Sau cuộc hội đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Đức, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh rằng ông rất cứng rắn với người đồng cấp Nga. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, thực chất đó chính là thông điệp mà Trump muốn gửi tới nước Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã có cuộc gặp đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg, Đức hôm 6/7. Trong suốt cuộc hội đàm kéo dài hơn 2 giờ, cả hai nhà lãnh đạo đã thống nhất về một loạt các vấn đề nóng liên quan đến Syria, Ukraine và an ninh mạng.
Trả lời phỏng vấn hãng Reuters đầu tuần trước, ông Trump thừa nhận rằng ông "rất cứng rắn với Tổng thống Putin", và nói rằng "chúng tôi có một mối quan hệ rất quan trọng".
"Đó sẽ là một mối quan hệ có thể cứu được rất nhiều sinh mạng, chẳng hạn như một lệnh ngừng bắn, điều mà không ai khác có thể đạt được ngoại trừ tôi", ông Trump nói.
Trump - Putin đã có cuộc gặp đầu tiên bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg, Đức hôm 6/7. Ảnh: Reuters |
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói thêm rằng ông đã rất muốn hỏi lãnh đạo Nga rằng có phải ông ấy đã ủng hộ ông trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái.
"Đó thực sự là một câu hỏi mà tôi ước gì tôi đã hỏi thẳng Putin:' Ông thực sự ủng hộ tôi sao'", Trump nói thêm.
Như để chứng minh rằng mình không hề nhận được sự hỗ trợ nào từ Nga trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Trump chỉ ra rằng, trong những tháng đầu nhiệm kỳ, ông đã thực hiện một số bước đi có thể gây rắc rối cho Moscow.
"Hãy nhìn những gì tôi đã làm xem. Giá dầu thì giảm xuống. Chúng tôi đang đưa những lô hàng khổng lồ khí đốt tự nhiên tới Ba Lan. Đó rõ ràng chẳng phải điều mà Putin muốn. Còn trong quân đội, chúng ta đã chỉ ra 56 tỷ USD để tăng cường trang bị. Một con số lớn hơn bất cứ ai từng nghĩ đến. Putin không muốn điều đó, vậy thì cớ sao ông ấy lại phải muốn tôi thành tổng thống chứ", Trump nói.
Theo giáo sư Alexander Domrin của Trường Kinh tế Cao cấp Nga, tất cả những lời nhận xét của Trump thực chất là đang nhằm nhắn nhủ đến nước Mỹ.
"Thật thú vị khi xem cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo ở Hamburg, nhưng tôi, và có thể là tất cả mọi người, không hề có chút ấn tượng nào về thái độ cứng rắn của Trump trong suốt buổi hội đàm mà chỉ thấy sự tương tác khá tốt giữa hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia", chuyên gia Domrin nói.
Trump dường như đang "mượn" Putin để minh oan với nước Mỹ rằng Nga không can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ảnh: Tân Hoa xã |
"Và bây giờ, khi Trump nói rằng ông ấy rất cứng rắn với Putin, những lời không hề được đưa ra với bất cứ ai, mà chỉ riêng mình tổng thống Nga. Rõ ràng, nhận xét này của Trump là đang hướng tới những người dân Mỹ, những cử tri và quốc hội Mỹ. Nga vẫn là một yếu tố trong Chính sách nội bộ Mỹ và những lời nói của Trump sẽ cần phải được nhận thức chính xác trong bối cảnh này", Domrin kết luận.
Trong khi đó, theo một thông báo của Nhà Trắng hôm 13/7, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ mời tổng thống Nga tới Nhà Trắng vào "thời điểm thích hợp".
"Tôi không nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp, nhưng câu trả lời là có, tôi sẽ làm như thế", Trump trả lời các phóng viên trên chiếc chuyên cơ Không lực 1 khi đang trên đường tới Pháp hôm 12/7. Ông cũng nói thêm rằng một cuộc đối thoại với chính phủ Nga là cần thiết.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, cuộc gặp tại G-20 giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Putin "có kết quả rõ ràng, tích cực" và đã có những sự kết nối giữa hai nhà lãnh đạo.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mô tả cuộc gặp của hai ông Trump - Putin mang tính xây dựng.
Lê Huyền (Sputnik)