Tin mới

Về hưu chưa chắc đã thoát

Thứ năm, 01/09/2016, 17:02 (GMT+7)

Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn, Bạc Hy Lai hay Quách Bá Hùng là những cái tên được biết đến  là những “hổ lớn” sa lưới “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi đã “rửa tay gác kiếm”.

Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Cốc Tuấn Sơn, Bạc Hy Lai hay Quách Bá Hùng là những cái tên được biết đến  là những “hổ lớn” sa lưới “đả hổ diệt ruồi” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi đã “rửa tay gác kiếm”.

Trung Quốc không còn khái niệm “hạ cánh an toàn”

Điều gì để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất của ông Tập Cận Bình kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2012? Ngoài Chính sách cải cách quân đội, không thể không nhắc đến hai chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “Lưới trời” và “Đả hổ diệt ruồi”. Với hai chiến dịch chống tham nhũng này, ông Tập đã lấy đi hàng loạt “kim bài miễn tử” của những thành viên “cấp cao không thể đụng đến”.

Trước khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, nền chính trị Trung Quốc đã ngầm thừa nhận sự “miễn nhiễm” của các cựu quan chức cấp cao, đặc biệt là các thành viên hoặc cựu Ủy viên Bộ Chính trị, từ đó hình thành khái niệm “hạ cánh an toàn” trên chính trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng, ở cả trong và ngoài nước của ông Tập Cận Bình dường như đã định nghĩa lại hoàn toàn khái niệm “miễn tử”  này, hoặc ít nhất cũng khiến những quan chức đã về hưu không thể “rung đùi” về khối tài sản kếch xù có được từ các hoạt động tham nhũng khi còn tại vị.

Bước ngoặt Chu Vĩnh Khang:

Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, bị kết án tù chung thân vì tham nhũng và làm lộ bí mật nhà nước. Chu Vĩnh Khang bị truy tố sau 9 tháng bị điều tra chính thức. Trước đó, Chu bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2015. Trước khi về hưu năm 2012, Chu từng là một trong những người nắm giữ quyền lực lớn nhất Trung Quốc, từng đứng đầu Bộ Công an và là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.

Tính đến thời điểm lúc bấy giờ, Chu Vĩnh Khang là “con hổ” lớn nhất lọt lưới chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Ông Chu từng là người đứng đầu tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) trong những năm 1990 và giữ chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên năm 1999 - 2002, sau đó làm bộ trưởng công an trước khi được bầu vào Bộ Chính trị.

Với việc điều tra và khởi tố Chu Vĩnh Khang, ông Tập đã phá vỡ tiền lệ bất thành văn của chính trường nước này: các cựu ủy viên bộ chính trị sẽ an toàn tuyệt đối với các cáo buộc sau khi về hưu.

Có thể nói đây chính là “bước ngoặt” lớn trong chiến dịch của Tập Cận Bình, đồng thời đây cũng là lời tuyên bố “đanh thép” cho những người dám đứng lên thách thức quyền lực của ông Tập

Chu Vĩnh Khang không phải “hổ lớn” duy nhất?

Bên cạnh Chu Vĩnh Khang, hàng loạt các quan chức cấp cao đã về của Trung Quốc đều bị “moi lên”. Trong số đó phải kể đến một loạt các tên như : Từ Tài hậu, Cốc Tuấn Sơn, Lệnh Kế Hoạch, Quách Bá Hùng, hay mới đây nhất là Lý Kế Nại, Liêu Tích Long,…

Tất cả những người này đều là các quan chức cấp cao trong quân đội hoặc các cơ quan đảng. Việc những nhân vật cấp cao này liên tục “ngã ngựa” đã gây nên những cơn chấn động trong chính trường Trung Quốc.

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi sau Chu Vĩnh Khang liệu còn “hổ lớn” nào sẽ bị điều tra tiếp không? Một số nhà bình luận cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động sẽ nhanh chóng chấm dứt hoặc ít nhất là trong tương lai không xa. Suy đoán này là hoàn toàn sai lầm.

Tuy vụ “ngã ngựa” của tướng Chu là tương đối lớn, nhưng vụ điều tra ông Từ Tài Hậu mới được đánh giá là động thái “đả hổ” táo bạo nhất cho đến nay của ông Tập. Kết quả điều tra cho thấy, tướng Từ nhận hối lộ hơn 35 triệu NDT từ cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần PLA Cốc Tuấn Sơn - người bị buộc tội biển thủ, lạm dụng quyền lực.

Lệnh Kế Hoạch, từng là trợ lý của cựu Chủ tịch kiêm Bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, mới đây cũng đã đối mặt với mức án tù chung thân. Ông Lệnh Kế Hoạch bị buộc tội nhận hối lộ từ các doanh nhân và quan chức tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Chiết Giang, Bắc Kinh và Nội Mông.

Vào ngày 25/7 vừa qua, Quách Bá Hùng đã bị kết án chung thân vì tội tham nhũng, trở thành quan chức quân sự cao cấp nhất ở Trung Quốc bị tòa án truy tố trong vòng một thập kỷ trở lại đây.

Mới đây nhất, hai “hổ lớn” sa lưới khi đã về hưu là nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Thượng tướng Liêu Tích Long và nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Lý Kế Nại đã chính thức bị điều tra do liên quan đến tham nhũng.

Tập Cận Bình: Hạ cánh không có nghĩa là an toàn

Tập Cận Bình được chuyển giao quyền lực trong một cuộc “chuyển giao hoa hồng” khi Trung Quốc là nền kinh tế thứ 2 thế giới với mức tăng trưởng liên tục giữ ở  mức hai con số. Nhìn qua, những tưởng ông Tập sẽ không phá bỏ đi những “cơ cấu” đã góp phần tạo nên kì tích đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tập Cận Bình là người ý thức được hơn ai hết vị thế của Trung Quốc khi ông tiếp nhận: Kinh tế Trung Quốc đang ở trong chu kì cuối của “tăng trưởng nóng”, quân sự nước này chỉ có “lượng và thiếu chất” trầm trọng , hệ thống quyền lực chính trị bị “phân mảnh” và tham nhũng.  Nếu không giải quyết được các vấn đề này, Trung Quốc sẽ thành một “bong bóng” khổng lồ.

Đó là căn nguyên của những đường lối chính sách mà Tập Cận Bình theo đuổi trong suốt thời gian tại nhiệm vừa qua, đó là phát triển khoa học công nghệ cao, cải tổ quân đội và “đả hổ diệt ruồi”.

Theo Tân Hoa Xã, bắt đầu từ khi triển khai chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, một trong những công việc được tiến hành âm thầm trên diện rộng nhất là “điều tra tài sản” của các quan chức và cựu quan chức. Khi đã có dấu hiệu “bất thường” thì dù người đó đã “rửa tay gác kiếm” hay chưa đều bị điều tra.

Trước nay, thứ lớn nhất và gần như duy nhất mà các quan chức về hưu của Trung Quốc thường xuyên nhận được từ nhà nước của họ là “lương hưu”. Giờ đây, những người đã về hưu của Trung Quốc còn có “cơ hội” nhận được một thứ lớn hơn nữa đó là “các cuộc điều tra”.

Tờ Đa chiều nhận định, đây là một trong những tiến bộ rất lớn của Trung Quốc trong công cuộc đổi mới hệ tư tưởng chính trị của nước này lên một tầm cao mới, giống như các quốc gia phương Tây-nơi các cuộc điều tra các cựu quan chức là điều mà các quan chức điều tra sẽ nhận được ngay sau khi nghỉ hưu nếu phe đối lập lên cầm quyền.

Việc điều tra các quan chức đã về hưu được đánh giá là một hành động “không có sự lựa chọn” nào khác của Trung Quốc nếu họ không muốn bị “nổ tung”.

Giờ đây, ở Trung Quốc sẽ không còn khái niệm “hạ cánh an toàn” nữa hoặc cũng có thể khác là “không thể hạ cánh”.

Nghiêm Thu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news