Việc đánh đập bắt đầu ngay sau khi họ bị bắt và họ tiếp tục tại một "bữa tiệc chào đón" tại trung tâm giam giữ này.
Một "bữa tiệc chào đón" trong nhà tù Syria. Ảnh: Tổ chức Ân xá Quốc tế |
Đó là thuật ngữ mà hàng chục tù nhân Syria dùng để mô tả những gì họ phải ứng chịu trong các nhà tù của Syria.
Một nhóm cai ngục thường xuyên đánh đập bằng các dụng cụ như thanh và ống nhựa để trừng phạt những tù nhân chống đối lại chính quyền Bashar al-Assad, theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế - It breaks the human’: Torture, disease and death in Syria’s prisons.
Sự trừng phạt này là một dấu hiệu cho thấy sự tra tấn nhiều hơn.
Những gì mà các tù nhân trải qua được nêu chi tiết trong một báo cáo mới. Theo đó, có khoảng 17.723 người đã chết trong tù tại Syria kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng 3/2011 - nghĩa là trung bình có hơn 300 người chết mỗi tháng.
Ước tính trên dựa vào các báo cáo từ 4 tổ chức điều tra về những cái chết tại Syria từ ngày 15/3/2011 đến ngày 31/12/2015. Từ những vụ việc đó, Nhóm phân tích Dữ liệu Nhân quyền (HRDAG) đã xác định có 12.270 trường hợp đầy đủ thông tin để xác nhận bị chết trong tù.
Sử dụng một phương pháp thống kê để ước tính xem có bao nhiêu nạn nhân mà họ còn chưa biết đến, nhóm đưa ra con số 17.723 trường hợp.
Nhưng nhóm này tin rằng đó vẫn là một đánh giá thấp, dựa trên tiêu chí đã được sử dụng để xác định một người bị giết trong trại giam. CNN đã cố gắng tiếp cận chính phủ Syria để xin ý kiến về vụ việc này.
Nhà tù – công cụ phạm tội
Tổ chức Ấn xá Quốc tế và các nhóm nhân quyền khác từ lâu đã biết về việc tra tấn xảy ra trong các nhà tù của chính phủ Syria. Các báo cáo về việc cơ quan chức năng Syria sử dụng vũ lực để chế ngự những người bất đồng quan điểm có từ thời cha ông al-Assad, Hafez al-Assad, từ những năm 1980.
Theo lời kể của những người sống sót, bản báo cáo đã vạch trần những điều kiện bên trong các cơ sở giam giữ.
"Trong nhiều thập kỷ, lực lượng chính phủ Syria đã dùng tra tấn như một phương tiện để đàn áp đối thủ. Ngày nay, nó được thực hiện như một phần của cuộc tấn công có hệ thống và phổ biến, chống lại bất cứ ai bị nghi chống đối chính phủ và nhiều tới mức hình thành tội ác chống lại nhân loại", Philip Luther, Giám đốc Chương trình Bắc Phi và Trung Đông của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết.
Hầu hết những người này bị 4 chi nhánh của lực lượng an ninh Syria bắt giữ, gồm: Tình báo không quân, Tình báo quân sự, Tình báo chung và An ninh chính trị. Họ bị đưa đến những nơi giam giữ của chi nhánh. Tổ chức Ân xá cho biết sau khi trải qua phiên xét xử trước một tòa án chống khủng bố - quá trình "không công bằng trắng trợn" - nhiều người sẽ bị chuyển đến nhà tù Quân sự Saydnaya khét tiếng.
Báo cáo bao gồm một đoạn video dựng lại nhà tù Saydnaya dựa trên ký ức của những người sống sót về điều kiện khắc nghiệt bên trong.
"Tại Saydnaya, kiến trúc nhà tù nổi bật lên không chỉ như một nơi tra tấn mà còn là một công cụ phạm tội", Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết trong một video.
[mecloud]sXB9Tqb5Xc[/mecloud]
Cha chứng kiến con trai bị cưỡng hiếp
Báo cáo tập trung vào những trải nghiệm của 65 người sống sót trong đó có 54 đàn ông, 11 phụ nữ. Họ được tổ chức Ân xá phỏng vấn từ thán 12/2015 đến tháng 5/2016.
7 người là thành viên của quân đội Syria hoặc hỗ trợ quân sự tại thời điểm bị bắt giữ.
Những người còn lại là dân thường, không tham gia vào bất cứ hoạt động quân sự nào theo như Tổ chức Ân xá được biết. Họ làm các công việc phổ biến trong xã hội Syria như: kế toán, luật sư, giáo viên, các học giả, sinh viên, kỹ sư, thợ điện, kiến trúc sư, chủ doanh nghiệp, quản lý phòng tập gym, trợ lý bán hàng, nhà văn, nhà báo, diễn viên, họa sĩ, nhân viên tổ chức NGO, người bảo vệ nhân quyền, nông dân và những lao động theo ngày.
Họ mô tả sự tra tấn không ngừng trong thời gian bị thẩm vấn để lấy "những lời thú tội" hoặc các thông tin khác. Mà có khi chỉ đơn giản là sự trừng phạt.
Một số tù nhân bị rút móng tay, móng chân, một số người khác bị dội nước sôi hoặc bị dí thuốc lá đang cháy để gây bỏng.
Các phương pháp tra tấn phổ biến là "dulab" - dùng vũ lực để vặn xoắn cơ thể nạn nhân vào trong một cái lốp cao su và "falaqa" - đánh vào lòng bàn chân, đã được các tổ chức nhân quyền khác ghi nhận.
Một phụ nữ nói với Tổ chức Ân xá Quốc tế rằng cô không thể chịu đựng được khi trải qua falaqa.
"Tôi đã phải nằm trên sàn để tắm", cô nói.
Việc sử dụng hình thức sốc điện - vốn được ghi nhận rộng rãi ở các cơ sở giam giữ tại Syria - đã được nhiều người kể lại. Trong một số trường hợp, những người sống sót đã bị sốc điện khi đứng trong nước. Có người thì bị dí dây điện vào người.
"Tôi bắt đầu chảy máu như đến kỳ. Thật khó lý giải cảm giác đó như thế nào. Miệng, mũi đều tái xanh và bạn ngất đi. Quá đau đớn", một phụ nữ chia sẻ.
"Hãy tưởng tượng cảm giác khi bạn bị sốc điện nhưng kinh khủng hơn gấp 10 lần và kéo dài 30 giây. Cảm giác đó như vậy", một người đàn ông nói.
Đàn ông và phụ nữ cũng đã báo cáo bị hiếp dâm, bạo lực tình dục nhiều lần.
Một người đàn ông bị còng tay, treo lên trần nhà, bị kín mặt. Cai ngục dùng một dùi cui điện đánh vào "cậu nhỏ" sau đó nhét nó vào hậu môn của anh ta.
"Đây là lần đầu tiên tôi bị hiếp dâm. Một trong những cai ngục khi ấy đã đòi xem mặt tôi mà tôi đã nhìn thấy cha mình ở đó. Ông ấy đã chứng kiến tất cả", một người đàn ông nói.
Bị ép chết trong tù
Một số người sống sót phát hiện ra họ bị giam giữ do những lời thú tội mà họ cung cấp khi bị tra tấn. Sau khi bị giam trong một nhà lao cùng một người bạn, một người đàn ông phát hiện ra người kia đã khai ra ông và gia đình ông cho chính quyền.
"Ban đầu, tôi thấy khó chịu với anh ta nhưng sau đó tôi đã tha thứ cho anh ấy khi hiểu được nỗi đau mà anh ấy phải trải qua".
Những cựu tù nhân cũng liệt kê ra hàng loạt kiện kiện vô nhân đạo trong tù: bị biệt giam dài ngày, quá tải trong các hòng giam, không được tiếp cận chăm sóc y tế đầy đủ, thiếu thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Các phòng giam có diện tích từ 3x2 m đến 3x3 m và thường giam từ 28-50 người ở bất cứ đâu. Mọi người phải thay phiên nhau ngủ, những người sống sót nói.
"Nó chẳng khác gì ở trong căn phòng của người chết. Họ đang cố khiến chúng tôi chết trong đó".
Chính vì điều kiện sống kinh khủng như vậy nên việc chết trong tù khá phổ biến.
Số người chết trong tù chính xác không rõ bởi thường thì không biết họ bắt đầu bị giam ở đâu. Nếu gia đình biết được số phận của người thân, thì thường là tin không đầy đủ hoặc không chính xác.
"(Sau khi nạn nhân chết) Các cai ngục tới, yêu cầu tất cả các tù nhân xác định cai ngục có hỗ trợ sau khi ông ta bắt đầu chảy máu để họ viết vào báo cáo là đã cố cứu mạng người", một người kể lại những gì mình chứng kiến.
"Chúng tôi phải lau sạch máu trong buồng giam. Một người bạn của tôi sau đó nói họ đã ép bố mẹ anh ta ký giấy chứng tử nói anh ấy bị khủng bố bắn chết trên đường về nhà sau khi được thả".
Bảo Linh (CNN)