(Tinmoi.vn) Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8 (ADMM-8) diễn ra ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Ngày 20/5, trước sự quan tâm sâu sắc của hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ tám (ADMM-8) về tình hình Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã trao đổi thông tin về vụ việc đang có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết việc Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khiến các nước ASEAN quan ngại và gây bức xúc trong quần chúng, nhân dân Việt Nam.
Trả lời phóng viên Quân đội nhân dân về nội dung cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc bên lề Hội nghị ADMM-8, đại tướng cho biết:
Chiều 19/5 tại thủ đô của Myanmar, ông đã có cuộc gặp song phương với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tướng Thường Vạn Toàn. Tại cuộc gặp này, hai bên đã trao đổi một số vấn đề, đặc biệt là vấn đề hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc vốn đang phát triển tốt đẹp. Rất đáng tiếc là xảy ra vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây ra lo ngại đối với khu vực cũng như gây bức xúc trong dư luận nhân dân Việt Nam.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Ảnh: QĐND
Ông cũng thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam là đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), và đúng theo tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ hết sức kiềm chế để không xảy ra xung đột quân sự trên biển. Chúng tôi không sử dụng máy bay, tàu tên lửa, tàu pháo, lực lượng đặc công người nhái tấn công, phá hủy giàn khoan của Trung Quốc. Việt Nam chỉ sử dụng các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư và tàu cá của ngư dân để bảo vệ chủ quyền. Tàu Việt Nam không chủ động đâm va cũng như sử dụng vòi rồng phun vào các tàu của Trung Quốc, mà chỉ sử dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động.”
Ông cũng bày tỏ mong muốn hai bên cùng nhau kiềm chế trên thực địa và tích cực tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý vụ việc ổn thỏa, nhằm sớm ổn định lại tình hình.
Đáp lại những ý kiến của Đại tướng, Trung Quốc vẫn có những quan điểm khác biệt. Trung Quốc cho rằng, giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt trong lãnh hải Trung Quốc và cho là Việt Nam cản phá.
Bộ trưởng đã đề nghị Trung Quốc phải bàn bạc, trao đổi với Việt Nam, không nên đơn phương hành động đồng thời phải sớm rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đưa vùng biển này trở lại bình thường để ngư dân làm ăn ổn định.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 8 (ADMM-8) đã ra Tuyên bố chung về "Hợp tác quốc phòng vì cộng đồng và thịnh vượng", trong đó nhấn mạnh việc không sử dụng vũ lực trong khu vực. Tinh hình Biển Đông là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất tại Hội nghị ADMM-8 do diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam Trưởng đoàn các nước kêu gọi tăng cường hợp tác bảo đảm thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. “Tất cả các bên cần thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không tiến hành các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) như đã được thể hiện trong Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông”, tuyên bố nhấn mạnh. Tuyên bố cũng nêu rõ các nước ASEAN mong muốn căng thẳng ở Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế. |
Chi MK (Tổng hợp)