Hoàng Thùy Linh đang là một trong những nữ ca sĩ có nhiều sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật với nhiều MV ca nhạc nổi bật.
Chỉ một tháng sau khi comeback thành công với MV Để Mị nói cho mà nghe, nữ ca sĩ tiếp tục xuất hiện trên đường đua Vpop với MV Tứ Phủ.
Tuy nhiên, 'Tứ Phủ' lại là MV chưa từng có trên thị trường khi không nhiều nghệ sĩ dám đưa vấn đề tâm linh vào sản phẩm giải trí, nhiều người cho rằng cuộc chơi này của Hoàng Thùy Linh quá mạo hiểm.
Hoàng Thùy Linh hóa thân thành Thánh Cô trong Tứ phủ. Ảnh: Internet
Chính vì thế, ngay sau khi ra mắt, MV này đã nhận về không ít ý kiến trái chiều.
Sau 5 ngày đăng tải, MV Tứ Phủ của Hoàng Thùy Linh đã nhận về gần 5 triệu lượt xem Youtube, đứng ở vị trí 2 trên top thịnh hành.
MV Tứ Phủ là sự kết hợp giữa nhạc điện tử và âm hưởng dân gian, được xem là một trong những bước đi táo bạo và đầy phá cách của Hoàng Thùy Linh trong âm nhạc. Ca khúc Tứ Phủ được nhạc sĩ Hồ Hoài Anh sáng tác dựa trên phần lời của nhà thơ Ngân Vi.
Ngoài ra, trong MV này, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh còn bất ngờ góp giọng trong phần cuối của MV, đây được xem là sự kết hợp thú vị giữa hai tư duy âm nhạc riêng và cá tính.
Theo chia sẻ của Hoàng Thùy Linh trên GĐXH, MV Tứ Phủ được cô ấp ủ gần một năm qua.
Trong đó, cô hóa thân vào nhân vật Cô Bơ - một trong những vị Thánh nổi tiếng thuộc hàng Tứ phủ Thánh cô với mong muốn mang vào trong âm nhạc không gian hùng tráng và linh thiêng của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Bối cảnh chủ yếu được thực hiện trên sân khấu cộng hưởng cùng âm thành và ánh sáng, kỹ xảo hình ảnh để tạo nên hiệu ứng thị giác về không gian huyền ảo ma mị.
Hoàng Thùy Linh nhận nhiều gạch đá sau MV Tứ Phủ. Ản: Internet
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù mục đích của Hoàng Thùy Linh là góp phần đưa tín ngưỡng văn hóa đạo Mẫu đến gần hơn với mọi người thông qua âm nhạc nhưng từ ca từ đến các động tác vũ đạo của kiểu nhạc EDM (nhạc sôi động được tạo ra từ các thiết bị điện tử) được sử dụng trong MV là thể hiện sự không hiểu gì về đạo Mẫu tứ phủ.
Và vô tình hình ảnh vị Thánh Cô trong đạo Mẫu mà dân gian tôn kính trở nên phàm tục.
Hoàng Thùy Linh chia sẻ "Tôi là người tin vào tâm linh và tôi muốn tạo ra những sản phẩm trẻ trung nhưng vẫn đậm tính văn hóa. Chính vì thế tôi quyết định đưa một nét văn hoá, tín ngưỡng vốn chỉ được thờ trong đền đài để mang vào MV một cách nghệ thuật nhất".
Nữ ca sĩ cũng cho biết cô chỉ đem những hình ảnh tinh túy nhất, đẹp nhất cùng một phần cảm hứng từ hình tượng Cô Bơ để thêu dệt nên bức tranh biến ảo của "Tứ phủ" thông qua âm nhạc và hình ảnh. Mọi suy đoán và sự tưởng tượng sẽ thuộc về ý kiến của khán giả.
Liên quan đến MV Tứ Phủ, dưới góc độ của một nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ Sỹ Luân bày tỏ "Sau khi xem MV "Tứ phủ" của Hoàng Thùy Linh, điều tôi cảm nhận đầu tiên đó là một sản phẩm âm nhạc ma mị, đưa người nghe vào cảm giác tâm linh bởi hình ảnh và giai điệu.
Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy ca từ lại là "điểm trừ" vì có sự khập khiễng, hơi "tham" về nội dung khi đề cập đến cả đạo giáo, tình yêu…" .
Sỹ Luân cho rằng, không phải tự nhiên mà lại có nhiều khán giả lên tiếng về việc MV đang hiểu không đúng về đạo Mẫu, hay đi sai tư tưởng.
Chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, một chuyên gia âm nhạc và sân khấu, từng dàn dựng các chương trình có yếu tố sáng tạo trên nền tảng văn hóa tâm linh cho biết "Lựa chọn đề tài của Hoàng Thùy Linh đáng được ủng hộ. Đây là một sự chọn lựa mạo hiểm nhưng cô ấy làm chưa tới. Ca khúc rất hay nhưng hình ảnh như thế, chưa ổn”.
Theo chia sẻ của chuyên gia này, muốn sáng tạo trên nền tảng văn hóa tâm linh cần phải hiểu rõ mới có thể làm đến nơi đến chốn.
"Nhưng ở đây tôi có cảm giác ê-kíp không thực sự hiểu về văn hóa đạo Mẫu. Trang phục như thế cũng chưa ổn. Việc đưa nhảy kiểu EDM vào như thế cũng không hợp lý. Bởi lẽ, trong đạo Mẫu đã có vũ điệu nên sáng tạo trên nền tảng đó thì hay hơn. Nhìn chung, tôi khá thất vọng dù từng rất chờ đợi sản phẩm này”, vị chuyên gia phân tích.
Trước câu hỏi làm thế nào để làm cho tới, người này trả lời: "Có thể học hỏi ngay Madona. Cách khai thác như này trên thế giới họ làm nhiều rồi. Đó là những cuộc chơi văn hóa. Madona từng làm về văn hóa tâm linh ở Nhật Bản như vậy, rất sáng tạo nhưng rất tới và rất hiểu. Đã làm phải làm cho tới, cho đúng, chứ hời hợt thì không ổn”.