Liên quan đến chuỗi tấn công ở thủ đô Paris tối 13/11 khiến ít nhất 153 người thiệt mạng, các chuyên gia đều cho rằng việc tham gia liên minh chống IS tại Iraq và Syria là nguyên nhân khiến nước này luôn là mục tiêu của khủng bố.
Tối 13/11, liên tiếp 6 vụ tấn công xảy ra ở thủ đô Paris khiến ít nhất 153 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương, trong đó có hơn 80 người bị thương rất nặng.
Một trong những người may mắn sống sót kể lại rằng, một trong những kẻ tấn công tại nhà hát Bataclan đã xả súng vào đám đông và hô "Allahu akbar" (Đấng tối cao vĩ đại).
Hiện trường vụ xả súng tại một quán cà phê ở thủ đô Paris tối 13/11. Ảnh: AP |
Bên cạnh đó, một nhân chứng khác cũng khẳng định những kẻ khủng bố nói với các con tin rằng chúng hành động để trả thù Tổng thống Pháp Hollande vì đã tham gia không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria.
Những thông tin này làm dấy lên mối nghi ngờ rằng đây chính là cuộc tấn công khủng bố do các tổ chức Hồi giáo cực đoan thực hiện.
Pháp tham gia tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố
Giới quan sát cho rằng, việc Pháp tham gia tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố cũng là một phần nguyên nhân khiến nước này trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan.
Pháp từng góp mặt trong Lực lượng Hỗ trợ an ninh Quốc tế (ISAF) do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lãnh đạo, thực hiện sứ mệnh bảo vệ an ninh tại Afghanistan chống lại Taliban và al-Qaeda. Paris cũng tiến hành nhiều hoạt động tình báo ở Somali hay triển khai không kích IS ở Iraq.
Cảnh sát khống chế một người đàn ông trên phố để kiểm tra danh tính sau vụ tấn công ở phòng hòa nhạc Bataclan. Ảnh: Reuters |
Pháp cũng là nước đưa quân chiến đấu chống lại các phần tử tự xưng “thánh chiến” trên toàn thế giới. Hơn 10.000 quân Pháp đang được triển khai ở nước ngoài, với 3.000 tại Tây Phi, 2.000 ở Trung Phi và 3.200 lính tại Iraq, theo The Telegraph.
Gần đây nhất, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố đưa tàu sân bay Charles de Gaulle sang hỗ trợ liên quân chống IS ở Syria và Iraq.
Bên cạnh đó, cái chết của tên đồ tể "John thánh chiến" sau các đợt không kích của Mỹ đêm 12/11 vừa qua cũng được xem là cái cớ để IS phản đòn.
Người Hồi giáo ở Pháp bị phân biệt đối xử
Theo Telegraph, cộng đồng Hồi giáo chiếm từ 5 - 10% dân số nước Pháp. Tuy nhiên, rất nhiều vụ tấn công gần đây tại Pháp có liên quan đến vấn đề xã hội, sắc tộc và tôn giáo khiến người Pháp sinh ra tâm lý nghi ngại và biểu hiện không công bằng với người Hồi giáo. Những nghi phạm Hồi giáo không được tạo cơ hội, không được tham gia các tổ chức, cơ quan cấp cao; thiếu giáo dục, phạm tội, ở tù, và lại sinh ra thù hằn và tiếp tục phạm tội.
Cảnh sát giải cứu các con tin. Ảnh: Reuters |
Telegraph cho biết bên trong các nhà tù nước Pháp có tới 70% là người Hồi giáo. Thống kê này không chính thức vì cơ quan chức năng Pháp không điều tra theo tôn giáo. Nhưng so sánh để thấy, tỉ lệ này quá cao so với các nước như Anh và Xứ Wales với 14% tù nhân là người Hồi giáo.
Sau vụ tòa soạn Charlie Hebdo bị tấn công, Telegraph đã đưa tin về việc Pháp đang phải khó khăn đối phó tình trạng cực đoan trong các nhà tù, khác với Anh, nơi có rất ít thủ lĩnh Hồi giáo xâm nhập các nhà tù, hạn chế sự cực đoan hóa.
Vũ khí dễ dàng buôn lậu vào nước Pháp
Pháp là quốc gia có số lượng vũ khí đổ vào đều đặn từ các nước khu vực Đông Âu, trong đó phần lớn là AK-47, dễ mua, dễ bán, mặc dù vũ khí ở Pháp là một điều cấm kỵ.
Trong trường hợp không mua được súng giữa Paris, những tay khủng bố sẵn sàng đến vùng Balkans, nơi có những kho súng không giấy phép với mức giá rẻ đáng kinh ngạc.
Người dân hoảng sợ ôm nhau sau chuỗi tấn công kinh hoàng. Ảnh: Reuters |
Trong vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, người ta tin rằng những kẻ khủng bố có được vũ khí từ Bỉ, quốc gia vốn luôn phải khó khăn khi đối phó với vũ khí lậu.
Dòng người tị nạn đổ vào Pháp tăng đột biến
Kể từ sau thảm kịch Charlie Hebdo, chính quyền Pháp đã áp dụng hàng loạt biện pháp ngăn ngừa, bao gồm tăng cường an ninh ở sân bay, kiểm soát khắt khe hơn quy trình nhập cư, di trú.
Tuy nhiên, Pháp vẫn không thể ngăn dòng người tị nạn từ Iraq và Syria gia tăng đột biến. Chuyên gia chống khủng bố nhận định đây chính là cơ hội tốt để thành viên IS hay những kẻ cảm tình với tổ chức này xâm nhập vào các nước châu Âu để tiến hành các cuộc khủng bố.
Đội ngũ y tế làm việc khẩn trương tại hiện trường. Ảnh: AP |
Pháp hiện chưa tiếp nhận quá nhiều người tị nạn từ Syria, chỉ có khoảng 20.000 người Syria đã nhập cư vào quốc gia này trong vài năm qua. Nhưng nhiều cá nhân vẫn có thể di chuyển thoải mái trong một khu vực rộng lớn ở châu Âu mà không bị kiểm soát nếu như sở hữu một số loại hộ chiếu đặc biệt. Thực tế này làm gia tăng nguy cơ các tay súng cực đoan đóng giả làm người di cư để thực hiện các cuộc tấn công đẫm máu trên toàn châu Âu.
Lê Huyền (tổng hợp)