Tổng thống Mỹ Barack Obam có thể hao tổn tới 6 giờ tuổi thọ sau 3 ngày hít thở bầu không khí độc hại nhất thế giới ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ.
Chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ hôm 25/1 đã rẽ sương khói đáp xuống thủ đô New Delhi của Ấn Độ. Một ngày sau đó, mây mù che phủ hết tầm nhìn các máy bay chiến đấu tại lễ diễu hành chào mừng Ngày Cộng hòa trước sự chứng kiến của Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Obama.
Thủ đô New Delhi có mức PM2.5 cao nhất thế giới. PM2.5 là những hạt nhỏ, độc hại có thể thâm nhập sâu vào đường hô hấp, gây ra các loại bệnh về đường hô hấp, ung thư phổi và bệnh tim. Năm 2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đo được mức này ở thủ đô Ấn Độ là 153 micrograms/m3, cao hơn gấp 15 lần mức cho phép.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Tổng thống Mỹ Obama tại sân bay New Delhi.
Cũng theo WHO, Ấn Độ có tới 11 thành phố nằm trong danh sách 20 thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới. Những thành phố có chất lượng không khí ô nhiễm nhất của Mỹ là Fresno, California, đứng ở vị trí 162 trong danh sách.
Trong suốt khoảng thời gian trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Tổng thống Obama ở Ấn Độ, mức PM2.5 trung bình ở New Delhi rơi vào khoảng 78 đến 84 micrograms/m3, theo thông tin từ Bộ Khoa học Trái Đất của Ấn Độ. Mức PM2.5 vào ngày 27/1, thời điểm Tổng thống Mỹ rời khỏi Ấn Độ để lên đường tới Ả Rập Saudi như dự kiến, được dự đoán sẽ ở mức 84 micrograms/m3.
Theo nhà thống kê tại Trường Đại học Cambridge, David Spiegelhalter, chuyên về định lượng các rủi ro, mức ô nhiễm không khí trên có thể khiến con người tổn thọ 2 giờ/ngày.
Chuyến thăm Ấn Độ kéo dài trong 3 ngày (25-27/1) của ông Obama mang tính lịch sử bởi ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên trở thành khách mời chính trong lễ diễu hành mừng ngày quốc khánh Ấn Độ.
Quan trọng hơn, chuyến thăm này đánh dấu một sự xoay chuyển lớn trong mối quan hệ Ấn - Mỹ, với những bước đột phá trong nhiều lĩnh vực hợp tác như thương mại, quốc phòng mà tiêu biểu là khai thông thỏa thuận hạt nhân dân sự bế tắc lâu nay.
Theo Yên Yên (Bloomberg)