Tin mới

Có một Triều Tiên cô độc và chẳng hề muốn đối đầu với Mỹ

Thứ tư, 02/08/2017, 16:33 (GMT+7)

Quân đội Mỹ lớn hơn các lực lượng vũ trang Triều Tiên trăm lần, sở hữu kho vũ khí hạt nhân tinh vi nhất thế giới, có thể hủy diệt Triều Tiên ngay lập tức. Thế nhưng, giới quan chức cấp cao Mỹ liên tục bày tỏ quan ngại rằng Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa khẩn cấp từ Triều Tiên.

Quân đội Mỹ lớn hơn các lực lượng vũ trang Triều Tiên trăm lần, sở hữu kho vũ khí hạt nhân tinh vi nhất thế giới, có thể hủy diệt Triều Tiên ngay lập tức. Thế nhưng, giới quan chức cấp cao Mỹ liên tục bày tỏ quan ngại rằng Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa khẩn cấp từ Triều Tiên.

Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Daniel Coats tuyên bố trên đài NBC rằng Triều Tiên "đã trở thành một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ". Thực tế, đây là một tuyên bố gây kinh ngạc cho người Mỹ. Năm ngoái, GDP nước Mỹ đạt gần 19 nghìn tỷ USD, gấp 650 lần GDP của Triều Tiên. Dân số Mỹ cũng lớn gấp 13 lần so với dân số Triều Tiên.

Quan trọng hơn, quân đội Mỹ lớn hơn quân đội Triều Tiên khoảng 100 lần. Mỹ đặt ra tiêu chuẩn công nghệ cho thế giới, trong khi Triều Tiên sở hữu một nền công nghệ lạc hậu. Mỹ sở hữu kho vũ khí hạt nhân tinh vi nhất thế giới và 1.411 đầu đạn hạt nhân (con số này là 31.255 cách đây 50 năm), trong khi Triều Tiên được cho là có khoảng 20 đầu đạn hạt nhân, Washington rõ ràng có thể hủy diệt Bình Nhưỡng ngay lập tức.

Vậy ai đang đặt ra mối đe dọa cho ai?

Coats không phải quan chức duy nhất của Washington tỏ ra lo ngại về mối đe dọa Triều Tiên. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói trước Ủy ban Lực lượng Vũ trang Hạ viện Mỹ rằng Triều Tiên là "mối đe dọa khẩn cấp và nguy hiểm nhất" đối với hòa bình và an ninh thế giới. Theo ông, chương trình hạt nhân Triều Tiên là "mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu cho tất cả".

Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 ngày 4/7. Ảnh: Reuters

Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân cũng cảnh báo trước ủy ban này rằng hành vi của Triều Tiên đã gây ra "mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với Mỹ và các đồng minh".

Một cuộc thăm dò gần đây của CNN cho thấy, 37% người Mỹ tin rằng Triều Tiên đặt ra mối đe dọa quân sự "lập tức" đối với Mỹ và 67% trong số họ ủng hộ việc Mỹ triển khai quân đội để bảo vệ Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo National Interest, Triều Tiên đặt ra mối đe dọa đối với Mỹ là bởi chính Washington đã đặt ra mối đe dọa cho Bình Nhưỡng trước tiên. Xét cho cùng, Mỹ đã can thiệp để bảo vệ Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh hai miền năm 1950. Tướng Douglas MacArthur sau đó ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân, một mối đe dọa cũng được sử dụng bởi chính quyền Eisenhower đến để thúc đẩy kết quả về một lệnh ngừng bắn.

Một thỏa thuận đã đạt được, Mỹ đã đưa ra một hiệp ước quốc phòng với miền nam. Trong những năm tiếp theo, chính phủ Mỹ đã duy trì một đội quân ở Hàn Quốc và các đơn vị phụ cận gần đó, chẳng hạn như ở Okinawa. Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân trên bán đảo, thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung với miền nam, đưa các lực lượng hải quân bao gồm các tàu sân bay ngoài bờ biển phía bắc và các máy bay ném bom chiến lược bay qua Triều Tiên. Washington cũng nhấn mạnh rằng "tất cả các lựa chọn đã ở sẵn trên bàn", đồng nghĩa với việc tiến hành các hoạt động quân sự.

Đúng như những gì Washington mong muốn, giới chức Bình Nhưỡng xem những hoạt động như vậy là thiếu thiện chí. Các biện pháp quân sự của Mỹ rõ ràng đã đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với Triều Tiên.

Liên tục đạt được những bước tiến về công nghệ hạt nhân, nhưng Triều Tiên thực sự đang ở một vị trí rất cô độc.

Mối nguy hiểm mang tên Mỹ càng trở nên trầm trọng hơn khi vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lần lượt Moscow và Bắc Kinh đều mở rộng quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Triều Tiên ngày nay thật sự đơn độc khi chống lại láng giềng phía nam được hậu thuẫn bởi siêu cường độc nhất trên thế giới. Đó là một vị trí rất cô đơn.

Nếu Washington chỉ đơn giản bảo vệ đồng minh của mình thì có lẽ mọi việc cũng chưa bị đẩy đi quá xa. Vấn đề nghiêm trọng hơn là ở việc Triều Tiên đã nhìn thấy cách mà Mỹ can thiệp quân sự trên toàn cầu. Washington đã sử dụng lực lượng vũ trang để thúc đẩy thay đổi chế độ ở Grenada, Panama, Haiti, Afghanistan, Iraq và Libya. Giới chức Triều Tiên chẳng còn lý do gì để không nghi ngờ về hành động quân sự tiềm tàng của Mỹ để thay đổi chế độ của họ. Họ bác bỏ những lời chỉ trích về chương trình hạt nhân, chỉ ra "Chính sách thù địch" của Mỹ, vốn được nhấn mạnh bởi "mối đe dọa quân sự" và "mối đe dọa hạt nhân".

Theo quan điểm của Triều Tiên, chương trình hạt nhân của họ là để tăng cường tầm cỡ quốc tế của Bình Nhưỡng, củng cố lòng trung thành của quân đội với đất nước, và tạo vị thế "trên cơ" với nước láng giềng. Tuy nhiên, các tên lửa tầm xa thì chỉ nhằm một mục đích: ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ nhằm vào Bình Nhưỡng.

Trong tất cả các cuộc đàm phán cho rằng Triều Tiên đang đe dọa "thế giới, Bình Nhưỡng chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến "thế giới". Những lời đe dọa hủy diệt của họ chỉ nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và đồng minh của hai quốc gia này là Mỹ.

Theo National Interest, mặc dù nhiều lần đe dọa hủy diệt quốc gia khác, song Triều Tiên thực sự muốn tránh một cuộc chiến, vì hơn ai hết, họ hiểu rõ hậu quả sẽ khủng khiếp đến thế nào.

Nếu Mỹ không "ở đó", thì lựa chọn an toàn nhất của Triều Tiên chính là phớt lờ Washington. Tạo một vũ khí có khả năng nhắm mục tiêu vào Mỹ chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý. Một khi Triều Tiên có cơ hội để thiêu rụi một vài thành phố lớn của Mỹ thì liệu Washington còn giữ được chiếc ô hạt nhân hay không?

Quan chức Mỹ tuyên bố rằng Triều Tiên là mối đe dọa, song điều đó chỉ để thể hiện rằng họ có thể đánh bom Triều Tiên bất cứ khi nào họ thấy phù hợp. Triều Tiên có thể xem Mỹ là thù địch, nhưng họ không muốn chiến tranh. Thay vào đó, họ chỉ muốn đảm bảo rằng Mỹ không gây ra một cuộc xung đột nào.

Theo National Interest, phản ứng tốt nhất là Washington nên rút khỏi cuộc chiến tranh không đáng có. Hàn Quốc đã đủ tiềm lực cho năng lực phòng thủ thông thường. Liệu Triều Tiên có đe dọa Mỹ không? Mỹ đã ở gần Triều Tiên gần 7 thập kỷ, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống lại Bình Nhưỡng. Đã đến lúc, chính sách của Mỹ ở Đông Bắc Á cần phải thay đổi để bảo vệ cho nước Mỹ trước tiên.

Lê Huyền (National Interest)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news