Theo tin tức từ MNC Portal Indonesia, trận đấu giữa PSIS Semarang và PSS Sleman phải gián đoạn do cuộc bạo loạn trên khán đài. Cụ thể, hàng trăm CĐV từ hai đội xảy ra xô xát, đuổi đánh trên khán đài, nhiều người phải bỏ chạy xuống sân. Bên ngoài sân vận động, nhiều CĐV không có vé đập phá hàng rào, thậm chí là ném đá vào lực lượng an ninh.
Khi trận đấu trở lại, tâm lý của các cầu thủ đội khách bị ảnh hưởng không nhỏ và để PSIS Semarang ghi liên tiếp 3 bàn thắng trong hiệp 2, qua đó nhận thất bại chung cuộc với tỷ số 2-5. Chia sẻ sau trận đấu, HLV của PSIS Semarang, ông Gilbert Agius cho biết: "Tôi cảm thấy hạnh phúc, không chỉ cho bản thân mà còn với cả đội, người hâm mộ, đặc biệt là cầu thủ. Tôi nghĩ rằng người hâm mộ đã giúp chúng tôi rất nhiều vị vẫn ở lại cổ vũ toàn đội trong hiệp 2".
Được biết, nạn bạo lực trong bóng đá Indonesia xuất hiện từ lâu bởi nhiều nguyên nhân như văn hóa hâm mộ cuồng nhiệt và phản ứng yếu kém từ lực lượng chức năng. Gần đây nhất là "Thảm họa sân Kanjuruhan năm 2022", thảm kịch giẫm đạp khiến 133 người chết tại sân vận động Kajuruhan, thành phố Malang, tỉnh Đông Java hồi tháng 10.
Năm 2018, giải vô địch quốc gia Indonesia (Liga 1) từng bị đỉnh chỉ sau khi một CĐV của CLB Persija Jakarta bị người hâm mộ CLB Persib Bandung đánh đến chết. Hai năm trước, một CĐV của CLB Persib cũng bị người hâm mộ CLB Persija hành hung dẫn đến thiệt mạng. Tính từ 1994 đến 2019, khoảng 74 người đã tử vong trong các sự kiện liên quan đến bóng đá ở Indonesia.
Tình trạng bạo lực nghiêm trọng đến mức đội khách khi di chuyển đến sân của đội chủ nhà phải được hộ tống bằng xe bọc thép, cảnh sát được triển khai trong những cuộc đối đầu truyền kiếp. Hơn nữa, nhiều CĐV đôi khi bị cấm theo đội nhà cổ vũ khi thi đấu trên sân khách, tiêu biểu là Arema FC và Persebaya Surabaya đã đi đến thỏa thuận cấm CĐV "phe kia" đến sân của mình vào năm 1988.
Không chỉ giải trong nước, bạo lực trong bóng đá Indonesia còn lan sang cả các trận đấu của tuyển quốc gia. Ở vòng loại World Cup 2022 diễn ra vào năm 2019, người hâm mộ xứ vạn đảo từng ném vật thể lạ về phía cổ động viên Maylaysia, khiến trận đấu phải dừng lại 10 phút.
Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) thực hiện rất nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình nhưng cho đến nay vẫn không thể kiểm soát được người hâm mộ vốn nổi tiếng là cuồng nhiệt song có xu hướng dễ kích động, đôi khi là điên cuồng.