(Tinmoi.vn) Sau 8 ngày nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, đến thời điểm hiện tại, giới chức Malaysia đã kết luận chiếc máy bay bị không tặc bắt cóc.
Video Cầu nguyện cho máy bay mất tích MH370
Dưới đây là những điểm nổi bật sau 8 ngày tìm kiếm chiếc máy bay mất tích
Ngày đầu tiên, thứ bảy, 8/3:
- Chiếc máy bay Boeing 777-200 mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia rời Kuala Lumpur vào lúc 12h41 sáng thứ bảy và dự kiến sẽ hạ cánh tại Bắc Kinh vào lúc 6h30 sáng cùng ngày. Máy bay có 227 hành khách (trong đó có 2 trẻ sơ sinh) và 12 phi hành đoàn.
- 1 tiếng sau khi cất cánh, chiếc máy bay biến mất khỏi màn hình radar. Malaysia Airlines lập tức làm việc với các nhà chức trách và mở một đội tìm kiếm, cứu hộ để xác định vị trí máy bay.
- Trên máy bay có 154 người Trung Quốc, 38 người Malaysia, 7 người Indonesia, 6 người Úc, 5 người Ấn Độ, 1 người Mỹ, 3 người Pháp, 2 người New Zealand, 2 người Ukraine, 2 người Canada, 1 người Ý, 1 người Nga, 1 người Hà Lan và 1 người Áo (tổng cộng 14 quốc gia).
- Malaysia Airlines mở cuộc họp báo tại khách sạn Lido ở Bắc Kinh để cung cấp thông tin cho người nhà những hành khách có mặt trên máy bay mất tích.
- Phi công lái chính là cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, người Malaysia và Fariq Ab.Hamid, 27 tuổi.
- Việt Nam cho biết chiếc máy bay bị mất tích trong không phận của mình và sẽ tiến hành hoạt động tìm kiếm mở rộng thành một cuộc tìm kiếm đa quốc gia tại khu vực biển Đông bao gồm 41 tàu và 36 máy bay đến từ các quốc gia Đông Nam Á, Australia, Trung Quốc, New Zealand và Mỹ.
- Cuối ngày, Việt Nam thông báo phát hiện 2 vết dầu loang ở ngoài khơi phía nam của Việt Nam, gần vị trí máy bay được phát hiện lần cuối nghi là của máy bay mất tích.
Ngày thứ hai, chủ nhật, 9/3:
- Các nỗ lực cứu hộ được tiến hành, phía Mỹ nghi ngơ máy bay bị khủng bố sau khi phát hiện ra 2 hành khách có mặt trên MH370 sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp.
- Xuất hiện thông tin máy bay có thể quay đầu trở lại trước khi biến mất khỏi màn hình radar.
- Tàu cứu hộ của Singapore phát hiện một vật thể lạ trong quá trình tìm kiếm máy bay mất tích
- Interpol xác nhận có ít nhất 2 người sử dụng hộ chiếu giả đánh cắp của công dân Ý và công dân Áo có mặt trên chuyến bay mất tích.
- Kết quả phân tích vết dầu loang tìm thấy ngoài khơi vào tối ngày thứ 3 cho thấy đó không phải là dầu của máy bay Mh370.
Ngày thứ ba, 10/3
- Máy bay Việt Nam phát hiện vật thể lạ nghi là cánh cửa máy bay nhưng sau khi tiếp cận thì xác nhận không liên quan tới máy bay mất tích.
- Giá cổ phiếu của Malaysia Airlines giảm tới mức kỷ lục sau sự cố máy bay mất tích
- Hãng hàng không tiếp tục cung cấp chỗ ăn ở cho thân nhân những hành khách có mặt trên chuyến bay MH370.
- Việt Nam cho phép tàu Mỹ và Trung Quốc vào vùng biển của mình để tìm kiếm máy bay mất tích.
- Cảnh sát biển Trung Quốc tuyên bố tìm thấy một vết dầu loang dài khoảng 20 km, rộng 200m. Tuy nhiên sau khi kiểm tra thì đây cũng không phải là dầu của máy bay mất tích.
- Chiều 10/3, Malaysia gửi tàu đến điều tra một vật thể được cho là phao cứu sinh mà một tàu Việt Nam đã tìm thấy nhưng đó chỉ là một cuộn cáp phủ rêu.
- Trung Quốc cho biết 10 vệ tinh tại Trung tâm kiểm soát vệ tinh Tây An nước này sẽ vào cuộc để tìm kiếm máy bay mất tích.
- Cơ quan chức năng Malaysia khẳng định hành khách dùng hộ chiếu giả không có đặc điểm giống người châu Á (phủ nhận lại những gì họ nói trước đó).
Ngày thứ tư, 11/3:
- Đội tìm kiếm của Việt Nam mở rộng phạm vi tìm kiếm liên 20.000 km, tập trung vào khu vực phía đông tính từ đường bay của máy bay mất tích.
- Interpol xác định được danh tính người sử dụng hộ chiếu giả. Đó là công dân Iran, Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 19 tuổi và Delavar Seyed Mohammadreza, 29 tuổi. Cả 2 đang đến Đức để tị nạn.
- Radar quân sự của Malaysia cho thấy máy bay mất tích tại vùng eo biển Malacca (hãng Reuters đưa tin).
- Trung Quốc tăng cường tàu chiến tới tham gia tìm kiếm. Việt Nam mở rộng phạm vi tìm kiếm sang phía đông và phía tây Vịnh Thái Lan.
Ngày thứ năm, 12/3:
- Việt Nam tạm ngừng một số hoạt động tìm kiếm máy bay mất tích. Trả lời phỏng vấn Reuters, Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Phạm Quý Tiêu cho biết: “Trong ngày hôm nay, chúng tôi chưa dừng hẳn hoạt động tìm kiếm mà vẫn triển khai với số lượng máy bay và tàu hạn chế. Mọi lực lượng vẫn trong tình trạng sẵn sàng đợi lệnh là ra biển ngay. Chúng tôi đã yêu cầu nhà chức trách Malaysia cho ý kiến liên quan đến thông tin máy bay Malaysia chuyển hướng nhưng phía Malaysia vẫn chưa có thông tin chính thức.”
- Nhật Bản gửi 4 máy bay của Lực lượng phòng vệ tới giúp tìm kiếm máy bay mất tích.
- Một công nhân giàn khoan người New Zealand làm việc trên biển Đông cho biết đã nhìn thấy một chiếc máy bay bốc cháy lao xuống vào sáng 8/3.
- Radar quân sự của Malaysia phát hiện có dấu hiệu của máy bay mất tích tại phía bắc eo biển Malacca.
- Trung Quốc tiếp tục gửi thêm máy bay quân sự và tàu chiến tới tham gia tìm kiếm. Ấn Độ cũng vào cuộc.
- Quan chức Malaysia bác bỏ tuyên bố trực thăng Việt Nam tìm thấy vật thể nổi màu vàng nghi là bè cứu sinh của máy bay mất tích.
- Cuộc tìm kiếm được mở rộng ra phía eo biển Malacca. Tổng cộng có 42 tàu chiến và 39 máy bay tham gia tìm kiếm cho đến thời điểm này.
- Thông điệp cuối cùng đài kiểm soát nghe được từ buồng lái: “Được rồi, Chúc ngủ ngon”, chính quyền Malaysia tiết lộ.
Video Khu vực cứu hộ máy bay mất tích của Malaysia:
Ngày thứ sáu, 13/3:
- Một vệ tinh Trung Quốc tìm thấy 3 đối tượng nổi tại vị trí nghi ngờ là máy bay Malaysia đã mất tích. Bộ GTVT Malaysia đã cho máy bay đến để xác thực thông tin này, tuy nhiên, không phát hiện ra điều gì.
- Malaysia Airlines tuyên bố loại bỏ 2 số hiệu MH370 và MH371. Kể từ ngày 14/3/2014, các chuyến bay theo lộ trình Kuala Lumpur-Bắc Kinh sẽ là:
MH318 – Kuala Lumpur – Bắc Kinh
MH319 – Bắc Kinh – Kuala Lumpur
- Các nhà điều tra Mỹ nghi ngờ MH370 đã bay thêm 4 tiếng sau khi mất tín hiệu (tờ Wall Street Journal đưa tin) nhưng bộ GTVT Malaysia đã bác bỏ thông tin này.
- Lực lượng không quân Malaysia tìm kiếm tại khu vực Subang, Phuket và vùng biển Andaman nhưng không có kết quả.
Ngày thứ bảy, 14/3:
- Số lượng tàu và máy bay tham gia tìm kiếm đã lên đến hơn 80 nhưng vẫn chưa thu được kết quả.
- Khu vực tìm kiếm đã được mở rộng ra Ấn Độ Dương.
- CNN dẫn lời phát biểu của một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng MH370 đang nằm dưới đáy Ấn Độ Dương, sau khi các nhà chức trách Malaysia cho biết họ nhận được tín hiệu ít nhất 5 lần gửi từ chiếc máy bay mất tích tới các vệ tinh kể từ khi biến mất khỏi màn hình radar.
- Chuyên gia Trung Quốc phát hiện một sự cố dưới đáy biển, khu vực biên giới biển giữa Malaysia và Việt Nam diễn ra lúc 02:55:06 (giờ địa phương) vào ngày 8/3, và nghi là của máy bay mất tích.
- Hàn Quốc cử 2 máy bay quân sự tham gia cuộc tím kiếm máy bay mất tích.
- Việt Nam đã thực hiện chuyến bay thứ 52 trong vòng 6 ngày qua để tìm kiếm MH370.
- Cuộc tìm kiếm tiếp tục được mở rộng với sự tham gia của 57 tàu, 48 máy bay đến từ 13 quốc gia.
Video Những vụ tai nạn máy bay kinh hoàng trong lịch sử hàng không:
Ngày thứ tám, 15/3:
- Theo phân tích thông tin tình báo về dữ liệu điện tử và truyền hình vệ tinh cho thấy MH370 có khả năng bị rơi ở vịnh Bengal hoặc nơi nào đó trên Ấn Độ Dương, CNN đưa tin.
- Máy bay mất tích nhiều lần thay đổi độ cao sau khi mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu và rất có thể một phi công đã làm điều này, các nhà điều tra Mỹ cho hay.
- Một quan chức chính phủ Malaysia cho biết các nhà điều tra nước này đã kết luận máy bay bị bắt cóc, theo Sky News. Tuy nhiên động cơ và vị trí vụ cướp xảy ra vẫn chưa được đưa ra.
- Chính phủ Malaysia cho biết cuộc tìm kiếm máy bay mất tích đã “bước vào một giai đoạn mới. Nhà chức trách tập trung vào điều tra phi hành đoàn và hành khách”.
- Cảnh sát bắt đầu điều tra phi công của chuyến bay mất tích sau khi Thủ tướng nước này khẳng định chiếc máy bay có thể bị cướp.
Bảo Linh