Bất chấp mọi nỗ lực từ nhiều phía, cuộc nội chiến Syria vẫn tiếp diễn dai dẳng. Đau thương nó gây ra cho người dân Syria ngày càng chồng chất. Dưới đây là 5 lý do khiến cuộc chiến này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
Hình ảnh bé Omran Daqneesh, 5 tuổi, bị thương trong cuộc chiến tại thành phố Aleppo, Syria đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Bức ảnh chụp cậu bé Omran ngồi đờ đẫn trong xe cứu thương gây xúc động cả thế giới. Ảnh: AP |
Hình ảnh cậu bé bị bao phủ bởi bụi bặm, máu me nhanh chóng lan đi sau khi được các nhà báo Syria tại Trung tâm truyền thông Aleppo công bố. Cậu bé ngồi trong xe cứu thương, vò đầu và kinh ngạc khi thấy máu dính trên ngón tay.
Omran là một trong vô số người thương vong trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm nay: hàng trăm người đã thiệt mạng, hàng triệu người tị nạn đã tràn sang các nước láng giềng và hàng triệu người bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng nhân đạo. Tuy nhiên, cuộc chiến ấy vẫn tiếp tục. Bất chấp những nỗ lực lặp đi lặp lại trong lệnh ngừng bắn lâu dài và thế giới phẫn nộ trước những hình ảnh bi kịch như của cậu bé Omran, không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến này sẽ chấm dứt.
Dưới đây là lý do:
Syria bị phân chia không thể hàn gắn
Cuộc chiến, bắt đầu từ tháng 3/2011 bằng cuộc đàn áp của lực lượng chính phủ Syria đối với những người biểu tình bất bạo động, đã dẫn tới cuộc xung đột giữa người Sunni đa số với tộc người thiểu số Allawite. Những người Allawite đã liên kết với những tộc người Sunni, người Kurd và Kito hữu khác. Không nhóm chiến binh nào cho thấy việc sẵn sàng ngừng chiến đấu khi không có được thắng lợi hoàn toàn.
Sự phân chia rõ ràng nhất ở Aleppo, từng là thành phố đông dân nhất Syria. Quân đội chính phủ Syria đã kiểm soát phần phía tây của thành phố này, chiến đấu cùng lực lượng người Kurd. Phía đông do quân nổi dậy Ả Rập Sunni kiểm soát. Cuộc chiến tranh giành quyền lực đã khiến thành phố này bị vùi trong đống đổ nát, 2 triệu dân thường tuyệt vọng vì thiếu thực phẩm, nước và thuốc men.
Theo ông Fabrice Balanche, một thành viên thỉnh giảng tại Viện Chính sách Cận Đông Washington, mặc dù các khu vực khác của Syria vẫn thống nhất nhưng Aleppo nằm ở phía tây bắc là rất quan trọng. "Đây là chìa khóa dẫn đến cuộc nội chiến Syria bởi nếu chính quyền mất Aleppo, điều đó có nghĩa là không còn cơ hội để giữ cho Syria thống nhất. Nếu chính quyền còn kiểm kiểm soát được thành phố này, họ sẽ kiểm soát toàn bộ miền bắc Syria", ông Balanche nói.
Không phe nào đủ mạnh để chiến thắng
Quân chính phủ đã không thể kiểm soát toàn bộ Aleppo vì Quân đội Ả Rập Syria trung thành với Tổng thống Bashar Assad đang kiệt quệ sau nhiều năm chiến đấu và đảo ngũ, theo Chris Harmer, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington. "Quân đội Ả Rập Syria không đủ nhân lực để duy trì một cuộc bao vây thành phố cỡ như Aleppo. Quân nổi dậy có thể phát động một cuộc phản công", ông Harmer nói.
Còn phía quân nổi dậy, mặc dù có những chiến binh rất ngoan cường nhưng lại thiếu lực lượng không quân và phòng không để phản công lại các cuộc không kích của Nga và Syria. Những cuộc tấn công này đã giáng xuống những khu vực dân sự, các đoàn xe và nhân viên của quân nội dậy.
Các cường quốc bên ngoài kéo dài cuộc xung đột
Cả lực lượng của ông Assad lẫn quân nổi dậy Syria đều có những đồng minh mạnh mẽ cung cấp cho họ vũ khí, viện trợ.
Ngày 16/8, Nga bắt đầu tiến hành các cuộc không kích từ một căn cứ ở phía tây Iran. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ Iran để cho một đội quân nước ngoài sử dụng các căn cứ quân sự của mình. Động thái này cho thấy cam kết giúp ông Assad thắng thế của 2 nước.
Một năm trước, Tổng thống Syria dường như bị thất thế khi quân nổi dậy phá hủy nhiều xe tăng của ông bằng những tên lửa chống tăng TOW do Mỹ sản xuất. Các vũ khí này do những đồng minh của Mỹ ở Vịnh Ba Tư cung cấp. Nga đã xoay chuyển tình thế cuộc chiến sao cho có lợi cho ông Assad bằng chiến dịch không kích mà họ nói là chống "khủng bố". Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng mục tiêu của Nga là lực lượng đối lập được Mỹ hỗ trợ.
Iran đã cung cấp kinh phí và tổ chức lực lượng dân quân người Shiite từ Afghanistan, Pakistan, Iraq và Lebanon để hỗ trợ thên hàng ngàn binh sĩ cho lực lượng chiến đấu cạnh ông Assad.
Các phe phái nổi dậy khác nhau được Jordan, Ả Rập Saudi, Qatar, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ, theo ông Ryan Crocker, một cựu đại sứ Mỹ tại Lebanon, Syria và Iraq, hiện dang là hiệu trưởng trường Dịch vụ Công và Chính phủ George Bush tại ĐH Texas A&M.
Ông Crocker cho rằng sự cạnh tranh tôn giáo giữa Ả Rập Saudi - do người Sunni chiếm đa số và Iran - do người Shiite dẫn đầu "là một phần trong toàn bộ vấn đề của khu vực. Giữa các vùng biển nóng của khu vực, có một cuộc chiến tranh lạnh đang bùng phát giữa Saudi và Iran".
IS và al-Qaeda đang làm phức tạp mọi thứ
Khi bắt đầu cuộc xung đột này, Tổng thống Obama đã ủng hộ quân nổi dậy ôn hòa chống lại ông Assad - người bị nước Mỹ cáo buộc phạm tội ác chiến tranh chống lại người dân. Những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo IS kiểm soát những khu vực rộng lớn ở vùng nông thôn Syria. Những phần tử của nhóm nổi dậy Quân đội Syria Tự do (FSA) đang liên kết với tổ chức khủng bố Nusra Front (một nhánh của al-Qaeda tại Syria).
Theo ông Matthew McInnis, một chuyên gia tại Viện Doanh nghiệp Mỹ thì: "Sẽ rất khó để Mỹ phát triển một chiến lược phù hợp sao cho vừa hỗ trợ quân nổi dậy lại vừa chống được IS".
Ông Obama đang trong một mớ bòng bong bởi lực lượng nổi dậy dường như đang bị những kẻ cực đoan chi phối. Điều này khiến những tuyên bố của ông Assad, Nga và Iran - họ đang chiến đấu chống khủng bố - trở nên hợp lý.
Không có thỏa thuận quốc tế nào về những gì sắp tới
Mỹ và các đồng minh của họ cũng như Syria, Nga và Iran đã tìm cách đạt được một giải pháp chính trị trong các cuộc đàm phán ở Geneva. Đặc phái viên của Syria tại Liên hợp quốc, Steffan de Mistura, đã chủ trì nhiều thỏa thuận ngừng bắn cũng như cứu trợ nhân đạo. Nhưng tất cả đều bị sụp đổ hoặc không bao giờ được thực hiện. Nỗ lực mới đình chiến mới nhất để gửi hàng cứu trợ cũng đã thất bại hôm 18/8.
Các thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Syria và quân nổi dậy đã bế tắc về vai trò của ông Assad đối với quá trình chuyển đổi và thành phần phe nổi dậy tham gia vào các cuộc đàm phán. Ông Assad và đồng minh của mình cứ khăng khăng đòi ông ở lại. Quân nổi dậy và Mỹ lại muốn ông ấy ra đi.
"Cái gọi là tiến trình Geneva hoàn toàn vô ích", ông Crocker cho biết.
[mecloud] Tt3q57OoHw[/mecloud]
Bảo Linh (USA Today)