó, ở Nhà thờ Đức Bà, thiết bị báo cháy sẽ không gửi thông báo ngay đến lực lượng cứu hỏa. Trước tiên, một bảo vệ nhà thờ phải xác nhận chuông báo động là đúng hay sai bằng cách kiểm tra mái nhà thờ sau khi leo lên một cầu thang dốc. Ông Mouton cho biết việc kiểm tra sẽ tốn ít nhất sáu phút.
Vì thế, sẽ mất khoảng 20 phút từ lúc chuông báo cháy vang lên cho đến khi lính cứu hỏa tới và trèo lên gác mái mang theo những thiết bị chữa cháy nặng nề. Việc lãng phí khoảng thời gian quý giá này chỉ khiến cho vụ hỏa hoạn càng trở nên nghiêm trọng.
Bên cạnh giả định về ngọn lửa được các chuyên gia đánh giá là sai lầm, hệ thống cảnh báo có vẻ cũng đã bị lỗi. Báo động đầu tiên vang lên vào lúc 18:20 nhưng bảo vệ xác minh là không có ngọn lửa nào vào thời điểm đó.
Ông Glenn Corbett, PGS tại ĐH Tư pháp hình sự John Jay (Mỹ) khẳng định đó là sai lầm lớn nhất khi nhà thờ đã không xem xét kỹ càng báo động đầu tiên. Theo ông, có thể ngọn lửa cháy âm ỉ ở đâu đó trên mái đang bắt đầu lan rộng, nhưng chưa đủ dữ đội để con người nhận ra.
Đảng Dân chủ để ngỏ khả năng luận tội Trump sau báo cáo của Mueller
Phát biểu trong chương trình "Gặp gỡ báo chí" của NBC hôm 21/4, Jerrold Nadler, Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện, bộ phận sẽ chịu trách nhiệm về các thủ tục luận tội, cho hay sẽ rà soát lại các các cuộc điều tra về Trump và "xem sự thật sẽ dẫn chúng ta tới đâu".
"Nghi vấn cản trở công lý nếu được chứng minh, (ông Trump) có thể sẽ bị đưa ra luận tội", ông Nadler nói.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gửi thông báo tới các nghị sĩ hôm 19/4 nhằm triệu tập một hội nghị tổ chức vào 22/4 này để xem xét báo cáo của Mueller và gọi đây là "vấn đề nghiêm trọng". Còn Nadler đã gửi công văn tới Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu cung cấp bản báo cáo đầy đủ của Mueller trước ngày 1/5, nhưng bộ này nói "quá sớm và không cần thiết".
Theo báo cáo được sửa đổi trước khi công bố của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người chịu trách nhiệm điều tra suốt 22 tháng về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, ông Trump không bị kết luận nhưng cũng không được phủ nhận là có thực sự cản trở công lý hay không.
Bản thân ông Mueller cũng ghi chú rằng quốc hội có quyền xem xét liệu Trump có vi phạm luật hay không và các thành viên đảng Dân chủ nói rằng sẽ đem vấn đề này ra thảo luận trong vài tuần tới.
Tổng thống Donald Trump, người chỉ trích cuộc điều tra liên quan đến ông là "cuộc săn phù thuỷ" tuyên bố đã được minh oan sau báo cáo của Mueller. Ông cũng kêu gọi các bên xem xét lại cách Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt đầu cuộc điều tra và đổ lỗi cho đảng Dân chủ: "Làm thế nào để các ông luận tội một tổng thống đảng Cộng hoà chỉ vì một âm mưu được thực hiện bởi đảng Dân chủ?"
Sri Lanka chặn một loạt mạng xã hội sau đánh bom khủng bố
Chính phủ Sri Lanka đã thực hiện bước đi quyết liệt này vì "những tin tức sai lệch" đang lan truyền trên mạng xã hội. Việc chặn mạng xã hội tạm thời nêu bật những thách thức mà các công ty công nghệ mạnh nhất thế giới phải đối mặt trong việc kiềm chế sự lan truyền thông tin sai lệch và tuyên truyền hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố. Nó cũng đặt ra những câu hỏi về sự kiểm duyệt và khả năng tắt các website phổ biến nhất thế giới của chính phủ.
Khi thông báo lệnh cấm trên cổng thông tin chính thức của mình, Sri Lanka đã nêu tên Facebook và Instagram là những trang mà họ đã chặn. Theo nhóm giám sát internet NetBlocks, Youtube, Snapchat và các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp, Viber cũng đã bị chặn lại. Twitter dường như đã "lọt lưới". Nhà nghiên cứu Sanjana Hattotuwa đến từ Trung tâm Thay thế Chính sách tại Colombo, Sri Lanka cho biết ở nước này, Twitter không được sử dụng rộng rãi như Facebook và WhatsApp.
Một phát ngôn viên của Facebook nói với CNN rằng: "Chúng tôi biết về tuyên bố chặn tạm thời các nền tảng mạng xã hội của chính phủ. Mọi người dựa vào dịch vụ của chúng tôi để liên lạc với người thân và chúng tôi cam kết duy trì dịch vụ, giúp đỡ cộng đồng và đất nước trong khoảng thời gian bi thảm này".
Người phát ngôn cho biết Facebook đang hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật Sri Lanka và xác định nội dung vi phạm các tiêu chuẩn của công ty.
Mỹ có thể trừng phạt tất cả quốc gia nhập khẩu dầu Iran
Washington Post hôm 21/4 đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sắp thông báo kể từ ngày 2/5, các nước nhập khẩu dầu thô Iran sẽ không còn được Bộ Ngoại giao Mỹ miễn trừ trừng phạt.
"Mục đích của chính sách là khiến Iran phải trả giá cho các hành vi độc ác và giải quyết mạnh tay hơn các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Brian Hook, cố vấn chính sách cấp cao của Pompeo hôm 2/4 nói Mỹ "đang trên đường loại bỏ nhanh chóng tất cả giao dịch dầu thô Iran". Ba trong số 8 quốc gia nhập khẩu được miễn trừ các lệnh trừng phạt dầu mỏ của Iran hiện không còn được miễn. Toàn bộ 23 nước nhập khẩu dầu Iran cũng có thể bị trừng phạt.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ thông báo rằng thay vì Iran, các nước có thể chuyển sang nhập khẩu dầu từ Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã bàn vấn đề này với Thái tử UAE Mohammed bin Zayed al-Nahyan.
"Chính sách trừng phạt các nước nhập khẩu dầu Iran do Ngoại trưởng Pompeo đề xuất. Ông thực hiện chính sách này trong sự phối hợp chặt chẽ từng bước với Tổng thống", một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.