Tin mới

WHO: Không thể chấm dứt đại dịch trong năm nay

Thứ tư, 03/03/2021, 11:31 (GMT+7)

Giám đốc điều hành Dịch vụ khẩn cấp của WHO cho biết đại dịch Covid-19 "đang được kiểm soát rất nhiều" nhưng khó có thể chấm dứt trong năm nay.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, Tiến sĩ Michael Ryan cho biết mặc dù sự lây lan Covid-19 tại một số nước đã chậm lại nhờ phong tỏa và các chương trình vắc xin nhưng "còn quá sớm" và "phi thực tế" khi nghĩ đại dịch sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Theo ông Ryan: "Nếu vắc xin không chỉ tác động đến số ca tử vong và nhập viện mà còn tác động đáng kể đến động lực lây nhiễm thì tôi tin rằng chúng ta sẽ tăng tốc hướng tới việc kiểm soát đại dịch này".

Đại dịch Covid-19 dường như đang bước vào một giai đoạn mới, khi mà việc triển khai vắc-xin và các báo cáo về việc truyền nhiễm được ghi nhận thấp hơn khiến công chúng háo hức chuyển sang ngừng phong tỏa và lơ là giãn cách xã hội. Nhưng các quan chức y tế đã cảnh báo rằng số ca nhiễm tăng lên vào tuần trước và có những biến thể đang lưu hành có thể làm cho các loại vắc xin đã được phê duyệt trở nên kém hiệu quả hơn.

Số ca nhiễm mới trên toàn cầu lần đầu tiên tăng vào tuần trước sau gần hai tháng. Các trường hợp gia tăng ở 4 trong 6 khu vực của WHO: Châu Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á và Đông Địa Trung Hải. Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Điều này thật đáng thất vọng nhưng không có gì đáng ngạc nhiên Chúng tôi đang tìm hiểu về sự gia tăng khả năng lây truyền. Một trong số đó dường như là do nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, tiếp tục lưu hành các biến thể và mọi người mất cảnh giác".

Ông cho biết mặc dù vắc xin sẽ giúp cứu sống nhiều người nhưng “nếu các quốc gia chỉ dựa vào vắc xin, họ đang mắc sai lầm”. “Các biện pháp y tế công cộng cơ bản vẫn là nền tảng của phản ứng", ông nói.

Rio de Janeiro là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ảnh: EPA
Rio de Janeiro là một trong những thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Ảnh: EPA

Tedros cũng nhấn mạnh sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin. Ông hoan nghênh những liều vắc xin Covid-19 đầu tiên được tiêm ở Châu Phi vào ngày 1/3, ở Côte d'Ivoire và Ghana. Nhưng ông nói thêm rằng “thật đáng tiếc rằng điều này xảy ra gần 3 tháng sau khi một số quốc gia giàu có nhất bắt đầu chiến dịch tiêm chủng của họ”.

“Và thật đáng tiếc khi một số quốc gia tiếp tục ưu tiên tiêm chủng cho những người trưởng thành trẻ hơn, khỏe mạnh hơn, có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn so với các nhân viên y tế và người lớn tuổi ở những nơi khác. Các quốc gia không chạy đua với nhau, đây là cuộc chạy đua chung chống lại virus. Chúng tôi không yêu cầu các quốc gia đặt người dân của họ vào tình thế nguy hiểm. Chúng tôi yêu cầu tất cả các quốc gia tham gia vào nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn vi rút ở khắp mọi nơi".

“Chúng tôi cũng lo ngại về vụ bắt giữ nhân viên y tế ở Myanmar được báo cáo có thể ảnh hưởng đến việc chống dịch Covid-19 và việc cung cấp các dịch vụ y tế thiết yếu khác. Và ở Ethiopia, xung đột đang diễn ra ở khu vực Tigray đã khiến nhiều cơ sở y tế và bệnh viện phải ngừng hoạt động. Chúng tôi vô cùng lo ngại về nguy cơ dịch bệnh do thiếu thức ăn, nước sạch, nơi ở và khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ”.

(Theo Guardian)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: WHO Covid-19 vắc xin