Tin mới

Virus corona khi nào biến mất?

Thứ hai, 10/02/2020, 11:28 (GMT+7)

Virus corona khi nào biến mất, hay sẽ ở lại với chúng ta mãi mãi? Đó là câu hỏi mà ai cũng muốn biết đáp án ở thời điểm này.

Câu trả lời phụ thuộc vào 2 hậu quả có thể xảy ra: Thứ nhất, tâm chấn Trung Quốc kiểm soát được virus, bằng không, những tâm chấn mới kéo dài mãi mãi mọc lên ở những nước nghèo hơn, kinh khủng hơn.

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu, thời gian là điều cốt yếu. Kể từ khi virus corona được xác định lần đầu vào tháng 12, số ca thương vong ở Trung Quốc tăng vọt với hơn 900 người chết và hơn 40.000 ca nhiễm, vượt qua số ca tử vong vì SARS năm 2003. Trong khi phần còn lại của thế giới đã cách ly hiệu quả với Trung Quốc, những biện pháp cực đoan như vậy không thể tiếp tục mãi mãi.

Sau đó, virus corona này có thể cùng với nhiều loại virus khác như thủy đậu, cúm và cảm lạnh thông thường sẽ lưu hành mãi trên toàn cầu, hoành hành theo mùa và suy yếu dần cho tới khi tìm ra thuốc hoặc vắc xin.

"Một khi dịch gây chết với số lượng lớn thì rất khó để các phương pháp tiếp cận sức khỏe cộng đồng đáng tin có tác động", Tiến sĩ Robert R. Redfield, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch Mỹ cho biết.

Tiệt trung trên một tàu điện tại Hàn Quốc. Ảnh: AP

Cho đến nay, virus corona không thể ngăn được ở Trung Quốc. Nhưng, có một tin tốt là sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc vẫn còn hạn chế, chỉ có rất ít người bị. Chặn đi lại, giám sát chặt chẽ, kiểm dịch tích cực và phối hợp toàn cầu đã bảo vệ chúng ta. Cho đến nay, 27 quốc gia đã có người nhiễm virus trước khi nó bùng phát thành một ổ dịch lớn hơn. Trong số này, 13 nước có người du lịch tới Trung Quốc. 14 nước còn lại là có người Trung Quốc tới.

Tuy nhiên, chỉ cần một quốc gia để virus có thể lây lan trong cộng đồng và thiếu nguồn lực để ngăn chặn thì phần còn lại của thế giới sẽ tiếp tục gặp rủi ro. An ninh y tế toàn cầu đang rất mong manh.

Còn theo kịch bản lạc quan nhất, virus được kiểm soát và sau đó bị diệt trừ tại Trung Quốc. Đã có tiền lệ cho điều này. Vào năm 2003, một loại virus họ hàng với corona có tên Hội chứng Hô hấp cấp tính nặng (SARS) đã xuất hiện ở Trung Quốc mà không có cảnh báo. Nó đã khiến gần 800 người thiệt mạng. "Kể từ đó, nó đã biến mất", Jan Carette, phó giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại ĐH Stanford cho biết.

Nếu các biện pháp kiểm soát hiệu quả tại Trung quốc, sự lây truyền chậm lại để những người nhiễm virus không lây cho người khác thì dịch bệnh hiện tại sẽ suy giảm dần rồi biến mất, ông Carette nói. Nhưng điều đó phụ thuộc vào một số yếu tố mà đến nay vẫn chưa được biết đến: Làm thế nào mà virus lại dễ dàng lây lan? Làm thế nào nó khiến con người đổ bệnh? Những người nhiễm bệnh không có triệu chứng có thể lây cho người khác không?

Có một bằng chứng đáng lo ngại là một số người nhiễm virus nhưng lại không có triệu chứng của bệnh, vì vậy, họ có thể vô tình lây nhiễm cho người khác. Cũng có những bằng chứng cho thấy virus có thể lây truyền trước khi phát bệnh. Vì vậy, virus này có thể không hoạt động như SARS. Những người bị SARS ốm nặng tới mức họ ngay lập tức phải nằm giường hoặc đến bệnh viện, điều này hạn chế sự lây lan.

Dịch virus corona đã kéo căng hệ thống y tế của Trung Quốc, bình thường vốn đã quá tải. Việc chiến đấu với bệnh ngay tại nguồn có thể làm giảm nguy cơ lây lan, theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Cách làm này đã hiệu quả với dịch Ebola, nơi mà người chết vì bệnh dịch bị giới hạn về mặt địa lý.

Kịch bản thứ hai ít lạc quan hơn: Virus không được kiểm soát tại Trung Quốc và lây lan sang những nơi khác, gieo mầm cho phần còn lại của thế giới. Các nhà dịch tễ học gọi đây là virus "đặc hữu", lưu hành liên tục với sự biến động theo mùa.

Thủy đậu và cúm là đặc hữu của nhiều nước. Có 4 loại virus corona khác nhau là 229E, OC43, KHU1 và NL63 gây ra 1/4 ca cảm lạnh và có thể gây viêm phổi ở trẻ em và người già. Nhưng sự cô lập, kiểm dịch và cấm đi lại không phải là biện pháp chống dịch bền vững. Virus sẽ lan rộng ra toàn thế giới hoặc biến mất. Đối với virus corona, có lẽ giờ đã quá muộn để kiềm chế nó. Khi ngày càng có nhiều ca nhiễm bệnh và chúng ta đã chẩn đoán tốt hơn thì đã đến lúc nghĩ về cách đối phó với virus thay vì kiềm chế.

Sẽ có bao nhiêu người chết và nhiễm virus corona? Không ai biết. Có khả năng virus sẽ biến đổi lành tính hơn với những triệu chứng như cảm lạnh thông thường hay cúm nhẹ. Sau đó, sự hiện diện của nó sẽ ít đáng lo ngại. Nó cũng có thể thay đổi theo mùa, tệ hơn vào mùa đông khi mọi người tụ tập lại với nhau.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news