Trung Quốc hôm 2/7 đã lên tiếng phủ nhận thông tin mời nahf lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Bắc Kinh tham dự lễ duyệt bình kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến II.
Theo tin tức từ hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, Bộ này không nhận được thông tin Bắc Kinh mời ông Kim Jong-un tham gia buổi lễ ngày 3/9 tới do Chủ tịch Tập Cận Bình tổ chức.
Dù đang lên kế hoạch mời các nhà lãnh đạo nước ngoài tới buổi lễ duyệt binh đánh dấu 70 năm ngày kết thúc Thế chiến II nhưng Bắc Kinh không tiết lộ danh sách quan chức tham dự.
Trước đó, tờ Wall Street Journal dẫn một nguồn thông thạo cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhận được lời mời từ phía Trung Quốc song vẫn chưa hồi đáp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không nhận được thông tin mời ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh. |
Nguồn tin bổ sung thêm rằng, dù quan hệ Trung - Triều đang gặp một số thử thách nhưng Bắc Kinh vẫn ưu tiên đối thoại với Bình Nhưỡng.
Văn phòng báo chí của Ban Liên lạc Quốc tế đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan thường xuyên xử lý các liên lạc của lãnh đạo nước này với Triều Tiên cho biết họ không biết về lời mời nào.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011 đến nay, ông Kim chưa gặp bất cứ nguyên thủ quốc gia hay có chuyến công du ra nước ngoài nào.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Kim có sang Bắc Kinh hay không. Hồi tháng 5, nhà lãnh đạo trẻ này từng nhận lời tham dự sự kiện tương tự tại Nga nhưng sau đó hủy kế hoạch.
Cha của Kim Jong-un, cố lãnh đạo Kim Jong-il thường xuyên có các chuyến viếng thăm đến Trung Quốc cho đến trước khi ông qua đời vào năm 2011. Kể từ đó, các trao đổi ngoại giao giữa Bình Nhưỡng với Bắc Kinh cũng giảm đáng kể. Quan hệ song phương càng trở nên căng thẳng hơn khi Kim Jong-un ra lệnh hành quyết Jang Song-thaek, người được cho là khá thân thiết với Bắc Kinh.
Trung Quốc là đồng minh chính và đối tác truyền thống hỗ trợ ngoại giao và kinh tế cho Triều Tiên. Tuy nhiên, giới chức Bắc Kinh cho biết trong những năm gần đây họ cũng đã "mệt mỏi" với các hành vi gây hấn của Bình Nhưỡng, bao gồm các vụ thử nghiệm tên lửa thường xuyên và sự thể hiện tham vọng hạt nhân.
Yên Yên (Yonhap)