Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Biển Đông.
"Cuộc chiến đầu tiên của nước Mỹ sau khi tuyên bố độc lập là để bảo vệ quyền tự do hàng hải. Chúng tôi đã tham gia cuộc chiến đó khi vẫn còn là một nước nhỏ và yếu", Reuters dẫn lời Đô đốc Harris cho biết.
"Mỹ không cho phép việc lãnh thổ chung bị đơn phương "kiểm soát" dù cho có bao nhiêu căn cứ được xây trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Khi có thể, Mỹ sẽ hợp tác nhưng cũng sẵn sàng đối đầu nếu ở tình thế bắt buộc", ông Harris cho biết nói thêm.
Cũng trong hội thảo với sự tham dự của quan chức quốc phòng nhiều nước, ông Harris chia sẻ nhận định rằng Bắc Kinh đang hành xử rất kiên quyết và hung hăng trên Biển Đông.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris. Ảnh: Getty Images |
Theo ông, chỉ khi Mỹ duy trì sức mạnh quân sự trong khu vực và công khai thể hiện thái độ quyết tâm thì Trung Quốc mới không thể kiểm soát tuyến đường hàng hải, các vùng đánh cá và tài nguyên tại Biển Đông.
Đô đốc Harris cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải trong khu vực, cho dù đồng minh Australia của họ có quyết định tham gia hay tự tiến hành các chiến dịch riêng hay không.
Theo nhận định của Reuters, tuyên bố này của Đô đốc Harris dự kiến sẽ khiến tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc căng thẳng hơn sau khi tổng thống đắc cử Donald Trump điện đàm với lãnh đạo Đài Loan và xem xét lại chính sách "Một Trung Quốc".
Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông song đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) bác bỏ cái gọi là đường chín đoạn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bỏ ngoài tai.
Washington đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra theo phương châm tự do hàng hải tại khu vực này, lần gần nhất là vào tháng 10/2016, động thái khiến Bắc Kinh nhiều lần nổi giận. Hồi tháng 7/2016, một quan chức cao cấp của Trung Quốc đe dọa các cuộc tuần tra có thể kết thúc trong "thảm họa".
Lê Huyền (tổng hợp)