Mới đây, vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo đã có bản án phúc thẩm với nội dung Tòa án tuyên bố hai vợ chồng ly hôn, giao toàn bộ Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, tự chuyển đổi cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo ra bằng tiền.
Mới đây, vào tối ngày 9/12, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã ra thông báo khẳng định được các luật sư khuyên nên làm ngay các thủ tục pháp lý để đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án này.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho hay các luật sư của bà đã đưa ra 6 chứng cứ cụ thể gồm: Thứ nhất, ngay trước thời điểm mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án ly hôn, bà Thảo đã có gửi đơn đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM thay đổi thành phần HĐXX. Đại diện Viện Kiểm sát cũng có ý kiến đề nghị HĐXX xem xét đơn yêu cầu trên. Tuy nhiên, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Hữu Ba – Chủ tọa phiên tòa – khẳng định không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu trên.
Vụ ly hôn của Lê Hoàng Diệp Thảo và Đặng Lê Nguyên Vũ tốn nhiều giấy mực của báo giới. Ảnh: Internet
Thứ hai, như phía bà Diệp Thảo đã từng nhiều lần lên tiếng khi cho rằng trong quá trình tố tụng có những vi phạm có dấu hiệu của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, như:
Ngày 22/5/2017, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân (Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) ban hành quyết định tách hồ sơ vụ án số 42/2017/QĐST-DS (QĐ số 42), với nội dung: Tách yêu cầu chia toàn bộ cổ phần và các quyền tài sản trong Công ty Trung Nguyên International tại Singapore để giải quyết trong một vụ kiện khác.
Đến ngày 7/7/2017, Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 61/2017/QĐST-DS (QĐ số 61) để hủy QĐ số 42. Sau đó, ngày 14/7/2017, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là bà Lê Thị Ước, bà Đặng Thị Mai Thùy có đơn khiếu nại, đề nghị Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hủy QĐ số 61 (ông Vũ không khiếu nại QĐ số 61).
Ngày 28/9/2017, Phó Chánh án Lý Khánh Hồng ban hành quyết định số 01/2017/QĐ-HN-GĐKTIII (QĐ số 01) để chấp nhận khiếu nại của bà Ước, bà Thùy hủy QĐ số 61”.
Ngày 23/8/2018, Chánh án TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành quyết định số 05/2018/QĐ-GQKN-TACC (QĐ số 05), theo đó giữ nguyên QĐ số 61 của Chánh án TAND thành phố Hồ Chí Minh. Phần nơi nhận của QĐ số 05 xác định có gửi đến Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, TAND TP Hồ Chí Minh; các đương sự...
Mặc dù vậy, QĐ số 05 đã bị bỏ ra ngoài hồ sơ, tại trang 37 và 38 của bản án sơ thẩm có nội dung “1.9 – Về yêu cầu giải quyết đối với tài sản là cổ phần của vợ chồng trong Công ty TNHH Trung Nguyên International, Chánh án TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ban hành QĐ số 01 hủy QĐ số 61 của Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh và giữ nguyên QĐ số 42 của TAND TP Hồ Chí Minh và quyết định này là quyết định cuối cùng. Vì vậy vụ án sẽ được giải quyết bằng vụ kiện khác là có căn cứ”.
Sau đó, Bản án sơ thẩm số đã căn cứ vào QĐ số 42 và QĐ số 01 để tách yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong Công ty Trung Nguyên International thành một vụ kiện khác là có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Bởi lẽ, trước ngày xét xử và tuyên án 27/3/2019, thì QĐ số 01 đã bị QĐ số 05 ban hành ngày 23/8/2018 thay thế và không còn có hiệu lực pháp luật.
Thứ ba, cả 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều không định giá cổ phần và phần vốn góp. Bản án sơ thẩm đã quyết định về tài sản chung là cổ phần và phần vốn góp. Như vậy, đối tượng tài sản để chia là cổ phần và phần vốn góp. Từ khi thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án, chưa có văn bản tố tụng nào thể hiện các bên thỏa thuận về giá cổ phần và phần vốn góp; Chưa có kết luận định giá cổ phần và phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng.
"Đây là sự thật khách quan, bởi lẽ Tòa án chỉ định giá các công ty, mà Công ty là pháp nhân (một chủ thể của quan hệ pháp luật) - không phải là tài sản chung để chia. Đặc biệt nghiêm trọng là tước đoạt toàn bộ số cổ phần và phần vốn góp mà bà Thảo đang đứng tên sở hữu, buộc bà Thảo phải giao cổ phần cho ông Vũ; buộc bà Thảo phải nhận tiền", phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo lên tiếng.
Thứ tư, bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên chia số tài sản là tiền, ngoại tệ, vàng mà bà Thảo giao dịch qua tài khoản trong khoảng thời gian từ tháng 03/2012 – 02/2016 có tổng giá trị 1.764 tỷ đồng, trong khi tại thời điểm xét xử sơ thẩm, số dư trên các tài khoản Ngân hàng là 0 đồng, tức là tài sản không còn hiện hữu.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Thảo một lần nữa đã khai rõ, số tiền, vàng và ngoại tệ không phải là tài sản riêng, cũng không phải là tài sản chung của vợ chồng. Đồng thời, đã cung cấp cho Tòa các tài liệu chứng cứ để chứng minh nguồn gốc của số tiền, cũng như chứng minh rõ việc Tòa cấp sơ thẩm xác minh số tiền trong các tài khoản này đứng tên của người khác. Tuy nhiên, HĐXX vẫn chấp nhận chia số tiền này như cấp sơ thẩm, tuyên ông Vũ được hưởng theo tỷ lệ 60% trong khối tài sản này.
Thứ năm, phía bà Thảo cho rằng dù ông Vũ đã khẳng định “không có tài sản riêng trước hôn nhân, không được tặng cho tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân, số tiền góp vốn trong các công ty là lợi nhuận kinh doanh của các công ty trong quá trình hoạt động giữ lại”, nhưng không có chứng cứ của những người được ông Vũ ủy quyền tham gia phiên tòa để xác định công sức đóng góp của ông Vũ nhiều hơn. Do vậy, quyết định phân chia khối tài sản chung là cổ phần tại các công ty theo tỷ lệ ông Vũ 60%, bà Thảo 40% là hoàn toàn không chính xác, vi phạm Điều 29, 33 Luật Hôn nhân và gia đình.
Thứ sáu, phía bà Thảo cho rằng cả hai cấp Tòa phúc thẩm và sơ thẩm đều “vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan” khi tuyên buộc bà Thảo phải giao toàn bộ số cổ phần do bà Thảo đứng tên sở hữu và được phân chia theo tỷ lệ 60% - 40% cho ông Vũ.
“Việc Bản án sơ thẩm tuyên ông Vũ được quyền sở hữu toàn bộ số cổ phần do bà Thảo đứng tên sở hữu và phần được chia theo tỷ lệ 60% - 40% tại các Công ty trong Tập đoàn Trung nguyên (07 công ty) đã vi phạm nghiêm trọng các quy định được nêu trên, đồng thời đã vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của bà Thảo với tư cách là một cổ đông theo quy định tại các Điều 110, 114, 119, 126 Luật Doanh nghiệp 2015”.
Căn cứ vào những luận cứ này, các luật sư của bà Thảo đã đưa ra lời khuyên với bà nên làm ngay những thủ tục pháp lý để đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án này.