Mối quan hệ chiến lược đang phát triển của Việt Nam với Nga được kết nối chặt chẽ với mạch mỏ dầu phong phú tại một khu vực cạnh tranh cao. Đồng thời, Việt Nam cũng mang lại cho Nga vô số lợi ích trong khu vực kinh tế sôi động nhất thế giới.
Trang tin Russia beyond the headlines của Nga ngày 9/6 đã có một bài viết lý giải tại sao người Nga lại quay trở lại, hâm nóng quan hệ với Việt Nam. Chúng tôi xin lược dịch lại bài viết này.
“Quan hệ Việt-Nga dường như đã hạ nhiệt sau Chiến tranh Lạnh, giờ đây lại đang được hâm nóng trở lại. Hơn 20 năm sau khi Moscow rời bỏ căn cứ ở nước ngoài lớn nhất của mình, máy bay Nga một lần nữa được chào đón tại vịnh Cam Ranh.
Sự trở lại Việt Nam của Nga dự đoán sẽ đặt ra hồi chuông cảnh báo với Lầu Năm Góc. Mặc dù coi Mỹ là đối tác ngày càng quan trọng tại Đông Nam Á nhưng vị thế của Nga với Việt Nam cũng vẫn rất quan trọng.
Tại sao Việt Nam quan trọng với Nga
Nằm ở cửa ngõ đi vào Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Việt Nam cực kỳ quan trọng đối với Nga. Căn cứ không quân và hải quân thường trực tại Việt Nam giúp Hạm đội Thái Bình Dương của Nga giải quyết vấn đề khi phải đi qua những eo biển hẹp của biển Nhật Bẩn để tới Thái Bình Dương.
Trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra chiến lược xoay trục châu Á rất lâu thì Nga đã xoay trục sang hướng đông, tiến vào một số nước thân Mỹ như Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, Việt Nam mới là nơi mà Nga tập trung ngoại giao.
Việt Nam là một đất nước nhỏ bé nhưng có sức mạnh quân đội vô cùng to lớn. Đất nước Đông Nam Á này đã từng đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Sự dũng cảm kỳ diệu, chiến thuật thông minh và tinh thần chiến đấu quả cảm đã quyết định chiến thắng trong các cuộc chiến nhưng một yếu tố quan trọng đó là Việt Nam có những người bạn hùng mạnh.
Trong Chiến tranh Việt Nam, Nga đóng vai trò quan trọng trong phòng thủ của Việt Nam, cung cấp số lượng vũ khí lớn. Trong suốt cuộc chiến kéo dài 21 năm, Nga đã viện trợ cho Việt Nam 2 triệu USD mỗi ngày. Đổi lại, Việt Nam để Nga sử dụng miễn phí căn cứ Cam Ranh. Căn cứ này là nơi các chiến đấu cơ MiG-23, máy bay tiếp dầu Tu-16, máy bay ném bom tầm xa Tu-95 và máy bay giám sát hàng hải Tu-142 đóng quân.
Cam Ranh trở thành căn cứ hải quan lớn nhất của Moscow bên ngoài châu Âu. Khoảng 20 tàu neo đậu tại đây mỗi ngày cùng với 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Căn cứ này đóng vai trò then chốt trong việc giúp Nga sẵn sàng đối mặt với lực lượng của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương trong chiến tranh Lạnh. Ví dụ, khi Hạm đội 7 của Mỹ tới vịnh Bengal để gây áp lực lên Ấn Độ trong cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan năm 1971 thì Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã có thể nhanh chóng diều động tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến tới bảo vệ Ấn Độ.
MiG 21 tại Việt Nam |
Việt Nam là khách hàng vũ khí lớn của Nga
Mặc dù sự hiện diện quân sự của Nga đã giảm đi nhưng mối quan hệ Việt – Nga vẫn tiếp tục được củng cố. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động khiêu khích tại Biển Đông, Nga đã bán cho Việt Nam 24 máy bay Su-30 và đến cuối năm 2015, không quân Việt Nam sẽ có 36 chiếc Sukhoi.
Trong năm 2009, Hải quân Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm lớp Kilo và ký thỏa thuận xây dựng căn cứ tàu ngầm tại vịnh Cam Ranh trị giá 3,2 tỷ USD với Nga.
Ngoài ra còn hợp đồng mua 50 tên lửa hành trình siêu thanh Klub dành cho hạm đội tàu ngầm lớp Kilo giúp Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại Đông Nam Á trang bị tên lửa tấn công mặt đất cho lực lượng tàu ngầm của mình.
Tàu ngầm Nga được trang bị tên lửa Klub dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất cứ cuộc xung đột nào tại Biển Đông. Theo một nhà phân tích, các tên lửa hành trình tấn công mặt đất đánh dấu một “sự thay đổi lớn” trong năng lực của hải quân Việt Nam.
Trong khi các tàu ngầm vẫn đang được xây dựng thì cả Nga và Ấn Độ hiện đang phụ trách đào tạo cán bộ làm việc trên tàu cho Việt Nam.
Vào năm 2011, Hải quân Việt Nam đã mua lại 2 tàu khu trục tàng hình tên lửa dẫn đường lớp Gepard của Nga trị giá 300 triệu USD. Đến năm 2017, Việt Nam dự kiến sẽ có 6 tàu Gepard. Các tàu này được trang bị cho các cuộc tấn công bề mặt, tác chiến chống ngầm và phòng không.
Ngoài ra, Hải quân Việt Nam còn mua 4 tàu tuần tra cao tốc lớp Svetlyak được trang bị tên lửa chống tàu, 12 tàu khu trục và tàu hộ tống xuất sứ từ Nga, 2 tàu tấn công nhanh tên lửa lớp Molniya được Nga hỗ trợ xây dựng, dự kiến có thêm 4 chiếc nữa vào năm 2016.
Việt Nam cũng đã mua các radar tiên tiến, 40 tên lửa Yakhont và 400 tên lửa chống tàu Kh-35 Uran, tên lửa hành trình chống tàu Kh-59MK, tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 (AA-11 Archer), 200 tên lửa đất đối không SA-19 Grison, 2 hệ thống tên lửa đất đối không S-300, radar thụ động chống máy bay tàng hình VERA và 2 hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion.
Góc độ kinh tế
Theo một báo cáo của Alena Vysotskaya G.Vieira và Laura C.Ferreira-Pereira đến từ học viên Phuc Thi Tran ở Bồ Đào Nha, “Việc giành được các khả năng quân sự rất quan trọng, không chỉ đơn thuần là vì các tính toán chiến lược và quốc phòng mà còn có chức năng quan trọng trong việc bảo vệ cả lợi ích kinh tế và an ninh trong việc khám phá các giếng dầu tại Biển Đông. Khía cạnh sau này đặc biệt quan trọng vì vai trò của Nga đã được khơi dậy. Thật vậy, việc khai thác do Việt Nam tiến hành đã có sự tham gia của Nga”.
Trong khi quốc phòng thu hútđược sự chú ý của truyền thông thì năng lượng là lĩnh vực duy nhất thể hiện sự hợp tác lớn mạnh nhất trong quan hệ Việt – Nga. Liên doanh Vietsovpetro đã tạo ra khoản lợi nhuận khổng lồ cho cả 2 nước. Tập đoàn này đã sản xuất hơn 185 triệu tấn dầu thô và hơn 21 tỷ mét khối khí đốt từ các mỏ dầu ở Biển Đông. Gần 80% dầu khí của Việt Nam đến từ Vietsovpetro và thu nhập tương ứng 25% GDP.
Nga cũng đầu tư đáng kể vào các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, giao thông, bưu điện, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá của Việt Nam. Các dự án này dã dẫn tới những “sản phẩm phụ khác” – ấn tượng với lợi nhuận mà các tập đoàn của Nga thu được, hàng loạt các tập đoàn quốc tế lớn như Mobil, BP, TOTAL đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.
Quan hệ quốc phòng vững mạnh giữa 2 nước cho phép Việt Nam có được thiết bị quân sự hiện đại và khả năng thăm dò dầu khí tiến bộ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Việc hợp tác với Việt Nam cũng giúp Nga lấy lại được ảnh hưởng về kinh tế và chính trị trước các cường quốc mới nổi tại khu vực năng động nhất hành tinh”.
Bảo Linh (Theo rbth)