Triều Tiên đề nghị Mỹ trả 2 triệu USD viện phí cho sinh viên Otto Warmbier
Washington Post dẫn nguồn thạo tin giấu tên ngày 25/4 cho biết, Triều Tiên đã gửi hóa đơn đề nghị thanh toán này cho đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Joseph Yun chỉ vài giờ trước khi nam sinh Warmbier được đưa lên máy bay ở Bình Nhưỡng để trở về Mỹ trong tình trạng hôn mê sâu hôm 13/6/2017.
Ông Joseph Yun, người được cử tới Bình Nhưỡng để đón Warmbier, được cho là đã ký duyệt chi 2 triệu USD để thanh toán cho Triều Tiên theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump.
Theo Washington Post, hóa đơn sau đó được gửi cho Bộ Tài chính Mỹ và không được thanh toán trong năm 2017, không rõ sau đó chính quyền Tổng thống Trump có chi trả hóa đoan này không.
Khi được hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói: “Chúng tôi không bình luận về các cuộc thương lượng thả con tin, đó là lý do vì sao các cuộc thương lượng thành công”.
Đại sứ Yun cũng từ chối bình luận về việc mà ông cho rằng là hoạt động trao đổi ngoại giao. Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNN ngày 25/4, ông Yun cho biết, ông đã nhận được chỉ thị bằng mọi giá phải đảm bảo nam sinh Warmbier được phóng thích và ông hiểu rằng đó là mệnh lệnh trực tiếp từ Tổng thống Trump.
Quan chức này nói thêm, các vụ phóng thích tù nhân Mỹ trước đây cũng đều gắn liền với các khoản chi trả được coi là "chi phí y tế", song ông từ chối nêu chi tiết.
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Gia đình của Warmbier, cũng từ chối bình luận về thông tin của Washington Post và cho rằng hóa đơn viện phí này giống như một khoản tiền chuộc.
Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh
Cuộc gặp trực tiếp của hai nhà lãnh đạo đã không cho thấy những thay đổi lớn trong quan điểm của Triều Tiên. Ông Putin nói rằng ông Kim sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân nhưng đổi lại phải được đảm bảo an ninh chắc chắn.
Ông Kim đã hối thúc Tổng thống Nga giải thích các sắc thái lập trường của Triều Tiên với ông Trump.
Sau hội nghị thượng đỉnh hôm 25/4, ông Putin nhấn mạnh cả Moscow và Washington đều muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Nhưng ông nói sự đảm bảo mà ông Kim mong muốn phải được nhiều quốc gia bảo lãnh. Điều này ám chỉ một thỏa thuận giống như các cuộc đàm phán 6 bên mà Nga từng tham gia cho tới khi nó sụp đổ năm 2009.
Sau đó, ông Putin sẽ có chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh. Tại đây, ông sẽ thông báo về hội nghị Nga - Triều với lãnh đạo Trung Quốc.
"Chúng tôi sẽ thảo luận một cách cởi mở về vấn đề này với lãnh đạo Mỹ. Không có gì bí mật cả. Quan điểm của Nga luôn minh bạch. Không có mưu đồ gì ở đây cả", ông Putin nói.
Nhận xét của Tổng thống Nga phản ánh nỗi thất vọng ngày một tăng của Kim Jong-un đối với những nỗ lực duy trì "áp lực tối đa" của Washington cho tới khi Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa. Bình luận của ông Kim qua lời ông Putin cũng cho thấy Triều Tiên không thay đổi lập trường cơ bản.
Ukraine phản ứng gì với sắc lệnh mới của Nga?
Hãng AFP đưa tin, ngày 25-4, Ukraine đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hành động để phản đối quyết định của Tổng thống Vladimir Putin về việc đơn giản hóa thủ tục cấp hộ chiếu Nga cho cư dân sống ở khu vực miền đông Ukraine.
Đại sứ Ukraine Volodymyr Yelchenko, trong cuộc họp với Hội đồng Bảo an LHQ, nói rằng sắc lệnh này "đơn giản là bất hợp pháp" và kêu gọi có "hành động thực sự", kể cả nếu Nga có thể phủ quyết hay ngăn chặn biện pháp phản đối sắc lệnh.
Ông Yelchenko cũng cáo buộc Nga có hành động "chiếm đóng", "sáp nhập từ từ" và "buộc" người dân tại khu vực miền Đông có hộ chiếu, quốc tịch Nga, hãng RT cho biết.
Ông Yelchenko nói. "Việc Nga sử dụng sắc lệnh hộ chiếu mới này để thực hiện các thỏa thuận Minsk là không thể".Theo hãng tin AFP, phía châu Âu cũng chỉ ra rằng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Volodymyr Zelenskiy là một cơ hội tốt để thúc đẩy đối thoại với Nga về việc kết thúc năm năm chiến tranh giữa quân đội Ukraine và các lực lượng miền Đông giết chết hơn 13.000 người.
Đại sứ Pháp Francois Delattre nói: "Giải pháp cho cuộc khủng hoảng này không phải là trao hộ chiếu Nga cho công dân Ukraine, mà là tôn trọng các cam kết được đưa ra để chấm dứt xung đột".
Cuba chỉ trích Mỹ muốn “bóp nghẹt” kinh tế và trừng phạt nhân dân Cuba
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez tuyên bố, những biện pháp mới đây của Mỹ chống nước này là nhằm “bóp nghẹt” nền kinh tế và trừng phạt nhân dân Cuba.
Chính phủ Mỹ đã quyết định từ ngày 2/5 tới kích hoạt một điều luật cho phép truy tố những công ty nước ngoài đầu tư tại Cuba và hạn chế dịch vụ tiền gửi tới nước này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nhấn mạnh, Mỹ đang tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế và trừng phạt nhân dân Cuba nhằm đạt được mục đích cuối cùng là những nhượng bộ chính trị từ phía nước này. Bất chấp những tác động kinh tế rõ ràng mà hành vi của chính phủ Mỹ và những biện pháp của họ gây ra, song người Mỹ sẽ không thể làm thay đổi dù là nhỏ nhất quyết tâm của Cuba.
Ngoại trưởng Bruno Rodriguez cho biết: "Những bước đi của Mỹ không chỉ làm tổn hại tới lợi ích của người dân Cuba, của tất cả những gia đình có liên hệ tại Mỹ, mà còn gây thiệt hại cho quyền tự do và quyền của người dân Mỹ đang gửi kiều hối cho các thành viên gia đình của họ ở Cuba, gây nguy hiểm nghiêm trọng cho khu vực tư nhân trong nền kinh tế Cuba”.
Với cáo buộc Chính phủ Cuba hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, trong những tháng vừa qua, Chính phủ Mỹ đã gia tăng những cảnh báo và trừng phạt Cuba, vốn đã phải chịu các lệnh bao vây cấm vận của Mỹ từ năm 1962.
Ông Trump mỉa mai cựu phó tướng của ông Obama vừa tuyên bố tranh cử Tổng thống 2020
Sau khi cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ra tranh cử năm 2020, ông Trump đã thách đấu bằng những dòng tweet mỉa mai.
"Chào mừng đến cuộc đua, Joe Ngủ gật. Tôi chỉ hi vọng ông có sự minh mẫn, thứ đã bị nghi ngờ từ lâu, để thành công với chiến dịch bầu cử sơ bộ. Sẽ rất xấu xí đấy vì ông phải đối đầu với những người có những ý tưởng thật sự bệnh hoạn và điên rồ. Nhưng nếu ông chiến thắng, tôi sẽ đợi ông ở vạch xuất phát!", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng dòng tweet sau khi phó tướng dưới thời ông Obama - Joe Biden tuyên bố ra tranh cử hôm 25/4.
Ngày 25/4, sau nhiều tháng cân nhắc, ông Joe Biden tuyên bố ra tranh cử Tổng thống năm 2020. Đây là lần thứ 3 ông Biden tham gia chạy đua vào Nhà Trắng.
Ông Biden cho rằng, các giá trị cốt lõi, vị thế của nước Mỹ trên thế giới, nền dân chủ và mọi thứ làm nên cường quốc này đang bị Tổng thống đương nhiệm Trump thay đổi một cách căn bản. Và đó lý do khiến ông quyết định ra tranh cử.
Ông Biden từng là Phó tổng thống Mỹ suốt 8 năm dưới thời ông Barack Obama. Với tuyên bố trên, chính trị gia 76 tuổi này sẽ cùng với 20 ứng viên khác của đảng Dân chủ tham gia cuộc đua để được đảng này đề cử là ứng viên tranh cử Tổng thống vào năm tới.