Sau clip búp bê của Youtuber Thơ Nguyễn, Cộng đồng mạng dần để ý hơn trên nền tảng tik tok và nhận thấy rằng có rất nhiều Tiktoker khác cũng đăng tải clip về Tử vi, xin vía tâm linh,.. tương tự. Điều này đồng nghĩa với sự xuất hiện của rất nhiều “thầy phán” online.
Các lá số tử vi được “phán” như thật, về chuyện sức khỏe, học hành, tình duyên,.. với cái kết thường là kêu gọi người xem giải hạn, làm lễ với châm ngôn "lấy cái tâm làm đầu" và bấm theo dõi để nhận được clip nóng nhất liên quan.
Đáng nói là những clip như vậy lại nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng mà đa phần là những rất trẻ, sinh năm từ 1997 đến 2006. Thậm chí còn xuất hiện cả những hế hệ khác nhỏ hơn. Số lượt tim dành cho những clip như vậy lên tới hàng vài trăm nghìn với lượt theo dõi khủng.
Để thu hút người dùng, chủ các kênh này đều tận dụng chiêu trò, đánh trúng tâm lý tò mò, thiếu hiểu biết để chuộc lợi. Theo Zing đăng tải, Văn Khải - chuyên gia truyền thông từ Seaevent nhận định: "Tiktok không có cơ chế gắn nhãn nội dung theo lứa tuổi. Vì không gắn nhãn nên họ đồng thời cũng không chặn truy cập hay buộc đăng nhập để xem nội dung dành cho người lớn".
Điều này khiến bất kì ai cũng có thể xem mọi nội dung trên TikTok, ngay cả nhóm đối tượng không được phép sử dụng nền tảng này. Việc thường xuyên tiếp xúc với clip tiêu cực có thể ảnh hưởng tới em nhỏ đang ở độ tuổi chưa vị thành niên, còn đang hoàn thiện nhận thức.
Chia sẻ trên Doanh nghiệp và Tiếp thị, Ths.Bs nội trú Nguyễn Viết Chung, Giảng viện bộ môn tâm thần - tâm lý lâm sàng, Đại học Y Dược (Đại học Quốc Gia Hà Nội), bác sĩ khoa Quốc tế, Bệnh viện E cho biết: "Đứa trẻ nếu tiếp xúc với những nội dung mê tín có thể khiến sau này trẻ sẽ mê tín quá mức". Bởi vậy, phụ huynh cần chủ động bảo vệ con cái của mình khỏi những nội dung không phù hợp, độc hại.