Phát ngôn viên Hải quân Trung Quốc cho biết, nước này hiện đang tiến hành đóng tàu sân bay thứ hai với thiết kế cải tiến cho phép mang nhiều chiến đấu cơ cũng như máy bay tuần tra cảnh báo sớm, cùng một máy bay săn ngầm và một số trực thăng.
Hãng RIA Novosti dẫn lời ông Yin Zhuo, Chủ tịch Ủy ban cố vấn Hải quân Trung Quốc cho biết, nước này hiện đã có một tàu sân bay là Liêu Ninh và đang trong quá trình đóng một tàu sân bay khác. Tàu sân bay thứ hai này sẽ lớn hơn và được trang bị các chiến đấu cơ J-15 cùng một số loại máy bay khác.
Tuyên bố này của ông Yin được đưa ra vài tháng sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức công bố rằng việc đóng tàu sân bay thứ hai đã bắt đầu tại cảng Đại Liên.
Trước đó, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng Trung Quốc đang đóng tàu sân bay thứ hai, song không có xác nhận chính thức nào từ chính quyền.
Tàu sân bay duy nhất hiện nay của Trung Quốc là Liêu Ninh mà nước này mua phần vỏ từ Ukraine. Ảnh: AP |
Theo ông Yin Zhou, tàu sân bay mới này được thiết kế tinh vi hơn, cho phép mang nhiều vũ khí, máy bay chiến đấu và nhiên liệu, tăng cường khả năng đồn trú trên biển và thực hiện các hoạt động tác chiến.
Thêm vào đó, tàu sân bay này còn được trang bị thêm một máy bay tuần tra cảnh báo sớm, một máy bay săn ngầm và các trực thăng được thiết kế nhằm mục đích di tản liên quan.
Tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc hiện nay là Liêu Ninh, trọng tải 55.000 tấn, lần đầu tiên ra mắt tại Ukraine vào năm 1988. Tàu này ban đầu có tên là Riga, sau đó đổi lại thành Varyag. Năm 1998, Trung Quốc mua lại tàu Varyag khi nó chỉ mới được đóng xong phần vỏ với giá 22 triệu USD.
Chiếc tàu này sau đó được tân trang lại ở Trung Quốc và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9/2012, thuộc biên chế Hải quân Trung Quốc với tên gọi Liêu Ninh. Liêu Ninh vốn là tên một tỉnh của Trung Quốc, nơi đặt cảng Đại Liên.
Các thử nghiệm trên biển đầu tiên của Liêu Ninh đã diễn ra trong tháng 8/2011. Đến tháng 11/2012, Trung Quốc thông báo một chiến đấu cơ J-15 (thực chất là bản sao chép mẫu máy bay Su-27K, còn gọi là Su-33 của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga) đã hạ cánh thành công trên boong tàu.
Trên thực tế, cho đến nay, tàu sân bay Liêu Ninh vẫn đang tiếp tục hoạt động thử nghiệm, chưa thể sẵn sàng phục vụ chiến đấu.
Nhà nghiên cứu Zhang Junshe, thuộc Viện Hàn lâm Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh sẽ cần ít nhất ba tàu sân bay để đáp ứng nhu cầu tuần tra hàng hải, huấn luyện và bảo dưỡng.
Lê Huyền (Sputnik)