Trong khi "trai cò" NATO - Nga còn mải mê đấu đá cả về kinh tế lẫn chính trị xoay quanh cuộc khủng hoảng châu Âu, thì ngư ông "Trung Quốc" lại đắc lợi nhờ khéo léo lợi dụng tình hình.
Trong bối cảnh phương Tây tiếp tục gia tăng các đòn trừng phạt lên Nga do cho rằng nước này đứng sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Moscow ngày càng nghiêng về người láng giềng Trung Quốc nhiều hơn.
Trong buổi tham dự lễ khởi công xây dựng đường ống dẫn dầu lớn hàng đầu thế giới tại đông Siberia, Tổng thống Nga Putin tuyên bố trước ông Trương Cao Lệ, Phó thủ tướng Trung Quốc: "Nhìn chung, chúng tôi rất thận trọng cân nhắc việc cho phép đối tác nước ngoài tham gia các dự án dầu mỏ của mình, tuy nhiên đối với người bạn Trung Quốc chắc chắn sẽ không có giới hạn nào".
Như vậy, có thể thấy, trong khi mối quan hệ Nga - Mỹ, Nga - EU ngày càng tồi tệ thì Trung Quốc có vẻ là nước giành được chiến thắng lớn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Martha Brill Olcott, giáo sư lâu năm nghiên cứu quan hệ chính trị giữa Nga và Trung Á, nhận định "Trung Quốc chắc chắn sẽ hưởng lợi".
Chính trị là điểm đầu tiên mà Bắc Kinh "đắc lợi" từ "điểm nóng toàn cầu" Ukraine do Mỹ và châu Âu đều đang đặt sự quan tâm vào quốc gia này. Theo chuyên gia Robert Daly, người đứng đầu Trung tâm Wilson thuộc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ, lĩnh vực mà Trung Quốc được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng Ukraine đó là sự xao lãng. Theo đó, cuộc khủng hoảng này đã chuyển hướng chú ý khỏi những xung đột trong nước ở Trung Quốc.
Khi Mỹ và phương Tây tập trung nhiều vào Ukraine, Trung Quốc sẽ không bị theo dõi nghiêm ngặt khi tiến hành các hành vi gây hấn trong khu vực
Thêm nữa, Bắc Kinh được lợi vì Washington tập trung vào những nhu cầu an ninh của các đồng minh châu Au thay vì kế hoạch trục châu Á, kế hoạch mà Trung Quốc coi là có tính đe dọa.
"Trung Quốc giành được lợi ích to lớn nhất khi các vụ việc ở Ukraine thậm chí là Iraq và Syria nổ ra. Những sự kiện này khiến Mỹ phân tâm và đánh mất sự chú ý vào việc cân bằng sức mạnh quân sự ở phía Đông", VOA dẫn lời ông Andrew Kuchins, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận xét.
Một lợi ích nữa mà Trung Quốc nghiễm nhiên được hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine là kinh tế. Nga đang là nguồn cung chính, đáp ứng nhu cầu năng lượng của châu Âu. Tuy nhiên bất ổn trong quan hệ với Ukraine từ trước cuộc khủng hoảng hiện nay khiến phương Tây thay đổi chiến lược, dần dần đa dạng hóa nguồn cung nhằm thoát khỏi ràng buộc với Moscow. Và như vậy Nga cần tìm thị trường mới. Đổi lại, với một quốc gia rộng lớn, sẵn tiền và luôn khát năng lượng như Trung Quốc, Nga là miếng bánh cực kỳ ngọt ngào với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt dồi dào.
Ngay sau những đòn trừng phạt đầu tiên của phương Tây giáng vào Moscow, Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận khổng lồ, vốn bị trì hoãn từ lâu vì vấn đề giá, về giao dịch khí đốt với Gazprom, công ty khai thác khí thiên nhiên và năng lượng lớn nhất nước Nga. Đồng thời Trung Quốc cũng tiến hành những bước tiếp theo để có thể tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất dầu khí.
Gazprom cuối cùng phải ký bản hợp đồng kéo dài 30 năm trị giá khoảng 400 tỷ USD với Trung Quốc vào tháng 5 sau gần một thập kỷ nắm những lợi thế về thương thảo. Bản hợp đồng ràng buộc hai quốc gia vào mối quan hệ đối tác lâu dài và giúp giảm phụ thuộc của Nga với thị trường khí đốt châu Âu.
Bản thỏa thuận với Trung Quốc là ví dụ rõ nhất cho thấy Nga cũng đang chuyển mục tiêu sang thị trường châu Á. Bắc Kinh nghiễm nhiên có được lợi thế trong cuộc đàm phán về năng lượng, vốn là bài toán khó cho nước này nhiều năm qua khi kinh tế phát triển với tốc độ vượt bậc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi ký kết hợp đồng giao dịch dầu khí lịch sử giữa hai nước hồi tháng 5
Theo Malcolm Graham-Wood, chuyên gia tư vấn thuộc công ty năng lượng HydroCarbon Capital của Anh, Nga đang bán nguồn tài nguyên của mình với "giá rẻ". Theo chuyên gia này, điều duy nhất Tổng thống Putin muốn nhắn gửi tới người châu Âu thông qua bản thỏa thuận với Trung Quốc là "Chúng tôi không cần phải bán dầu mỏ cho các ông".
Bên cạnh lợi ích rõ ràng về dầu khí, Bắc Kinh còn tận dụng được bối cảnh thị trường tiêu dùng của Nga đang thiếu nguồn cung. Ăn miếng trả miếng để trả đũa lệnh trừng phạt kinh tế, ngoại giao của Mỹ và phương Tây, đầu tháng 8/2014, Nga đã chính thức áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt, cá, pho mát, trái cây, rau quả và các sản phẩm sữa từ Úc, Canada, Liên minh châu Âu, Mỹ.
Các biện pháp trừng phạt của Nga đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nước phương Tây, trong đó có lĩnh vực nông sản khi năm nay là một năm được mùa. Hàng loạt các container đã phải quay trở lại khi Nga không nhập khẩu các mặt hàng này.
Theo ước tính của ông Vygaudas Usackas, đại sứ EU tại Nga hồi đầu tháng 8/2014, EU có thể thiệt hại 16 tỷ USD vì lệnh trừng phạt của Nga. Trong khi đó, điều này cũng dẫn đến việc Nga rơi vào tình trạng khan hiếm hàng nông sản trong ngắn hạn, đẩy giá cả leo thang.
Nắm lấy cơ hội, các doanh nhân Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để lấp đầy mọi chỗ trống trên các kệ hàng trong siêu thị Nga, theo quản lý của tập đoàn Shandon Goodfarmer, công ty chuyên xuất khẩu táo, tỏi và gừng lớn nhất Trung Quốc.
Cũng liên quan đến lệnh trừng phạt, nhiều ngân hàng phương Tây phải ngừng giao dịch với Mátxcơva và đây là lúc các ngân hàng Trung Quốc có thể hưởng lợi.
“Chúng tôi không có vấn đề gì với Nga. Nếu các ngân hàng Mỹ không thể tiếp nhận bất kỳ khách hàng nào liên quan Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ chào đón họ làm ăn với chúng tôi”, lãnh đạo cấp cao của chi nhánh một ngân hàng Trung Quốc nói với báo South China Morning Post của Hong Kong.
Yên Yên (Theo Người đưa tin)