Thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm, nên các nguyên thủ quốc gia luôn được bảo vệ một cách hết sức cẩn mật. Tại Hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2014, các yếu nhân đến từ 21 quốc gia luôn được đội ngũ vệ sĩ áo đen bảo vệ 24/24 giờ.
Những chàng trai mặc áo đen được mệnh danh là "áo giáp" của các nguyên thủ quốc gia. Họ thường mặc áo vét đen, trông lịch sự nhưng mặt lúc nào cũng lạnh như tiền. Họ ít khi nhìn ai nhưng lại quan sát rõ mọi thứ. Họ phản ứng nhanh như điện xẹt trong những tình huống hiểm nguy.
Những vệ sỹ áo đen luôn đề cao cảnh giác, bằng mọi cách bảo vệ cho các nguyên thủ
Nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ hiện do Cơ quan mật vụ (USSS) thuộc Bộ An ninh nội địa đảm trách. USSS có nhiệm vụ bảo vệ trái phiếu và tiền của chính phủ, chống tiền giả, bảo vệ tổng thống, phó tổng thống, gia đình của họ, các quan chức cấp cao, các cựu tổng thống và cựu đệ nhất phu nhân, ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống cùng các vị khách mời của chính phủ. Trang phục của USSS luôn thay đổi theo tình hình cụ thể, chứ không đơn thuần là áo vét đen và kính đen như những gì chúng ta thường thấy.
Những hộp đen nhỏ được giấu trong áo các vệ sỹ. Họ âm thầm bảo vệ các nguyên thủ quốc gia trong thời gian diễn ra APEC
Vệ sĩ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người được khoanh đỏ. Sự an toàn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và thường vụ Bộ chính trị được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự ổn định của chính quyền Trung Quốc
Theo Mạng quân sự 81, các lãnh đạo Trung Quốc được bao bọc bởi một lớp bảo vệ chằng chịt vệ sĩ và đặc vụ. Thông thường trong các chuyến xuất ngoại hoặc “vi hành” tại địa phương, đội ngũ các đặc cảnh, cảnh vệ, vệ sĩ sẽ bố trí năm lớp bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho lãnh đạo.
Nga cũng có một cơ quan chuyên trách việc bảo vệ cho nguyên thủ, đó là Cơ quan an ninh tổng thống (PSS)
Trong nhiều dịp, khi Tổng thống V.Putin đến những khu vực nóng bỏng, người ta thấy nhân viên PSS sử dụng các loại vũ khí rất dữ dằn. Có người còn lắp cả thiết bị phóng lựu vào AK-74. Ông Putin là một võ sĩ judo cự phách nên có lẽ tinh thần võ thuật của ông cũng truyền cho các vệ sĩ. Trong các chuyến công du nước ngoài, ông Putin thường không ngần ngại biểu diễn vài chiêu tâm đắc của mình, các vệ sĩ của ông cũng vậy.
So với các cựu tổng thống Mỹ, ông Obama càng đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn. Ngay từ khi còn là thượng nghị sĩ và tuyên bố ra tranh cử tổng thống năm 2007, ông Obama đã bị dọa giết
Đảm nhận chức tổng thống Mỹ là một công việc đầy mạo hiểm và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị ám sát. Mối đe dọa đối với các ông chủ Nhà Trắng có thể đến từ bất kỳ đâu, từ khủng bố quốc tế hay những kẻ tâm thần mang súng tại Mỹ
Nhiệm vụ của các lực lượng bảo vệ nguyên thủ không chỉ đơn thuần là "đi kè kè" bên yếu nhân. Những cơ quan này có một mạng lưới an ninh rộng khắp nhằm theo dõi và triệt tiêu nguy cơ về an ninh nhằm vào nguyên thủ nước mình. Vì công tác an ninh luôn đảm bảo tới mức cao nhất nên ít thấy cảnh vệ sĩ phải ra tay.
Là lực lượng bảo vệ yếu nhân, đôi khi các vệ sĩ cũng cần được yếu nhân bảo vệ. Vụ việc xảy ra tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Chile vào năm 2004 là một ví dụ. Khi Tổng thống Mỹ Bush đến dự một buổi lễ vào tối thứ bảy (ngày 20.11), cảnh sát Chile đã không cho một người cảnh vệ của ông vào. Người này đã cãi cọ với cảnh sát và tình hình mỗi lúc một thêm trầm trọng. Thấy vậy, ông Bush liền tiến tới, kéo vệ sĩ của mình ra, sửa lại tay áo rồi thản nhiên bước vào phòng.
Theo Yên Yên (tổng hợp)/ Người đưa tin