Theo báo cáo sơ bộ mới được công bố về thảm kịch MH17 của Ủy ban an toàn Hà Lan, nhiều khả năng máy bay của hãng Malaysia Airlines không hề bị trúng tên lửa như những suy đoán trước đó.
Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 11/9 dẫn lời ông Michel Chossudovsky, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa cho rằng, báo cáo sơ bộ do Ủy ban an toàn Hà Lan (DSB) công bố về vụ rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines ở miền Đông Ukraine cho thấy nó không bị tên lửa bắn hạ.
"Kết luận của báo cáo do DSB công bố xác nhận các báo cáo độc lập được đưa ra trước đó rằng chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines đã không bị tên lửa bắn hạ".
Ông Chossudovsky trích dẫn lại báo cáo của DSB, trong đó có đoạn: “Chiếc máy bay bị nhiều vật thể có động năng cao xuyên thủng từ bên ngoài. Cú va chạm đó khiến cấu trúc máy bay bị phá vỡ và nổ tung trên trời".
"Đoạn viết này đã phá tan các giả thuyết trước đây cho rằng máy bay bị tên lửa tấn công và đó là điều quan trọng" - ông Chossudovsky đánh giá.
Ông Chossudovsky cũng cho rằng báo cáo đã xác nhận tuyên bố trước đây của lãnh đạo một nhóm điều tra của tổ chức OSCE, người cho rằng vỏ máy bay có các vết thủng như do súng máy tạo ra".
Mảnh vỡ MH17 tại hiện trường máy bay gặp nạn ở miền Đông Ukraine
Vị chuyên gia này nói rằng báo cáo không nêu rõ tính chất của các vật thể chứa động năng cao đã xuyên vào máy bay.
"Chuyện này có liên quan tới một thỏa thuận giữa nhiều bên về việc không tiết lộ các chi tiết nhất định. Nhưng thông qua việc tuyên bố có một lượng lớn các vật thể mang động năng cao, báo cáo của Hà Lan đã nhấn mạnh rằng các vật thể này không có liên quan tới một vụ tấn công bằng tên lửa".
Chuyên gia Chossudovsky tin rằng, việc đổ lỗi cho Nga trong thảm kịch MH17 chỉ để hợp lý hóa hoạt động cấm vận chống lại Nga được kéo dài cũng như những cáo buộc chống lại Moscow từ Washington. Ông đánh giá các cáo buộc này là không đúng sự thực, đồng thời bác bỏ những giả thuyết trước đó của Mỹ.
"Có rất nhiều yếu tố chính trị đứng sau báo cáo này. Tuy nhiên nó vẫn bác bỏ cáo buộc nói rằng máy bay bị bắn hạ bởi một quả tên lửa đất đối không do quân Donbass được Nga ủng hộ bắn lên".
Ông nói rằng "một lượng lớn các vật thể có động năng cao" là cụm từ rất quan trọng, ám chỉ những viên đạn bắn ra từ một chiếc máy bay quân sự.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hiện trường khủng khiếp của vụ tai nạn
Trước đó, Ủy ban an toàn Hà Lan đã công bố báo cáo sơ bộ về MH17 sau thời gian dài điều tra. Theo báo cáo, MH17 đã vỡ tan giữa trời do hư hỏng cấu trúc sau khi bị nhiều vật thể chứa năng lượng lớn xuyên thủng từ bên ngoài.
Chuyến bay MH17 đang trên đường từ Amsterdam đến Kuala Lumpur đã gặp nạn hôm 17/7 tại vùng Donetsk, miền Đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Cuộc điều tra của DSB được thực hiện theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), một cơ quan đặc biệt thuộc LHQ . Báo cáo của DSB nói rằng mục tiêu duy nhất của cuộc điều tra là ngăn chặn các vụ tai nạn và sự kiện tương tự diễn ra.
DSB cũng cho biết báo cáo sơ bộ đã được chuyển cho các nước liên quan tới cuộc điều tra gồm Malaysia, Ukraine, Nga, Anh, Mỹ, Australia và họ đã nhận được phản ứng của các nước này về báo cáo. DSB không có quyền đổ lỗi hoặc quy trách nhiệm cho bất kỳ bên nào có liên quan trong vụ này.
Yên Yên (Nguồn: RIA Novosti)
Theo Người đưa tin