Từ mực, tôm, măng hay gạo... giờ đây đều trở nên thiếu an toàn với sức khỏe người tiêu dùng bởi những “tiểu xảo” của các người buôn. Chưa bao giờ người dân Việt Nam lại hoang mang và lo lắng đến thực phẩm hàng ngày như bây giờ.
Mực thối ngâm hóa chất
Chiều 4/9, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) phối hợp với Công an phường Yên Phụ kiểm tra hành chính cơ sở ngâm tẩm, tẩy trắng cá mực bằng hóa chất tại địa chỉ ngõ 76 An Dương, phường Yên Phụ.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một lượng lớn mực bốc mùi hôi thối đang được các công nhân đổ ra nền xi măng sơ chế, bóc lớp vỏ đen xám. Bên cạnh, cảnh sát phát hiện nhiều thùng phuy ngâm cá mực.
Mực bốc mùi hôi thối đổ dưới nền xi măng chờ sơ chế.
Khu sơ chế cá mực này được dựng tạm ngoài bãi sông Hồng, quây bạt, ruồi nhặng bu kín xung quanh. Chủ cơ sở Đỗ Thị Lan (32 tuổi, ở Cát Bi, Hải Phòng) khai không có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Theo lời chủ cơ sở, toàn bộ số mực mua với giá 15.000 đồng một kg, sau khi dùng hóa chất ngâm tẩy trắng sẽ bán ra thị trường giá 60.000 đồng mỗi kg. Trung bình cơ sở này bán từ 300-500 kg mực ngâm tẩm hóa chất ra các chợ đầu mối.
Theo cơ quan điều tra, mực ống đông lạnh thường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường biển Hải Phòng hoặc Quảng Ninh về Hà Nội và có thể đưa sâu vào tận miền Nam tiêu thụ.
Mực mặc dù đã rã đông nhũn, nhớt, bốc mùi thối… nhưng sau khi bị “phù phép” lại giòn, trắng và sạch mùi trở lại. Lý do hàng được nhập lậu vì bên Trung Quốc giá chỉ rẻ bằng một nửa so với thủy sản nuôi trong nước.
Măng thối đen đi... “tắm trắng
Theo đúng quy trình, măng tươi sau khi thu hoạch sẽ được luộc kỹ qua nhiều lần nước, lửa phải đều và ngâm khoảng 2 ngày thì măng mới mềm, chua, ngon ngọt hết đắng. Nhưng để giảm chi phí, giảm công luộc măng, người buôn măng đã sử dụng một loại hóa chất giúp măng chua ngon, giòn mềm và có thể để được đến 2 năm mà không lo thối và bán khi trái vụ. Đặc biệt loại hóa chất này không chỉ chống thối cho măng mà còn có tính năng “tắm trắng kỳ diệu” biến măng thâm đen thành măng trắng sau 1 giờ. Muốn măng càng trắng và mềm thì bỏ nhiều hóa chất hơn.
Giá bán hóa chất ngâm măng có giá 60.000đồng/kg. Với 1 kg có thể ngâm được vài tạ măng. Nhờ hóa chất, măng còn nở ra và nặng cân, vì dân buôn măng sẽ thu lãi khủng nhất là những tháng trái vụ mùa măng tươi. Hiện nay, măng tươi bán tại các chợ quảng cáo là chỉ ngâm với nước muối nhưng thực chất đã được các tiểu thương ướp thuốc, tấy trắng trước khi mang ra chợ.
Tôm thối nhuộm phẩm màu thành tôm khô
Không chỉ với mực được "phù phép", vì lợi nhuận nhiều gian thương cũng đã tẩm phẩm mầu có chứa hóa chất “biến” tôm thối thành tôm khô bắt mắt, thu hút người mua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tôm khô tự nhiên và tôm khô nhuộm hóa chất.
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, bà Huỳnh Hồng Nga (Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng về Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế) cho biết: “Nếu các doanh nghiệp sản xuất tẩm phẩm màu có chứa hóa chất công nghiệp độc hại vào sản phẩm thì sẽ gây hại cho gan và thận người sử dụng. Vì hóa chất tạo mầu thường là chất vô cơ độc hại, sẽ phát bệnh sau một thời gian dài sau khi sử dụng…”.
Một số chuyên gia y tế cảnh báo, để phòng ngừa tác hại của thực phẩm có nhuộm phẩm màu, người tiêu dùng nên mua thực phẩm biết rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, có chứng nhận chất lượng sản phẩm, có nhãn mác của nhà sản xuất… Nếu thấy cơ thể suy giảm sức khỏe thì nên đến ngay các trạm y tế để được chăm sóc kịp thời.
Gạo xịt ... “nước hoa”
Chợ Kim Biên, quận 5, TP.HCM là nơi bán vô số các loại hoá chất, với đủ hương vị, từ dạng dung dịch nước cho đến dạng bột đóng trong can nhựa hoặc gói. Ví dụ với gạo hương lài, các chủ cửa hàng ở đây cho biết, khi pha loãng các dung dịch dạng bột, cho vào bình xịt xịt một lượng rất nhỏ là dậy ngay mùi như gạo hương lài nguyên chất.
Các cửa hàng kinh doanh gạo còn sử dụng các loại thuốc diệt côn trùng để bảo quản gạo. Chẳng hạn như loại thuốc có tên deltamethrin đang được dùng khá phổ biến để khử trùng kho. Đây là loại thuốc có độ lưu dẫn rất cao, hoà vào nước xịt trực tiếp lên bao gạo phòng ngừa mọt, dán, chuột. Ngoài ra, một số cửa hàng còn chọn cách dùng thuốc hút ẩm công nghiệp (không được dùng cho thực phẩm) để trực tiếp cho vào trong bao gạo hay dùng chất chống mốc trộn trực tiếp vào gạo để bảo quản…
Không chỉ trộn hương liệu, hầu hết các loại gạo thơm đang bán trên thị trường hiện nay còn được các cửa hàng “lên đời” bằng cách trộn thêm vào một tỷ lệ nhất định loại gạo thấp cấp, có giá rẻ.
Bảo An (tổng hợp)