Không ai nghĩ riêng V-League 2022 này, VFF phải tốn tới cả 10 tỷ đồng chi trả cho công tác trọng tài. Vậy mà chất lượng trọng tài tại giải đấu số 1 Việt Nam vẫn chưa được cải thiện.
V-League 2022 có sự góp mặt của 13 đội bóng, thi đấu vòng tròn gồm 2 lượt đi và lượt về. Tổng cộng sẽ có 156 trận được diễn ra. Trung bình mỗi trận đấu sẽ có 1 trọng tài bắt chính, 2 trợ lý trọng tài, 1 trọng tài bàn và 2 giám sát là giám sát trận đấu và giám sát trọng tài.
Theo 1 lãnh đạo ở V-League 2022 cho biết, mỗi một trận đấu VFF phải trả cho các trọng tài số tiền cụ thể như sau: Trọng tài chính (8 triệu đồng), 2 trợ lý trọng tài (6 triệu/người), giám sát trọng tài (6 triệu), giám sát trận đấu (7 triệu đồng). Dễ dàng nhận thấy, kinh phí để chi trả cho công tác trọng tài trong mỗi trận đấu không phải ít.
Ngoài ra còn chi phí di chuyển (tiền máy bay), ăn ở (khách sạn). Trung bình là 5 triệu/người và hết 30 triệu cho tổng cộng 6 thành viên của tổ trọng tài. Tổng kinh phí cho tổ trọng tài vào khoảng 70 triệu đồng/ trận đấu.
Chỉ bằng một phép tính đơn giản thì trong cả mùa giải V-League 2022 phải chi trả số tiền hơn 10 tỷ đồng cho tổ trọng tài. Đây là con số rất lớn, bởi không chỉ có V-league mà VFF còn phải chi trả phí cho Cup Quốc gia, giải hạng Nhất… Kinh phí cho công tác trọng tài ở các giải đấu này cộng lại cũng không kém gì V-League 2022.
Ngoài ra còn các khoản phí cho trọng tài trong quá trình tập luyện, tập huấn, nâng cao trình độ hàng tháng/ từng năm. Mặc dù bỏ ra chi phí rất lớn nhưng các vị 'vua áo đen' vẫn chưa làm tốt nhiệm vụ của mình.
Từng vòng đấu trôi qua tại V-league, trọng tài liên tục mắc sai lầm, có những quyết định thiếu chính xác gây ảnh hưởng tới cuộc đua vô địch khiến NHM vô cùng bức xúc. Đáng chú ý ở chỗ những trọng tài đẳng cấp FIFA cũng mắc những sai lầm khiến NHM vô cùng thất vọng.
Nhiều người cho rằng trình độ chuyên môn của trọng tài V-League quá kém, nên dù có chi nhiều tiền hơn nữa thì cũng khó mà cải thiện được trong ngày 1 ngày 2. Những giải pháp được đưa ra như áp dụng công nghệ VAR nhưng một phần do chi phí quá đắt và trình độ trọng tài ở Việt Nam chưa thể tiếp cận và sử dụng thành thạo công nghệ này nên giải pháp này hiện chỉ dừng lại 'trên giấy'.