Tin mới

Truyền thuyết tượng đá 3400 năm tuổi cất 'tiếng hát' vào mỗi bình minh ở Ai Cập

Thứ bảy, 15/08/2020, 10:20 (GMT+7)

Suốt hàng ngàn năm qua, người Ai Cập vẫn luôn tôn kính về truyền thuyết 2 bức tượng đá khổng lồ nằm cạnh dòng sông Nile. Họ kể rằng 2 bức tượng này vẫn thường cất tiếng hát vào sáng sớm.

Nằm bên bờ sông Nile về phía Tây, hai bức tượng đá nổi tiếng có tên Memnon được người dân tôn kính và không ai không biết tới. Hai bức tượng này cao khoảng 18 mét, đại diện cho Pharaoh Amenhotep III, người đã trị vì Ai Cập cổ đại vào khoảng 3.400 năm trước đây.

Hai pho tượng được tạc trong tư thế ngồi, tay đặt lên đầu gối, mặt hướng về sông Nile. Ban đầu tượng đứng ở vị trí gác cổng của ngôi đền Amenhotep, từng được xây dựng khi Pharaoh còn sống và là nơi người Ai Cập tôn thờ Pharaoh.

Dù vậy, những trận lũ lụt hàng năm ở sông Nile khiến cả ngôi đền lung lay. Các Pharaoh đã quyết định phá hủy toàn bộ ngôi đền này để lấy các khối đá sử dụng cho các công trình khác. Dù vậy, hai pho tượng khổng lồ vẫn được giữ lại.

Mặc kệ sự khắc nghiệt của thời gian, Memnon vẫn trường tồn bên cạnh dòng sông nổi tiếng của Ai Cập.

Không chỉ nổi tiếng về độ tuổi, hai pho tượng trở nên đặc biệt bởi khả năng "biết hát" theo truyền thuyết hàng ngàn năm nay. Vào năm 27 trước Công nguyên, một trận động đất lớn đã xảy ra phá hủy gây hư hại nặng cho pho tượng phía Bắc. Nó bị nứt nửa thân dưới, sụp từ phần hông trở xuống. Kể từ đó, người ta nghe những âm thanh phát ra từ pho tượng mỗi khi Bình Minh giống như tiếng hát trầm bổng.

Các nhà khoa học cho rằng "tiếng hát" là do sự gia tăng nhiệt độ khiến sương ở bên trong pho tượng bay hơi, tương tác với các vết nứt tạo ra âm thanh lạ.

Khách du lịch tới thăm quan khu vực này mệnh danh cho pho tượng là Memnon, theo tên một vị anh hùng, vua của Ethiopia, người đứng đầu quân đội bảo vệ thành Troy trong lịch sử nhưng cuối cùng bị Achilles giết.

Memnon là con trai của nữ thần bình minh. Sau khi ông chết nữ thần khóc thương con trai mỗi buổi bình minh nên người ta thường tưởng đó là âm thanh tiếng hát.

Người ta cho rằng âm thanh phát ra từ kho tượng chính là tiếng khóc của người mẹ với con trai yêu quý của mình. Những cũng có ý kiến cho rằng đó là tiếng than khóc của con trai với người mẹ đáng kính.

Theo Strabo, nhà địa lý, lịch sử Hy Lạp, trong các bản ghi chép lịch sử cho biết "tiếng hát lạ giống như tiếng huýt sáo". Nhiều khách du lịch khác và nhà địa lý Pausanias lại cho rằng tiếng hát bí ẩn giống như chuỗi âm thanh phát ra từ đàn lia. Nhiều người nghe tiếng hát từ các pho tượng này đều cảm thấy hoảng sợ. Tuy nhiên có người đơn giản cho rằng đó chỉ là tiếng còi.

Trong suốt nhiều thế kỷ pho tượng biết hát thu hút hàng ngàn khách du lịch. Rất nhiều người thậm chí còn đánh dấu lên kho tượng rằng họ đã nghe thấy những âm thanh lạ.

Vào năm 199 sau Công nguyên, Hoàng đế La Mã Septimius Severus đã cho trùng tu các bức tượng và kể từ đó pho tượng Memnon không còn phát ra tiếng hát nữa.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news