6 tiêm kích tàng hình Su-57 Nga hộ tống chuyên cơ Putin
Biên đội 6 tiêm kích tàng hình Su-57 hôm qua hộ tống chuyên cơ Il-96-300PU chở Tổng thống Nga Vladimir Putin tới trung tâm thử nghiệm vũ khí hàng không lớn nhất của nước này ở vùng Akhtubinsk, tây nam Nga.
Trong video được quay từ cửa sổ chuyên cơ Il-96-300PU, biên đội tiêm kích tàng hình Su-57 dàn đội hình bay ngay bên phải phi cơ chở Tổng thống Nga ở khoảng cách gần. Hình ảnh được quay từ dưới mặt đất cho thấy 6 chiếc Su-57 giữ cự ly rất chuẩn xác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hộ tống.
Tại vùng Akhtubinsk, Putin đã thị sát nhiều vũ khí mới nhất của Nga như tiêm kích Su-57, tiêm kích đánh chặn MiG-31 mang tên lửa siêu vượt âm Kinzhal và các hệ thống phòng không hiện đại.
Màn phô diễn lực lượng tiêm kích tàng hình của không quân Nga diễn ra ngay trước cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thành phố Sochi. Đây là lần đầu tiên tiêm kích Su-57 bay với biên đội tới 6 chiếc, chiếm một nửa số chiến đấu cơ tàng hình trong biên chế.
Su-57 là tiêm kích tàng hình thế hệ 5 được Nga phát triển để cạnh tranh với đối thủ F-22, F-35 của Mỹ. Máy bay được phủ vật liệu đặc biệt giúp hấp thụ sóng radar, cùng hình dáng tối ưu để tăng khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử của đối phương.
Giới chuyên gia phương Tây cho rằng Su-57 sở hữu nhiều tính năng đáng ngưỡng mộ như trang bị tổ hợp vô tuyến điện tử đa năng tích hợp Sh121 và cụm cảm biến quang - điện tử 101KS Atoll, cho phép mở rộng tầm theo dõi mục tiêu, nhất là với những tiêm kích tàng hình đối phương.
Trump sắp ký lệnh mở đường cấm Huawei vào Mỹ
3 quan chức thạo tin nói với Reuters rằng lệnh cấm này không nêu tên quốc gia, công ty cụ thể. Nó được xem xét trong hơn một năm nhưng liên tục bị trì hoãn. Tuy nhiên, lệnh cấm có thể sẽ bị hoãn lần nữa, các quan chức nói.
Sắc lệnh hành pháp này viện diễn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (International Emergency Economic Powers Act), cho phép tổng thống có thẩm quyền điều chỉnh thương mại để đối phó với tình trạng khẩn cấp quốc gia đe dọa Mỹ. Lệnh sẽ chỉ đạo Bộ Thương mại, phối hợp với các cơ quan chính phủ khác để vạch ra một kế hoạch thực thi.
Nếu được ký kết, sắc lệnh hành pháp này sẽ đến vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Trung khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang áp dụng thuế quan trong chiến tranh thương mại.
Washington tin rằng các thiết bị do công ty Huawei Technologies Co Ltd, nhà sản xuất Smartphone lớn thứ ba thế giới chế tạo ra có thể được Trung Quốc dùng để do thám. Huawei đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc này và họ không đưa ra bình luận ngay lập tức về đạo luật. Nhà Trắng và Bộ Thương mại Mỹ thì từ chối bình luận.
Mỹ đã tích cực thúc đẩy các quốc gia khác không sử dụng thiết bị của Huawei trong mang lưới 5G thế hệ mới bởi theo họ nó "không đáng tin cậy". Hồi tháng 8, ông Trump đã ký một dự luật cấm chính phủ Mỹ sử dụng các thiết bị thừ Huawei và một nhà cung cấp khác của Trung Quốc là ZTE Corp.
Lý do Tây Ban Nha rút tàu chiến khỏi hạm đội Mỹ đang gần Iran
Theo tờ El Pais (Tây Ban Nha), Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles đã ra lệnh rút tàu hộ vệ Mendez Nunez khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln do Mỹ chỉ huy tại khu vực Trung Đông.
Truyền thông Tây Ban Nha cho biết quyết định trên được đưa ra nhằm tránh vô tình bị lôi kéo vào xung đột với Iran.
"Chính phủ Tây Ban Nha đã rút tàu hộ vệ Mendez Nunez (F-104) khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đang triển khai ở Trung Đông. Tàu đang thực hiện sứ mệnh đi vòng quanh trên biển và sẽ không tham gia vào bất cứ nhiệm vụ nào khác", nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha hôm 14-5 xác nhận.Truyền thông Tây Ban Nha cho biết quyết định rút tàu Mendez Nunez cùng 215 thủy thủ khỏi Trung Đông được quyền Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles đưa ra ngày 13-5 sau khi nhận thấy căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng gia tăng.
Trước đó, trong chuyến thăm tới một căn cứ không quân, bà Robles khẳng định Tây Ban Nha luôn đồng thuận với những quan điểm chung của Liên minh châu Âu (EU) và cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng ở vịnh Ba Tư, đồng thời khẳng định Madrid chỉ làm theo những thỏa thuận đã ký kết với EU và NATO.
Chính trị gia Đan Mạch dùng website khiêu dâm vận động tranh cử
Trong một quảng cáo không màu trên trang khiêu dâm trực tuyến, Joachim B. Olsen, một nghị sĩ đảng Liên minh Tự do trung hữu đã kêu gọi người dùng "bỏ phiếu cho Jokke" khi họ dùng xong các dịch vụ của trang này. "Jokke" chính là biệt danh của ông Joachim.
Trong một bài đăng trên Facebook, ông Olsen đã xác nhận chiến dịch độc đáo này thực sự là của mình. "Vâng, trên Pornhub chính là tôi", ông nói. Chính trị gia này nói thêm rằng tin nhắn gửi đi chỉ là một trò đùa, ông hy vọng sẽ khiến mọi người cười.
Olsen, một cựu vận động viên đẩy tạ Olympic hiện đang tham gia vào cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Đan Mạch. Trong khi phát hiện trang khiêu dâm trực tuyến là một nơi khác thường để vận động, Olsen cũng thấy đó là một nơi tiềm năng.
Trả lời phỏng vấn Tập đoàn Phát thanh Đan Mạch (DR) hôm 12/5, Olsen nói: "Bạn phải đi tới khắp nơi và sau đó chúng tôi nghĩ làm một quảng cáo trên Pornhub sẽ rất vui. Một nửa internet là khiêu dâm. Và bạn phải tới những nơi có cử tri. Trên một trang khiêu dâm cũng có". Theo số liệu thống kê tự báo cáo của doanh nghiệp, Pornhub nhận được 100 triệu lượt truy cập mỗi ngày. Đan Mạch là nguồn lưu lượng truy cập tới trang này cao thứ 28. Gần 3/4 người dùng Đan Mạch của trang là nam giới.
Ông Olsen nói rằng chiến dịch của mình ngoài "95% là nghiêm túc" thì cũng có chỗ cho những "điều vui vẻ". Ông thừa nhận quảng cáo trên Pornhub đã gây phẫn nộ cho một số người và đây là hậu quả không thể tránh khỏi.
Quan chức Nga cảnh báo về vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu
"Thật không may, một số quốc gia phụ thuộc vào Washington luôn giả vờ rằng không có điều gì xảy ra, hoạc đơn giản là họ cảm thấy sợ khi nghĩ đến sự thật rằng đang có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân ở các nước phi hạt nhân trên lãnh thổ châu Âu", Cục trưởng Cục Chống phổ biến và Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov ngày 14/5 tuyên bố.
Ermakov khẳng định việc đẩy mạnh hoạt động chống phổ biến vũ khí hạt nhân ở châu Âu đang gặp khó khăn khi nhiều quốc gia ở châu lục này tiếp tục "tự đẩy mình tới bờ vực của thảm họa hạt nhân và sự hủy diệt hoàn toàn".
Phát biểu của ông Ermakov được đưa ra trong bối cảnh hồi không quân Mỹ hồi tháng 3 triển khai 6 oanh tạc cơ B-52 có thể mang bom hạt nhân tới châu Âu để tham gia huấn luyện với các đồng minh NATO.
Động thái của Mỹ đã bị Điện Kremlin chỉ trích mạnh mẽ. Ermako hồi tháng 4 từng tuyên bố các cuộc tập trận của Mỹ có liên quan đến vũ khí hạt nhân có thể gây ra hậu quả thảm khốc và châu Âu nên nhận ra những nguy cơ của việc tham gia những "hành động điên rồ này".
Căng thẳng giữa Washington và Moskva leo thang liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Trong khi Mỹ gia tăng lực lượng triển khai ở châu Âu và NATO không ngừng mở rộng về phía đông, Nga cũng tăng cường các cuộc tập trận quy mô lớn ở khu vực gần các nước thành viên NATO.