Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ là “làn gió mới” cho người lao động Việt Nam.
Trong thập kỷ vừa qua, các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã được mở rộng để bao quát hơn nữa các vấn đề thương mại truyền thống trong đó có cắt giảm thuế quan. Gần đây, FTAs đã tăng cường các điều lệ về lao động để bảo vệ công nhân, đặc biệt là ở những nước mà các công ty theo đuổi những ngành sản xuất chi phí thấp bằng việc trả lương ít ỏi, điều kiện làm việc nghèo nàn cùng với những tiêu chuẩn lao động dưới mức trung bình. Điều này đã gây lên những tác động không nhỏ với những quốc gia như Việt Nam.
Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại đầu tiên khi yêu cầu các nước tham gia ký kết phải thực hiện đầy đủ các cam kết về lao động như sự tự do của các hội nhóm, thương lượng tập thể và đảm bảo điều kiện làm việc tối thiểu. Ngoài ra, Việt Nam đã ký một kế hoạch về việc thực thi lao động với Mỹ nhằm tìm ra các hành động cần thiết để thực hiện theo Hiệp định TPP đồng thời nhận định đâu là đối tượng chịu trách nhiệm thực thi. Rõ ràng, TPP giống như một “thỏa thuận của thế kỷ XXI”, ban hành các quy tắc lao động mạnh mẽ nhất, tạo cơ hội để nâng cao mức sống và chất lượng công việc cho người dân Việt Nam. Những tiến bộ được thể hiện rõ ràng trên một số lĩnh vực khác nhau:
Đời sống người lao động được kỳ vọng sẽ có nhiều thay đổi khi TPP có hiệu lực. Ảnh: Internet |
Tự do Hiệp hội
Sự thay đổi sâu rộng nhất đến bức tranh của lao động Việt Nam là quyền tự do của các hiệp hội. Điều 19.3 yêu cầu tất cả các bên TPP áp dụng và duy trì các quy định phù hợp với Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế về các nguyên tắc cơ bản, trong đó có quyền tự do lập hội. Yêu cầu này được trình bày chi tiết trong Kế hoạch của Việt Nam – Mỹ cho việc Tăng cường Quan hệ Thương mại và Lao động. Theo đó, các công nhân có thể thành lập các tổ chức công đoàn cho riêng mình, tự chủ bầu đại diện của mình. Điều này trở nên quan trọng vì nó trực tiếp trao quyền cho từng người lao động.
Thương lượng tập thể
Thương lượng tập thể là việc đàm phán giữa đại diện của người lao động và bên sử dụng lao động để hình thành những điều kiện làm việc đạt yêu cầu. Kết quả là, một thỏa thuận lao động tập thể (CLA) giữa người lao động và bên sử dụng lao động sẽ xác định điều kiện làm việc, yêu cầu trong sử dụng lao động và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Thỏa thuận thương lượng tập thể này phục vụ như một tài liệu cơ bản quy định chi tiết các yêu cầu pháp lý với từng doanh nghiệp đồng thời tạo cơ hội cho công nhân thương lượng để có được điều kiện làm việc tốt hơn. Có thể nói, những thỏa thuận này rất quan trọng trong một mối quan hệ lao động.
Với tầm quan trọng của mình, rất nhiều các công ty Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện CLA. Tuy vậy, một vài công ty sử dụng CLA như là một biện pháp đối phó với áp lực từ chính quyền bao gồm cả các điều khoản trái hoặc gây khó khăn hơn so với điều luật yêu cầu. Hậu quả là đã có những CLA kém chất lượng được các doanh nghiệp thông qua. Nguyên nhân cho sự ra đời của những CLA chất lượng thấp xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về thủ tục. Chính vì vậy, TPP được hi vọng sẽ đem đến những thay đổi quan trọng cho Việt Nam.
Điều 19.3 yêu cầu tất cả các bên TPP áp dụng và duy trì các quy định đảm bảo tính hiệu quả của quyền thương lượng tập thể. Hơn nữa, TPP hỗ trợ kết quả đàm phán bằng cách đảm bảo các công đoàn có thể tham khảo ý kiến từ các các tổ chức lao động quốc tế có liên quan về các hoạt động của công đoàn lao động như thương lượng tập thể; đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các cấp công đoàn. TPP được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn cơ bản trong hệ thống, từ đó thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc cải thiện điều kiện lao động.
Thực thi
Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện những cam kết lao động mà TPP đưa ra. Giống như tất cả các thành viên khác, Việt Nam là chủ thể quan trọng để giải quyết cách tranh chấp nếu các hệ thống không phát huy các cam kết của mình. Quan trọng hơn, mọi chi tiết trong kế hoạch thực hiện phải được hoàn thành trước khi TPP có hiệu lực.
Với cách tiếp cận toàn diện này, TPP được hi vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho môi trường lao động Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Khi đó các liên đoàn lao động sẽ thực sự đại diện cho lợi ích của công nhân, sẽ là nhân tố góp phần cải thiện mức sống cho người lao động. Để đạt được điều đó, cả Mỹ và Việt Nam cần khẩn trương hành động để nắm bắt cơ hội, phát triển Việt Nam ngày một giàu đẹp hơn.
Như Ngọc (The Diplomat)