Tin mới

TQ xây căn cứ quân sự quy mô gần quần đảo tranh chấp với Nhật

Thứ hai, 22/12/2014, 11:13 (GMT+7)

Tờ Japan Times (Nhật Bản) dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang xây dựng nhiều căn cứ quân sự quy mô lớn trên quần đảo Nanji, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Tờ Japan Times (Nhật Bản) dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang xây dựng nhiều căn cứ quân sự quy mô lớn trên quần đảo Nanji, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo.

 

Theo một số nguồn tin đáng tin cậy từ Bắc Kinh, Trung Quốc hiện đang xây dựng nhiều cơ sở ở quần đảo Nanji ở tỉnh Chiết Giang, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 300 km về phía Tây Bắc.

Việc xây dựng các căn cứ này được cho là nhằm mục đích tăng cường sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng quân sự có thể xảy ra trong khu vực, đồng thời đẩy mạnh sự giám sát đối với “vùng nhận dạng phòng không” mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố trên biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013.

Theo các nguồn tin, quân đội Trung Quốc cũng cho lắp đặt các hệ thống radar lớn tại nhiều vị trí cao ở đảo chính Nanji. Ngoài ra, nhiều làn đường cho máy bay hạ cánh cũng đã được hoàn thành. Trung Quốc còn dự định xây nhiều làn đường hạ cánh nữa trên một hòn đảo gần với Nanji vào năm tới.

Quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư, nơi xảy ra tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc

Quần đảo bao gồm 52 hòn đảo lớn nhỏ Nanji nằm gần Senkaku/Điếu Ngư hơn 100 km so với đảo chính của quần đảo Okinawa, nơi đang có các căn cứ quân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ. Theo Japan Times, việc xây dựng căn cứ mới của Trung Quốc tại Nanji sẽ tác động lớn đến chiến lược an ninh Nhật – Mỹ liên quan đên việc bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư.

Japan Times nhận định, Trung Quốc đã liên tiếp tăng cường củng cố chủ quyền và lợi ích trên biển Hoa Đông sau khi quan hệ Nhật - Trung xuất hiện nhiều rạn nứt do tác động của những vấn đề liên quan đến lãnh thổ, lịch sử chiến tranh. Tình trạng quan hệ song phương tồi tệ này đã được cải thiện phần nào sau cuộc gặp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 11 tại Bắc Kinh.

Với việc mở rộng quân sự trên, Trung Quốc có thể sẽ phải di chuyển khoảng 2.500 người dân sống trên quần đảo hiện đang sống bằng nghề đánh bắt cá cũng như hạn chế dịch vụ du lịch ở đây.

Quần đảo Nanji, một khu du lịch nổi tiếng của Chiết Giang, được UNESCO liệt kê vào danh sách khu dự trữ sinh quyển tại châu Á và Thái Bình Dương từ năm 1998.

Trước đó, hôm 18/12, tờ China Daily dẫn lời một quan chức thuộc Cơ quan Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho hay, Bắc Kinh sẽ thiết lập mạng lưới quan sát ngoài khơi, bao gồm vệ tinh và các trạm radar ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông, để cải thiện sức mạnh trên biển, động thái được cho là sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.

 

Theo Yên Yên (Japan Times)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news