“Hệ thống nhập liệu bằng cử chỉ dựa trên giao thoa kế tự trộn (self-mixing interferometry), bao gồm thiết bị đeo hoặc cầm tay”, đây chính là tên bằng sáng chế mà Apple mới được cấp, PhoneArena đưa tin.
Theo đó, bằng sáng chế này ám chỉ nhiều loại thiết bị, trong đó có chiếc nhẫn đeo tay, được gắn chip xử lý riêng và một hoặc nhiều cảm biến SMI.
SMI có thể ghi nhận thông tin về môi trường xung quanh, hình ảnh kỹ thuật số cho thiết bị được gắn với nó. Bộ phận này là loại cảm biến quang học, phát ra chùm tia laser lên vật thể hoặc bề mặt rồi phản xạ lại cảm biến.
Bằng sáng chế này cũng đã mô tả cách hoạt động của cảm biến SMI. Trong đó có ghi rõ, cảm biến này phát ra chùm tia theo nhiều hướng khác nhau để trích xuất thông tin xung quanh vỏ nhẫn và bề mặt thứ 2. PhoneArena cho biết, “bề mặt thứ 2” được cho là khi người đeo cầm bút cảm ứng Apple Pencil, hoặc đeo 2 chiếc nhẫn cọ sát vào nhau.
Càng có nhiều cảm biến SMI, nhẫn càng có thể xác định chuyển động rõ ràng hơn. Với 1 cảm biến SMI, nhẫn xác định chuyển động người dùng theo trục của chùm tia laser. Với 2 cảm biến SMI, nhẫn có thể đọc chuyển động theo không gian 2 chiều. Tương tự như vậy, với 3 cảm biến SMI trở lên, nhẫn có thể xác định chuyển động của người đeo trong không gian 3 chiều rõ nét.
Chiếc nhẫn có thể theo dõi chuyển động tay, có khả năng điều khiển, vẽ trên thiết bị bằng cách vẫy tay mà không cần sử dụng Apple Pencil nhờ khả năng lập bản đồ 3D. Nhẫn cũng được pin, cảm biến xúc giác và các thành phần khác cho người dùng, không khác gì một chiếc iPhone.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên mà Apple rò rỉ thông tin về bằng sáng chế nhẫn thông minh. Apple đã từng nộp bằng sáng chế của “nhẫn điển tử đeo được” vào năm 2019, cho phép điều khiển và sử dụng iPhone, iPad mà không cần chạm vào chúng, tuy nhiên, sản phẩm chưa từng được bán ra thị trường.