Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình vào phiến quân Syria
Các tàu chiến Nga ở ngoài khơi Địa Trung Hải ngày 8/4 phóng một loạt tên lửa hành trình nhằm vào nhóm phiến quân Hồi giáo Hay’at Tahrir Al-Sham (HTS) thân al-Qaeda và nhóm Hồi giáo Turkestan ở vùng nông thôn Jisr Al-Shughour, phía tây tỉnh Idlib của Syria.
Vụ tấn công bằng tên lửa của hải quân Nga diễn ra chỉ 24 giờ sau khi phiến quân phát động đợt tấn công vào thành phố Masyaf ở phía tây tỉnh Hama khiến ít nhất 7 dân thường thiệt mạng, gồm hai y tá đang làm việc cho bệnh viện quốc gia.
Idlib nằm ở khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, bị phiến quân chiếm đóng từ năm 2015. Hiện 60% diện tích tỉnh này nằm trong tay nhóm HTS, phần còn lại nằm trong tay lực lượng nổi dậy Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 10/2018 tuyên bố Moskva sẵn sàng hỗ trợ quân đội Syria (SAA) tấn công Idlib nếu phiến quân không rút khỏi khu phi quân sự được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập theo Thỏa thuận Sochi được ký trước đó một tháng.
Theo thỏa thuận này, hai bên nhất trí thiết lập vùng đệm phi quân sự rộng 15-20 km dọc đường tiếp xúc giữa phe nổi dậy và quân chính phủ Syria xung quanh Idlib, đổi lại Damascus sẽ không mở chiến dịch tổng tấn công vào tỉnh này. Phiến quân phải rút toàn bộ vũ khí hạng nặng và rời khỏi vùng đệm trước ngày 15/10/2018.
Trump tuyên bố Vệ binh Cách mạng Iran là khủng bố
Reuters đưa tin Tổng thống Donald Trump đã gọi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) tinh nhuệ của Iran là một tổ chức khủng bố vào hôm 8/4. Động thái này đã bị phía Iran chỉ trích dữ dội và làm dấy lên lo ngại về những cuộc tấn công trả đũa từ quân đội Mỹ.
Đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức gọi quân đội một nước là tổ chức khủng bố. Tổng thống Trump là người có đường lối cứng rắn đối với Iran. Ông đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và sẽ áp dụng lại các biện pháp trừng phạt kinh tế mở rộng đối với nước này.
Bước đi của Mỹ có hiệu lực vào ngày 15/4 và điều này đã khiến Iran phản ứng ngay lập tức. Hội đồng an ninh Quốc gia Tối cao nước này cũng đã đáp trả khi gọi quân đội Mỹ là "một tổ chức khủng bố".
Ông Putin lần đầu lên tiếng về quyết định của ông Trump về cao nguyên Golan
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Moscow ngày 8/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được những câu hỏi từ phóng viên liên quan đến quan điểm của Nga về việc Mỹ công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel.
"Liên quan đến việc công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel, quý vị đã biết rõ quan điểm của Nga. Quan điểm này đã được thể hiện qua thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga. Động thái của Mỹ đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc", hãng tin RT dẫn lời Tổng thống Putin.
Đây là bình luận công khai đầu tiên của chủ nhân Điện Kremlin sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ, công nhận cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel. Quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Cao nguyên Golan là một vùng lãnh thổ kéo dài khoảng 65km từ bắc đến nam và 19km từ đông đến tây. Đây được coi là khu vực cao nguyên chiến lược từ đó có thể bao quát một vùng rộng lớn của Syria và Thung lũng Jordan. Nó được coi là vị trí chiến lược về quân sự cho cả Syria và Israel.
Đài Loan xúc tiến kế hoạch mua 108 xe tăng Mỹ bất chấp Trung Quốc
Trang tin Focus Taiwan ngày 8/4 dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết Đài Loan vẫn đang xúc tiến kế hoạch mua 108 xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ. Kế hoạch này vẫn đang được triển khai, mặc dù hiện vẫn chưa rõ khi nào Mỹ sẽ chính thức phê chuẩn thương vụ với Đài Loan.
Thông tin trên được đưa ra để đáp trả những tin đồn gần đây nói rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã dừng kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan cho tới khi Washington đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Hiện Lực lượng vũ trang Đài Loan có hơn 1.000 xe tăng chiến đấu, song hầu hết là các mẫu M60A3 và CM-11 lỗi thời. Theo đó, Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã lên kế hoạch chi 30 tỷ Tân Đài tệ (khoảng 972,21 triệu USD) trong ngân sách phòng vệ năm nay để mua 108 xe tăng chiến đấu M1A2.
Nếu Mỹ đồng ý thương vụ xe tăng với Đài Loan, 108 xe tăng mua được sẽ được bàn giao cho Quân đoàn số 6. Đây là đơn vị chịu trách nhiệm an ninh phía bắc Đài Loan - nơi đặt trụ sở của phần lớn các cơ quan chính quyền.
Lý do Triều Tiên lo ngại 'hậu quả thảm khốc' khi Hàn Quốc sở hữu F-35
Website tuyên truyền Uriminzokkiri của nhà nước Triều Tiên hôm qua bất ngờ gay gắt chỉ trích việc Hàn Quốc tiếp nhận hai chiếc đầu tiên trong lô 40 tiêm kích tàng hình F-35A theo hợp đồng trị giá 6,5 tỷ USD ký với Mỹ vào năm 2014. Bình Nhưỡng cho rằng đây là "hành động thù địch làm leo thang căng thẳng quân sự trên bán đảo", "một thách thức rõ ràng đối với các nỗ lực kiến tạo hòa bình" có thể gây ra "hậu quả thảm khốc".
Theo giới quan sát, đây là phản ứng mang hàm ý đe dọa đầu tiên của Triều Tiên sau nhiều tháng theo đuổi nỗ lực hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo. Thông điệp cứng rắn này đồng thời thể hiện nỗi lo ngại của Bình Nhưỡng trước loại tiêm kích tàng hình tối tân có thể đe dọa nghiêm trọng đến các cơ sở hạt nhân, tên lửa trọng yếu cũng như toàn bộ lực lượng không quân của họ.
Không quân Hàn Quốc đang biên chế một loạt tiêm kích thế hệ 4 hiện đại do Mỹ sản xuất, trong đó có hơn 100 chiếc KF-16C và khoảng 60 chiến đấu cơ F-15K Slam Eagle. Tiêm kích KF-16C đã được tích hợp đầy đủ tên lửa không đối không AIM-120C-5 và AIM-120C-7 thuộc dòng AMRAAM của Mỹ, giúp không quân Hàn Quốc hoàn toàn vượt trội so với các chiến đấu cơ trong biên chế Triều Tiên.
Phần lớn tiêm kích của không quân Triều Tiên là các biến thể MiG-21 và J-7 chỉ được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn. Trong trường hợp nổ ra xung đột, tiêm kích KF-16C của Hàn Quốc hoàn toàn có thể phóng tên lửa AMRAAM từ khoảng cách rất xa rồi thoát ly trước khi chiến đấu cơ MiG của Triều Tiên kịp khóa mục tiêu. Khi giao chiến ở khoảng cách gần hơn, tiêm kích Triều Tiên cũng không thể đọ được về uy lực tên lửa và radar so với đối thủ.