Theo New York Post, ngày 3/11, các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu mới dựa trên mô tả vụ va chạm giữa các ngôi sao, được gọi là kilonova có thể xóa sổ sự sống trên Trái đất.
Cụ thể, vụ va chạm này có thể tiêu diệt sự sống trên Trái đất do một luồng bức xạ gây chết người – cụ thể là tia gamma, tia vũ trụ và tia X – phát ra từ sự kiện thiên thể này.
Chia sẻ trên Space.com, nhà nghiên cứu Haille Perkins của Đại học Illinois Urbana-Champaign cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng nếu một vụ sáp nhập sao neutron xảy ra trong phạm vi khoảng 36 năm ánh sáng cách Trái đất, thì bức xạ sinh ra có thể gây ra một sự kiện ở mức độ tuyệt chủng”.
Sự va chạm mạnh mẽ của các sao neutron - một trong số đó nặng khoảng một tỷ tấn - tạo ra một vụ nổ có thể làm suy giảm tầng ozone của Trái đất và khiến hành tinh xanh bị bức xạ cực tím trong 1.000 năm tới. Đây được coi là một sự kiện ở mức độ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, Perkins không quên trấn an người hâm mộ: “Khoảng cách cụ thể của mức độ an toàn và sự nguy hiểm nhất là không chắc chắn vì nhiều tác động phụ thuộc vào các đặc tính như góc nhìn sự kiện, năng lượng của vụ nổ, khối lượng vật liệu bắn ra....".
Trong số tất cả các hạt gây chết người được thử nghiệm, các nhà nghiên cứu xác định rằng tia vũ trụ là mối lo ngại lớn nhất. Vụ va chạm giữa các vì sao sẽ tạo ra một bong bóng tia vũ trụ đang giãn nở bao bọc tất cả những gì trên đường đi của nó và trở thành những cơn mưa tích điện có năng lượng cao trên Trái đất.
Đáng sợ không kém là tia gamma. Chúng phát ra dưới dạng hai luồng tia hẹp từ hai phía của sự hợp nhất, theo lý thuyết, chúng sẽ đốt cháy bất kỳ thiên thể hoặc vật thể nào trên đường đi trực tiếp của nó trong khoảng 297 năm ánh sáng. Tuy nhiên, ngay cả một lượng bức xạ gamma gián tiếp cũng có thể đủ để hòa tan đáng kể tầng ozone của Trái đất và cần khoảng bốn năm để khắc phục.
Tệ hơn nữa, theo nhóm của Perkins, sự va chạm của tia gamma với bụi sao xung quanh – hay “môi trường giữa các vì sao” – có thể dẫn đến phát xạ tia X có tác dụng ion hóa tương tự lên tầng ozone của Trái đất.
Theo Space.com, những hiệu ứng đó tồn tại lâu hơn so với tia gamma nên chúng có thể gây chết người mạnh và nhanh hơn.
Theo các báo cáo trước đây, nhóm của Perkins đã nghiên cứu một vụ sáp nhập sao neutron xảy ra vào năm 2017, cách Trái đất khoảng 130 triệu năm ánh sáng, dẫn đến một vụ phun trào dữ dội các hạt có khối lượng gấp khoảng 1.300 lần khối lượng Trái đất. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu tin rằng kilonova có thể đưa ra manh mối về cách một số nguyên tố nặng – như bạch kim, uranium và vàng – phát triển thành hiện thực.
Tuy nhiên, Perkins cũng khẳng định rằng, sự hoảng loạn là không cần thiết bởi vụ va chạm kilonova là trường hợp “hiếm” gặp do nguy cơ xảy ra một vụ nổ như vậy trong khoảng cách đó là rất thấp - các sao neutron gần nhất được biết đến cách Trái đất hơn 400 năm ánh sáng.
Lý do vụ nổ này có thể xóa sổ loài người, theo các nhà khoa học, là vì loại bức xạ do tia gamma gây ra mang đủ năng lượng để tách electron khỏi nguyên tử trong một quá trình gọi là ion hóa.
Một khi các tia này đến Trái đất, chúng có thể phá hủy tầng ozone của Trái đất và khiến con người phải hứng chịu những lượng bức xạ cực tím chết người từ mặt trời trong hàng nghìn năm.
Tuy nhiên, vụ nổ sẽ phải diễn ra trong vòng 36 năm ánh sáng tính từ Trái đất thì tia gamma mới có thể lan rộng đến mức đó.
“Có một số sự kiện phổ biến khác như ánh sáng mặt trời, tác động của tiểu hành tinh và vụ nổ siêu tân tinh có nhiều khả năng gây hại hơn”, Perkins nói thêm.
Trong một nghiên cứu khác được công bố vào tháng trước, một nhóm các nhà khoa học đã quan sát hậu quả của một vụ nổ kilonova bị nghi xảy ra vào tháng 3, đánh dấu lần đầu tiên các nhà nghiên cứu sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb để nghiên cứu những sự kiện như vậy, tác giả Andrew Levan nói với CNN.