Mùa đông ở Bắc Kinh rất lạnh, mặt nước sẽ đóng băng, bề mặt băng rất dày, người ta có thể chơi đùa trên đó. Tuy nhiên, bên trong tử cấm thành có những vạc nước khổng lồ hơn 600 năm qua không hề đóng băng. Tại sao vậy?
Bên trong Tử Cấm Thành có khoảng 300 vạc nước khổng lồ, mỗi vạc chứa được 3.000 lít nước. Vào mùa đông, người ta sẽ khoác lên những vạc nước này lớp "quần áo" dày để giữ ấm. Chưa đủ, họ còn đun lửa ở bên dưới để nước không thể đóng băng. Tuy nghe có vẻ đơn giản nhưng với trình độ công nghệ và nhận thức lúc bấy giờ, đây là một phương pháp hiệu quả và nhanh chóng.
Nhiều người tò mò không biết tại sao phải ngăn không cho nước trong những vạc lớn này đóng băng. Thực tế, đây là những bồn nước được dùng để phòng cháy chữa cháy cho Tử Cấm Thành. Vào mùa đông, thời tiết hanh khô rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Nếu những bồn nước khổng lồ này bị đóng băng mà Tử Cấm Thành xảy ra hỏa hoạn thì tổn thất rất nghiêm trọng.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các công cụ phòng cháy chữa cháy trong Tử Cấm Thành ngày càng đầy đủ hơn. Hầu hết các vạc nước trên giờ đều dành cho khách du lịch tham quan. Một số người khi đến Tử Cấm Thành sẽ chạm tay vào những vạc nước này để cầu may.
Nhưng để đề phòng và bảo vệ kiệt tác nghệ thuật hùng vĩ này, dù được trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy tiên tiến thì thói quen xưa vẫn được duy trì. Để dập lửa kịp thời khi có cháy, người ta làm rãnh dưới chân vạc nước để đặt bếp than củi, giúp nước trong bồn không bị đóng băng. Ngoài ra, các nhân viên đặc biệt sẽ được bố trí để kiểm tra nước trong bể hàng ngày. Nếu nước đóng băng thì ngay lập tức sẽ có người đến đập tan băng.
Trong số này, 4 chiếc vạc lớn ở lối vào điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành là lớn nhất và nặng nhất. Mỗi vạc được đúc từ 2 tấn đồng thau, sau đó mạ khoảng 100 lượng vàng bề mặt. Nhìn từ xa, nó trông rực rỡ và lấp lánh. Những vạc nước lớn này là công cụ đặc biệt được người cổ đại sử dụng để dập tắt các đám cháy.
Như chúng ta đã biết, chính điện Tử Cấm Thành được làm bằng gạch và gỗ, rất dễ cháy, vì vậy mọi người luôn phải đề phòng hỏa hoạn xảy ra. Vào thời nhà Minh và nhà Thanh, Tử Cấm Thành không có vòi chữa cháy, ống dẫn nước và xe cứu hỏa. Nước trong những vạc này rất quan trọng.
Bể trữ nước cứu hỏa này phải giữ đầy quanh năm, khi nước bốc hơi tự nhiên thì sẽ được các thái giám đổ đầy kịp thời.
Trong mùa đông, nước ở các nơi khác đóng băng thì nước trong những vạc này tuyệt nhiên không được đông đá. Tháng 12 âm lịch, thời tiết rất lạnh, các thái giám trong Tử Cấm Thành sẽ đốt lửa than bên dưới vạc nước. Mục đích của việc này chính là duy trì nhiệt độ ấm áp, giữ cho nước không đông lại. Sang đến mùa xuân, khi hoa nở, các thái giám sẽ cởi bỏ lớp đệm bông lớn quây quanh bể. Chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác.
(Theo Sohu)
>> Xem thêm: Vén màn bí ẩn: Vì sao các hoàng đế triều Thanh không thích sống trong Tử Cấm Thành?