Tính từ những năm 1990, đã có khoảng 50.000 quan chức Trung Quốc đến Singapore học về quản lý đô thị, quản lý xã hội và quản lý hành chính công.
Ngày 16/5, Diễn đàn lãnh đạo Trung Quốc - Singapore (chương trình đào tạo cán bộ Trung Quốc tại Singapore) được tổ chức tại đảo quốc sư tử với tham dự của Bí thư Ban Bí thư, Bộ trưởng Bộ Tổ chức trung ương đảng cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế.
Trong khi đó, Giáo sư Zhu Lijia thuộc Học viện Hành chính quốc gia Trung Quốc cho biết, số lượng quan chức Trung Quốc tham gia chương trình đào tạo ở Singapore đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2012. Tuy nhiên, con số này đã giảm trong những năm gần đây.
Điều này hoàn toàn trái ngược với tư duy truyền thống của giới lãnh đạo Trung Quốc cũng như của Đặng Tiểu Bình. Bởi 40 năm gần đây, Singapore luôn được coi là tấm gương cho lĩnh vực quản lý xã hội của Trung quốc.
Trong đó, hơn 20 năm nay, đảo quốc sư tử luôn được coi là trung tâm quan trọng đào tạo cán bộ quan chức Trung Quốc tại nước ngoài.
Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2015, Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam từng nói, tính từ những năm 90 của thế kỷ 20, có khoảng 50.000 cán bộ quan chức Trung Quốc đến Singapore tham gia chương trình đào tạo về quản lý đô thị, quản lý xã hội và quản lý hành chính công.
Trước đó, hồi năm 1978, trong chuyến thăm Singapore, trước thành công trong quản lý xã hội tại đảo quốc này, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã đề xuất chính quyền Trung Nam Hải cần học hỏi kinh nghiệm của Singapore.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) từng nhận định, khi mới lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm đã "bày tỏ mong muốn đi theo mô hình quản lý xã hội của Singapore, bởi ông cho rằng, mô thức quản lý này phù hợp với xã hội Trung Quốc hiện tại".
Đồng thời, Bắc Kinh khi đó luôn đánh giá cao mô hình Singapore bởi học tập theo mô hình Singapore phù hợp với lợi ích của đảng cộng sản Trung Quốc; chính phủ hiệu quả, liêm khiết chính là kỳ vọng mà ông Tập theo đuổi.
Theo SCMP, nguyên nhân số lượng quan chức Trung Quốc tham gia đào tạo tại Singapore suy giảm trong những năm gần đây, thậm chí sẽ ngừng hẳn trong tương lai có thể xuất phát từ việc chương trình đào tạo trong nước đã bắt kịp xu thế và Bắc Kinh tỏ ra tự tin hơn với chương trình đào tạo của mình.
Luồng ý kiến khác cho rằng, hiện tượng này bắt nguồn từ một số biểu hiện của Singapore trên vũ đài chính trị quốc tế đang khiến Bắc Kinh bất mãn. Ví như việc Singapore ủng hộ mạnh mẽ chiến lược Tái cân bằng châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Hay sau khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, những động thái phản đối Bắc Kinh về một số vấn đề quốc tế của chính phủ Singapore cũng đã làm phật lòng đất nước tỷ dân.
Giới phân tích cũng chỉ ra, có thể những thay đổi của cục diện chính trị, kinh tế thế giới đã ảnh hướng đến năng lực phán đoán của Trung Nam Hải. Sự tự tin của Bắc Kinh đã không ngừng vươn tới các lĩnh vực, tầng lớp xã hội, trong đó gồm cả lĩnh vực quản lý xã hội.
Và Trung Quốc đã tìm ra một mô thức mới của riêng mình để tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng và thống nhất ý thức chính trị mà không cần dựa quá nhiều vào hình mẫu Singapore.