Tin tức thời sự thế giới 24h: Mỹ chặn oanh tạc cơ Nga bay sát không phận
Theo tuyên bố từ Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ , các máy bay ném bom tầm xa có khả năng hạt nhân của Nga đã đi vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) kéo dài khoảng 200 dặm ngoài khơi phía tây bờ biển Alaska. Các quan chức Mỹ coi những chuyến bay ném bom của Nga là một phần trong nỗ lực huấn luyện quân sự sẵn sàng ứng phó khủng hoảng, đồng thời phô diễn sức mạnh của Moscow.
Các chiến đấu cơ F-22 của Mỹ và Hệ thống Kiểm soát, Cảnh báo sớm trên không E-3 của Bộ chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ "đã tích cực xác định và chặn tổng cộng 4 máy bay ném bom Tupolev Tu-95 và hai chiếc Su-35 đang đi vào Vùng nhận dạng phòng không Alaska ngày 20/5", NORAD nói trong tuyên bố.
"Hai trong số các máy bay ném bom của Nga đã bị hai chiếc F-22 chặn lại. Nhóm máy bay ném bom thứ hai cùng Su-35 cũng bị hai chiếc F-22 nữa đánh chặn. Trong khi đó, E-3 giám sát tổng thể". NORAD nói thêm rằng "các máy bay và chiến đấu cơ Nga vẫn ở trong không phận quốc tế và không có lúc nào tiến vào không phận của Mỹ hay Canada".
Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận sự cố này trong một dòng tweet hôm 21/5. Bộ nói rằng các máy bay ném bom Tu-95 "thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch tại vùng biển trung lập Chukotka, Bering và Okhotsk cũng như dọc bờ biển phía tây Alaska và bờ biển phía bắc Quần đảo Aleutian".
"Ở một số giai đoạn nhất định của hành trình, máy bay Nga được các chiến đấu cơ F-22 của Không quân Mỹ hộ tống. Tổng thời gian bay vượt quá 12 giờ", bộ nói thêm.
Các quan chức Mỹ nói rằng oanh tạc cơ và máy bay chiến đấu của Nga đã bay qua khu vực này nhiều lần trong vài năm qua và đều bị máy bay của Mỹ hoặc Canada chặn lại.
Tin tức thời sự thế giới 24: Rộ tin người tình tin đồn của Tổng thống Putin sinh đôi con trai
Theo Mirror, thông tin này vẫn chưa được cô Alina Kabaeva xác nhận. Điện Kremlin cũng không bao giờ thảo luận về đời tư của Tổng thống.
Một nguồn tin thân cận với cô Kabaeva cho biết: "Chúng tôi không thảo luận về những tin đồn".
Toàn bộ khu VIP trên tầng 4 của Trung tâm Nghiên cứu Sản, Phụ khoa và chăm sóc thai kỳ Kulakov đều đã được dọn dẹp hồi đầu tháng này để tiếp đón cựu vận động viên. Tờ Moskovsky Komsomolets đã đăng tải thông tin này lên website của mình nhưng sau đó lại xóa đi. Tất cả những thông tin liên quan, bộ nhớ ẩn cũng đều bị xóa.
Ở một nguồn khác, nhà báo điều tra Sergei Kanev cho biết cô đã hạ sinh hai bé trai thông qua sinh mổ. Ông được biết có rất nhiều sĩ quan Dịch vụ Bảo vệ Liên bang đã kiểm tra mọi ngóc ngách của bệnh viện phụ sản này trước khi cô đến.
"Một nửa đội ngũ nhân viên y tế đã bị đuổi khỏi phòng sinh. Một bác sĩ nổi tiếng đến từ Ý là người đỡ đẻ chính, dưới sự hỗ trợ của giám đốc trung tâm y tế Gennady Sukhikh", ông nói.
Cho đến nay, tất cả những thông tin trên vẫn chưa được xác nhận chính thức.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Trung Quốc kêu gọi người dân yêu nước giữa căng thẳng với Mỹ
Theo Nikkei Asian Review, kể từ 16/5, một kênh trong hệ thống truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã đổi lịch phát sóng trong khung giờ vàng, để chiếu một bộ phim về đề tài Chiến tranh Triều Tiên.
Việc này được cho là được yêu cầu thực hiện bởi chính phủ. Trung Quốc từng gửi quân tới hỗ trợ Triều Tiên để chống lại quân đội Mỹ trong cuộc chiến kéo dài từ năm 1950 đến 1953.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đã so sánh căng thẳng hiện tại của cuộc chiến thương mại với những gì diễn ra trong chiến tranh Triều Tiên, khi mà Bắc Kinh tìm cách đàm phán một lệnh ngừng bắn với Washington trong suốt 2 năm của cuộc chiến kéo dài 3 năm.
"Washington đã châm ngòi cho cuộc xung đột thương mại với lý do tìm kiếm 'thương mại công bằng', nhưng thật phi lý khi trong toàn bộ các cuộc đàm phán, họ lại không màng đến logic rằng một thỏa thuận công bằng nên mang tính 2 chiều", bài viết trên mục ý kiến của tờ Nhân Dân Nhật báo nhận định. Tân Hoa xã cũng nhiều lần chỉ trích các động thái của phía Mỹ.
Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc cũng kêu gọi các đài truyền hình và đài phát thanh bật bài quốc ca vào lúc 7h sáng mỗi ngày, trong lúc nước này chuẩn bị kỷ niệm 70 năm quốc khánh.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Một nửa người Mỹ tin chiến tranh với Iran nổ ra 'trong vài năm tới'
Trong khi người Mỹ bây giờ xem Iran là một mối đe dọa an ninh nhiều hơn so với năm ngoái thì vẫn có rất ít người ủng hộ một cuộc tấn công phủ đầu vào quân đội Iran. Nhưng nếu Iran tấn công lực lượng của Mỹ trước, 4/5 người tin rằng Mỹ nên đáp trả bằng quân sự một cách đầy đủ hoặc hạn chế, theo cuộc điều tra diễn ra từ 17-20/5.
Mối quan hệ căng thẳng về mặt lịch sử giữa Washington và Tehran đã trở nên tồi tệ vào tháng 5 sau khi Tổng thống Donald Trump củng cố lập trường chống Iran, khôi phục mọi lệnh trừng trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của nước này sau quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân 2015.
Mỹ đã điều một tàu sân bay và các lực lượng tới khu vực vùng Vịnh để đáp lại thông tin tình báo nói Iran đang âm mưu chống lại các lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, phía Iran một mực phủ nhận cáo buộc này.
Gần một nửa, 49% người Mỹ tham gia khảo sát không tán thành cách mà ông Trump xử lý quan hệ với Iran. 31% cực lực phản đối còn 39% ủng hộ Chính sách của Trump.
Cuộc khảo sát cho thấy 51% người trưởng thành cảm thấy Mỹ và Iran sẽ nổ ra chiến tranh trong vài năm tới, tăng 8% so với kết quả một cuộc điều tra tương tự vào tháng 6/2018. Trong cuộc điều tra năm nay, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều coi Iran là mối đe dọa và nói rằng chiến tranh có thể xảy ra.
53% người được hỏi coi Iran là mối đe dọa "nghiêm trọng" hoặc "sắp xảy ra", tăng 6% so với cuộc điều tra tương tự hồi tháng 7/2018. Trong khi đó, 58% người Mỹ coi Triều Tiên là mối đe dọa, con số này với nước Nga là 51%.
Mặc dù lo ngại như vậy nhưng 60% người Mỹ cho rằng Washington không nên tiến hành tấn công phủ đầu vào quân đội Iran, trong khi 12% ủng hộ việc này. Tuy nhiên, nếu Iran tấn công, 79% người nói rằng quân đội Mỹ nên trả đũa, 40% ủng hộ sự đáp trả hạn chế bằng không kích, 39% ủng hộ xâm lược hoàn toàn.
Tin tức thời sự thế giới 24h: Mỹ 'bắn tên vào gót chân Achilles' của Huawei
Những hành động khắc nghiệt chống lại Huawei của chính phủ Mỹ có thể thôi thúc doanh nghiệp Trung Quốc cố gắng đạt được mục tiêu này, Roger Kay, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Endpoint Technologies Associates, nói. "Tác động lâu dài là Huawei và các công ty Trung Quốc khác sẽ cố gắng tìm cách thoát khỏi thế phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ".
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi ngày 21/5 nói với truyền thông Trung Quốc rằng Huawei có một kho dự trữ chip và có thể tự sản xuất. Tuy nhiên, các nhà phân tích công nghệ coi tuyên bố này chỉ là "đòn gió".
Eurasia Group đánh giá dù có kho dự trữ chip thế nào thì Huawei "cũng không thể dự trữ phần mềm và không có cách nào công ty có thể tồn tại trong một thời gian dài mà không cần chuỗi cung ứng toàn cầu". Chi nhánh thiết kế chip của Huawei, Hisilicon, cũng bị Mỹ nhắm mục tiêu, khiến họ không có các công cụ cần thiết để tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, đòn đánh của Washington nhằm vào Huawei cũng khiến các công ty sản xuất chip và linh kiện Mỹ như Micron Technologies, Qualcomm, Qorvo and Skyworks Solutions bị ảnh hưởng vì mất đi đối tác lớn. Google có thể mất một số phí bản quyền và cơ hội hiển thị quảng cáo trên điện thoại Huawei.
Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách nhắm mục tiêu vào công ty điện thoại thông minh Apple vì gần 20% doanh số bán hàng của họ là ở Trung Quốc và họ phụ thuộc nhiều vào các nhà máy Trung Quốc.
Mỹ cảm thấy sự hiện diện của Huawei ở châu Âu phải được ngăn chặn vì lý do an ninh mạng. Một trong những mục đích của lệnh cấm với Huawei là buộc châu Âu và các thị trường quan trọng khác từ bỏ thiết bị Huawei trên mạng 5G. Mỹ cho rằng Huawei có thể do thám cho chính phủ Trung Quốc dù Huawei nhiều lần bác bỏ cáo buộc.
Mặc dù Mỹ liên tục ra áp lực, Đức, Pháp và Hà Lan vẫn không làm theo lời kêu gọi của Washington là tẩy chay sản phẩm của Huawei.