Tin mới

Xót xa hiện trường vụ sạt lở mỏ ngọc Myanmar khiến 166 người chết

Thứ sáu, 03/07/2020, 16:48 (GMT+7)

Theo số liệu mới được Sở cứu hỏa Myanmar cập nhật, tính đến sáng nay, số người chết sau vụ sạt lở mỏ ngọc bích tại bang Kachin đã lên đến 166.

"Các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đã được nối lại vào sáng nay và có thêm 4 thi thể được tìm thấy", một quan chức đến từ lực lượng cứu hỏa thị trấn Hpakant cho biết. Theo thông báo của Sở, vụ việc đã khiến 54 người bị thương và đang được điều trị tại bệnh viện thị trấn. Những cơn mưa lớn dai dẳng đã gây ra lở đất tại một mỏ ngọc bích ở làng Sate Mu, thuộc thị trấn Hpakant vào lúc 8h (giờ địa phương) sáng 2/7.

Maung Khaing, một thợ mỏ 38 tuổi ở khu vực này cho biết anh đã nhìn thấy một đống rác thải cao ngất sắp đổ và chuẩn bị chụp ảnh thì nghe thấy mọi người hét lên "chạy, chạy!". "Trong vòng một phút, tất cả những người ở dưới cùng (của núi rác) đã biến mất", anh nói với Reuters. "Tôi cảm thấy trống rỗng trong lòng, nghĩ lại vẫn còn nổi da gà... Những người bị mắc kẹt trong bùn kêu cứu nhưng không ai có thể giúp họ".

Than Hlaing, một thành viên của nhóm xã hội dân sự địa phương đang giúp đỡ dọn dẹp thảm họa cho biết những người thiệt mạng là lao động không chính thức đang nhặt rác thải từ một công ty khai thác lớn thải ra. "Không có hy vọng nào cho các gia đình nhận được bồi thường bởi họ là người khai thác tự do. Tôi không thấy bất cứ con đường nào thoát khỏi vòng tròn này. Mọi người chấp nhận rủi ro, đi vào bãi rác vì họ không có lựa chọn nào khác".

Thi thể của hơn 120 thợ mỏ được đưa ra khỏi biển bùn sau vụ sạt lở ở miền bắc Myanmar ngày hôm qua. Ảnh: Getty

Global Witness, cơ quan giám sát môi trường có trụ sở tại London cho biết vụ tai nạn này "là một bản cáo trạng nguy hiểm về sự thất bại của chính phủ trong việc kiểm soát hoạt động khai mỏ vô trách nhiệm và liều lĩnh tại các mỏ ngọc bích ở bang Kachin".

"Chính phủ nên đình chỉ ngay lập tức hoạt động khai mỏ quy mô lớn, bất hợp pháp và nguy hiểm tại Hpakant và dảm bảo các công tham gia vào hoạt động này không còn có thể hoạt động", tổ chức này tuyên bố. Sạt lở nghiêm trọng là phổ biến tại các mỏ ở Hpakant, các nạn nhân thường thuộc những cộng đồng nghèo. Họ phải mạo hiểm sinh mạng của mình để đi săn đá quý màu xanh.

Lãnh đạo Myanmar, bà Aung San Suu Kyi cam kết sẽ làm sạch ngành công nghiệp này khi lên nắm quyền năm 2016 nhưng các nhà hoạt động nói không có mấy thay đổi. Doanh số chính thức của ngọc bích tại Myanmar trị giá 750,4 triệu USD năm 2016-2017, theo dữ liệu của chính phủ. Nhưng các chuyên gia tin rằng giá trị thực sự còn cao hơn. Ước tính chi tiết nhất về ngành công nghiệp ngọc bích Myanmar cho biết nó tạo ra khoảng 31 tỷ USD trong năm 2014.

Các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của miền bắc Myanmar, gồm ngọc, gỗ, vàng và hổ phách cũng giúp tài trợ cả 2 bên trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua giữa dân tộc Kachin và quân đội.

Tính đến ngày hôm nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 166 nạn nhân tử vong sau vụ sạt lở. Ảnh: 9News

Theo tin trước đó, khoảng 200 người đã bị vùi lấp khi vụ sạt lở xảy ra. Ảnh: laht

Số người chết theo dự kiến sẽ còn gia tăng. Ảnh: Sở cứu hỏa Myanmar

Tai nạn sạt lở thường xảy ra tại những mỏ ngọc bích không đảm bảo an toàn tại Myanmar. Ảnh: IWS

Nạn nhân là những lao động tự do, mạo hiểm cả mạng sống để vào nhặt rác mà những công ty khai mỏ lớn thải ra. Ảnh: Leafypage

Bạn bè, người thân đến gần thi thể các nạn nhân. Ảnh: EPA

Lực lượng cứu hộ sử dụng những cây sào để đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống bùn. Ảnh: AP

Một nhân chứng cho biết những nạn nhân đã hét lên cầu cứu nhưng không ai có thể cứu họ. Ảnh: Shutterstock

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news