Trong khi các quan chức Hàn Quốc, Triều Tiên đang tiến hành các cuộc đàm phán tại ngôi làng biên giới Bàn Môn Điếm thì cũng tại biên giới, phương tiện quân sự, binh sĩ cũng đang di chuyển, còn hàng nghìn người dân thì phải sơ tán khẩn cấp.
Theo tin tức trên Daily Mail, giới chức Hàn - Triều đã tiến hành đàm phán vào chiều 22/8 và sẽ tiếp tục trong ngày hôm nay (23/8) nhằm xoa dịu căng thẳng đang tăng cao.
Cuộc họp diễn ra tại ngôi làng biên giới Bàn Môn Điếm không lâu sau khi Bình Nhưỡng gửi tối hậu thư cho Seoul về thời hạn tháo dỡ các loa phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên.
Theo các quan chức ở Seoul, phía Hàn Quốc sẽ cử đại diện là Cố vấn Tổng thống phụ trách vấn đề an ninh quốc gia Kim Kwang-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo. Phía Triều Tiên là hai quan chức cấp cao Hwang Pyong-so và Kim Yang-gon.
Triều Tiên trước đó tuyên bố rằng họ đã chuẩn bị cho một "cuộc chiến tranh toàn diện" khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lệnh cho quân đội tiền tuyến vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
"Tình hình đã đạt đến bờ vực của chiến tranh và không thể đảo ngược. Quân đội và nhân dân chúng tôi sẵn sàng mạo hiểm cho một cuộc chiến tranh toàn diện không chỉ đơn giản để đáp trả mà chính là để bảo vệ chế độ mà nhân dân chúng tôi đã lựa chọn", hãng thông tấn nhà nước KCNA dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết.
Trong khi đó, tại biên giới hai nước, quân đội Hàn Quốc tiếp tục cảnh báo cao độ về nguy cơ xung đột với Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng cũng có dấu hiệu sẵn sàng tấn công.
Binh sĩ Hàn Quốc ngồi trên xe tải ở huyện Yeoncheon, tỉnh Gyeonggi, khu vực giáp biên giới. |
Nhóm binh sĩ Hàn Quốc quay trở về căn cứ sau khi tuần tra tại thành phố Paju, tỉnh Gyeonggi hôm 21/8. |
Giới chức Seoul và Bình Nhưỡng chiều 22/8 đã tiến hành cuộc đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng đang tăng cao trong những ngày gần đây. Dự kiến cuộc đàm phán sẽ kéo dài hết hôm nay (23/8). |
Cảnh tượng tại cầu Thống Nhất gần làng Bàn Môn Điếm, nơi quan chức hai nước đang tiến hành đàm phán. |
Binh sĩ Hàn Quốc dịch chuyển hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền ở khu vực phi quân sự (DMZ) tại Paju. Động thái này diễn ra vì Hàn Quốc cho rằng, Triều Tiên đã thực hiện vụ nổ mìn nhằm vào binh sĩ của họ ở khu vực phi quân sự hồi đầu tháng. |
Hàn Quốc triển khai nhiều hệ thống phóng tên lửa gần biên giới liên Triều. |
Các chốt quân sự của Hàn Quốc (dưới) và Triều Tiên (trên) đối diện nhau. |
Xe bọc thép của quân đội Hàn Quốc di chuyển về phía khu phi quân sự sau khi Triều Tiên đặt quân đội vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. |
Quân đội Mỹ với 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
"Sự an toàn cho các binh sĩ của chúng tôi và gia đình họ là điều tối quan trọng và chúng tôi sẽ có biện pháp thận trọng để đảm bảo an toàn cho họ", Wahington cho biết trong một tuyên bố.
Washington hôm 21/8 cũng kêu gọi Bình Nhưỡng dừng các hành động khiêu khích để tránh tình hình xấu đi.
Các xe quân sự Mỹ đi qua thị trấn Pajuadmid ở biên giới Hàn Quốc giữa lúc căng thẳng hai miền Triều Tiên gia tăng sau vụ đấu pháo qua biên giới ngày 20/8. |
Lính Mỹ ngồi trên xe quân sự ở thị trấn biên giới Paj, Hàn Quốc sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên lệnh cho quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. |
Xe quân sự của một đơn vị quân đội Mỹ ở Dongducheon, phía đông bắc Seoul, trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. |
Chiến đấu cơ Hàn Quốc và Mỹ bay trên không phận Hàn Quốc vào sáng sớm hôm 22/8 sau khi Triều Tiên gửi tối hậu thư. |
Một máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ hạ cánh tại căn cứ không quân ở Suwon, hôm 22/8. Theo giới chức quân sự cấp cao của Mỹ, Washington sẽ bảo vệ Seoul nếu Bình Nhưỡng dùng vũ lực. |
Một người đàn ông Hàn Quốc cõng mẹ già đến hầm trú ẩn ở Yeoncheon-gun, sau khi các nhà chức trách nước này yêu cầu sơ tán dân cư đang sinh sống ở gần khu vực biên giới phía tây. |
Người dân Hàn Quốc ngồi trong hầm trú ẩn tại đảo Ganghwa hôm 21/8. |
Một người đàn ông xuất hiện ở cửa hầm trú ẩn. Giới chức Hàn Quốc sơ tán 3.700 dân và chiến dịch sơ tán đã hoàn tất vào 16h hôm 22/8, một tiếng trước thời hạn tối hậu thư mà Triều Tiên đưa ra. |
Ông Kim Myong Chol, giám đốc điều hành Trung tâm hòa bình Mỹ - Triều Tiên kiêm người phát ngôn không chính thức cho chính quyền Bình Nhưỡng cảnh báo rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Nếu các loa phát thanh vẫn không được dỡ bỏ trước 5h chiều nay (23/8), Triều Tiên sẽ tấn công bằng pháo binh, không quân và các lực lượng mặt đất", ông Kim nói với tờ The Daily Telegraph.
"Triều Tiên không muốn một cuộc chiến tranh, nhưng Hàn Quốc và Mỹ muốn chiến tranh. Điều này phụ thuộc vào tình hình và phản ứng của Hàn Quốc và Mỹ, nhưng đó có thể là một cuộc chiến tranh hạt nhân", ông Kim nói thêm.
Trong khi đó, dù tổ chức đối thoại, Seoul vẫn sẽ tiếp tục giữ chương trình phát loa tuyên truyền với quan điểm rằng họ sẽ chỉ dừng việc này nếu Bình Nhưỡng xin lỗi về vụ nổ mìn hôm 4/8 khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc nước này bí mật đặt mìn nói trên của Seoul.
Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã nâng mức cảnh báo đe dọa WATCHCON lên tới tới mức cao thứ hai, để đề phòng nguy cơ tấn công từ Triều Tiên. Với mức này, hai nước đồng minh sẽ tăng cường hoạt động tình báo về Triều Tiên bằng vệ tinh, máy bay trinh sát và các thiết bị quân sự khác.
Quân chức quân sự hàng đầu của hai nước cũng quyết tâm sẽ phản công mạnh mẽ nếu Triều Tiên tấn công Hàn Quốc.
"Quân đội Mỹ sẵn sàng cung cấp bất kỳ hỗ trợ nào trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên, vì hòa bình và an ninh của Hàn Quốc", Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey tuyên bố trong một cuộc điện đàm với Đô đốc Hàn Quốc Choi Yoon-hee.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao sau vụ đấu pháo hôm 20/8, Bình Nhưỡng sau đó gửi một tối hậu thư đe dọa tấn công Hàn Quốc nếu nước này không dỡ bỏ các loa phóng thanh phát thông điệp tuyên truyền qua biên giới.
Kể từ khi chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc băng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải một hiếp ước hòa bình, Bình Nhưỡng và Seoul thường xuyên xảy ra những cuộc đụng độ khiến hàng chục binh sĩ thiệt mạng. Tuy nhiên, hai bên vẫn luôn tìm cách xoa dịu căng thẳng, không để chiến tranh xảy ra.
Tuy nhiên, kể từ khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đánh chìm một tàu hải quân của họ vào năm 2010, quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi. Những nỗ lực cải thiện quan hệ của Tổng thống Park Geun-hye từ khi lên nhậm chức cũng không mang lại kết quả nào.
Lê Huyền (Daily Mail)