Theo một nhà phân tích chính trị người Nga, chính sự chỉ trích của phương Tây đối với Chính sách độc tài của Thổ Nhĩ Kỳ và sự khủng hoảng trong nhiều lĩnh vực kinh tế đã khiến Ankara muốn hàn gắn mối quan hệ song phương với Moscow.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Sputnik, nhà phân tích chính trị Fatih Ozbay đã đề cập đến những lời chỉ trích cay nghiệt của phương Tây rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang duy trì chế độ độc tài và độc đoán, cũng như một loạt các vấn đề kinh tế trong nước, buộc Tổng thống Erdogan phải chọn cách khôi phục quan hệ với Nga.
Ý kiến của ông Ozbay được đưa ra khoảng một tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tại cuộc trao đổi, hai nhà lãnh đạo thống nhất sẽ tổ chức một cuộc gặp riêng vào cuối năm nay.
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi cho ông Putin một bức thư bày tỏ sự hối tiếc vì vụ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 ở gần biên giới Syria hồi tháng 11/2015 - sự cố khiến quan hệ hai nước xấu đi trầm trọng.
Theo chuyên gia Fatih Ozbay, việc bình thường hóa quan hệ với Nga sẽ giúp chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ con át chủ bài trong một số chính sách đối nội.
Đề cập đến việc khôi phục lại một số quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, ông trích dẫn một số yếu tố, bao gồm cả việc phương Tây chỉ trích gay gắt chính sách đối ngoại của Ankara, đặc biệt trong vấn đề Syria và Iraq.
Sự chỉ trích từ phương Tây và khủng hoảng kinh tế trong nước khiến Ankara chọn cách khôi phục quan hệ với Nga. Ảnh: AP |
"Thêm vào đó, phương Tây nhiều lần công kích Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một chế độ độc tài về nhân quyền. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với một loạt các vấn đề kinh tế nghiêm trọng. Vì vậy, trong một nỗ lực để thoát khỏi những gánh nặng của tất cả các vấn đề này, Ankara quyết định bắt đầu khôi phục các mối quan hệ với Nga".
Ozbay nhấn mạnh rằng, Nga luôn xem Thổ Nhĩ Kỳ là một đất nước có tầm quan trọng đặc biệt trong tầm nhìn về địa chính trị. Từ quan điểm này, ông Ozbay gợi nhắc đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là một đối tác đối thoại trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Ông cũng cho rằng, quá trình tái lập qua hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu bằng lá thư xin lỗi của Tổng thống Erdogan, còn liên quan đến vấn đề Biển Đen và đông Địa Trung Hải. Chuyên gia này cũng cho rằng các cuộc tập trận của NATO ở Biển Đen và thái độ "sẵn sàng mở cảng" của Ukraine.
"Theo quan điểm của Nga, dù chỉ gây ảnh hưởng mờ nhạt, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có thể làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực. Chính vì vậy, Nga hoàn toàn không muốn thiêu rụi mọi cây cầu nối trong các mối quan hệ với Ankara".
Trước đó, hồi tháng 3, ông Erdogan cũng khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là hai quốc gia có vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lẫn nhau trong suốt nhiều thế kỷ qua, bởi vậy việc khôi phục hợp tác hai nước là điều cần thiết.
Hôm 27/6, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gửi một bức thư xin lỗi vì đã bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 hồi tháng 11/2015, đồng thời bày tỏ lời chia buồn cũng như mong muốn bồi thường đối với gia đình phi công thiệt mạng trong vụ việc.
Bằng cách này, Ankara đã đáp ứng một trong những điều kiện mà Moscow đưa ra sau sự cố khiến quan hệ hai nước tê liệt hơn nửa năm.
Về phần mình, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh bỏ hạn chế khách du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ, bãi bỏ lệnh cấm bay, cho phép các công ty du lịch Nga tiếp tục bán tour đến các khu nghỉ mát ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Đối với mối quan hệ song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tôi mong muốn khởi động với lĩnh vực du lịch đầu tiên", ông Putin nói.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, do có lợi ích chính trị - kinh tế ràng buộc nhau nên Moscow và Ankara vẫn tiếp tục phải bắt tay nhau. Việc khôi phục quan hệ song phương có thể đem lại lợi ích cho hai nước, cũng như các hoạt động phối hợp để giải quyết vấn đề Syria và cuộc chiến chống IS.
[mecloud]L3GSiuayqb[/mecloud]
Lê Huyền (Sputnik)