Tin mới

Đặng Lê Nguyên Vũ và những điều bí ẩn ít biết phía sau sự thành công của 'vua cafe Việt'

Chủ nhật, 02/01/2022, 14:13 (GMT+7)

Phía sau sự thành công của Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ là tư duy 'nghĩ lớn làm lớn' mà còn là cuộc hành trình xây dựng thương hiệu cũng như nghị lực bền bỉ kiên trì thực hiện giấc mơ 'bá chủ' ngành cafe của mình.

Đặng Lê Nguyên Vũ được biết đến là một trong TOP 10 doanh nhân Việt nổi tiếng trên thế giới, được nhiều người biết đến và kính nể bởi tư duy làm giàu không chỉ táo bạo, sáng tạo mà còn mang đậm tính nhân văn. 

Ông chủ Tập đoàn cafe Trung Nguyên cũng chính là người đã truyền động lực cho giới trẻ về tinh thần dám nghĩ dám làm, về ước mơ, khát vọng làm giàu cho mình và cho xã hội.

Những thành công mà mọi người nhìn thấy ở thời điểm hiện tại chỉ là một góc nhỏ trong cuộc hành trình đầy nỗ lực, dám ước mơ và dám hành động của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ.

Cuộc hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đến Sài Gòn khi mới 17 tuổi và ông đã có một quyết định được cho là 'táo bạo và ngông cuồng' thời bấy giờ khi quyết định bỏ học trường Y để đạp xe đi thu mua từng bao cafe thô, vay mượn khắp nơi để khởi nghiệp với quán cafe chỉ vỏn vẹn 2,8 mét vuông. 

Đặng Lê Nguyên Vũ quyết định từ bỏ trường Y để theo đuổi đam mê với ngành cafe. Ảnh: Internet
Đặng Lê Nguyên Vũ quyết định từ bỏ trường Y để theo đuổi đam mê với ngành cafe. Ảnh: Internet

Trước đó, năm 1981, khi bố ông Đặng Lê Nguyên Vũ bị bệnh nặng, gia cảnh sa sút cũng là thời điểm ý chí làm giàu trong con người ông được nhen nhóm. 

Năm 1992 ông theo học khoa Y tại ĐH Tây Nguyên, vừa kết hợp đi học vừa đi làm để kiếm sống và đến năm 1996, ông cùng ba người bạn của mình đã hợp tác và lập nên 'Hàng cafe Trung Nguyên'. 

Thời gian đầu, trong căn phòng vỏn vẹn 2,8 mét vuông là chiếc máy rang bằng tay cũ đảm nhận công việc rang xay cafe và giao đến cho các quán khác. 

Đầu năm 1998, quán cafe đầu tiên của Trung Nguyên mở tại TP HCM đánh dấu bước ngoặt mới trong cuộc đời của Đặng Lê Nguyên Vũ.

Đây là quán cafe đầu tiên của Tập đoàn Trung Nguyên với tư cách là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình chuyển nhượng thương hiệu. 

Đặng Lê Nguyên Vũ nuôi tham vọng 'bá chủ ngành cafe'. Ảnh: Internet
Đặng Lê Nguyên Vũ nuôi tham vọng 'bá chủ ngành cafe'. Ảnh: Internet

Năm 2000, khi cái tên Trung Nguyên và Đặng Lê Nguyên Vũ đã trở thành 'thương hiệu', ông quyết định mở rộng thị trường và tạo dựng vị thế riêng cho mình. 

Năm 2005, hãng chế biến cafe lớn nhất Việt Nam mang tên Trung Nguyên đã 'vượt mặt' hàng loạt các đối thủ trong và ngoài nước.

Lúc này, 'con cưng' của Đặng Lê Nguyên Vũ được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao Văn hóa, làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia. 

Đặng Lê Nguyên Vũ cũng không đơn thuần là người kinh doanh và thu về lợi nhuận, ông chính là người đã nâng tầm ý nghĩa cho kinh doanh, hình thành triết lý về cafe Trung Nguyên - 'cafe triết đạo nhân sinh', thể hiện sự đóng góp của cafe đối với sự phát triển chung của dân tộc. 

Tuổi thơ đầy khốn khó hun đúc hoài bão vươn tầm thế giới

Ít ai biết rằng, trước khi trở thành nhà sáng lập, chủ tịch kiêm TGĐ của Tập đoàn Trung Nguyên, được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là 'vua cafe Việt', ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng trải qua một tuổi thơ cùng cực, khốn khó.

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo thuộc huyện Ninh Hoà, Khánh Hoà, năm 1979 ông cùng gia đình di cư đến sinh sống tại huyện miền núi M’drak, thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Tuổi thơ của Đặng Lê Nguyên Vũ là hình ảnh con đường đầy sỏi đá dài 15km từ nhà đến trường, là hình ảnh rong ruổi bên nương ngô và đàn lợn. 

Năm 1991, khi biến cố gia đình ập đến đã khiến ông rơi vào hoàn cảnh khó khăn gấp bội. Trong trí nhớ của ông, đó là những ngày tháng 'tăm tối' nhất trong cuộc đời mình mà có lẽ chẳng bao giờ có thể quên được. 

'Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!', Đặng Lê Nguyên Vũ từng ngậm ngùi nhớ lại. 

Cũng chính vì hoàn cảnh khốn khó đó đã nuôi nấng ý chí và khát vọng làm giàu trong ông. 

Khi còn đi học, dù gia đình khốn khó, ngoài học còn bẻ ngô, chăm lợn, đóng gạch giúp mẹ nhưng ông lại là người có thành tích đứng nhất nhì lớp. 

Năm 1990, Đặng Lê Nguyên Vũ thi đỗ vào trường ĐH Y Tây Nguyên. Thời gian này ông tiếp tục vừa học vừa làm để gánh vác giúp gia đình và bắt đầu con đường tìm tòi, nghiên cứu cũng như dần hình thành tình yêu và đam mê với lĩnh vực cafe. 

Năm thứ 3 ĐH, ông quyết từ bỏ con đường học hành khi nhìn rõ ước mơ của mình không phải muốn trở thành một bác sĩ. Quyết định này đã khiến mẹ ông 'khóc cạn nước mắt', nhiều bạn bè bảo ông 'không bình thường' và ít người có thể hiểu và chia sẻ được hoài bão, suy nghĩ và ước mơ của ông. 

Sau đó, ông khăn gói vào TP HCM và bắt đầu cuộc hành trình 'khởi nghiệp' của mình nhưng bị chú 'trả về' với lời răn dạy 'Tất cả những điều cháu nung nấu đều đúng nhưng không phải lúc này. Việc lúc này là học cho xong cái đã'.

Thất bại đầu tiên cho cuộc hành trình chinh phục giấc mơ 'bá chủ ngành cafe'

Sau khi ông Vũ cùng ba người bạn quyết định thành lập hãng cafe của riêng mình, ông đã may mắn có được những vị khách đầu tiên. 

Năm 1996, ông cùng bạn mình đã Khai trương bảng hiệu ở cây số 3 (TP Buôn Ma Thuột) bằng những gì 'cây nhà lá vườn nhất'. 

Các khách hàng phần lớn đều là các bạn học chung ĐH nhưng một lần nữa cũng là nguồn động lực 'tiếp thêm lửa' cho khát vọng Nam tiến của ông. 

Sau khi vào Sài Gòn, nhóm của ông đã đặt ra kế hoạch sẽ mở các điểm kinh doanh miền Tây, lấy vùng này làm hậu thuẫn và từ từ xây 'bàn đạp' để quay trở lại Sài thành. 

Khi tìm được một đối tác ở Long Xuyên để mở lò rang xay chế biến, phân phối cafe tại miền Tây, nhóm vô cùng phấn khởi.

Tư duy khác biệt của Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm nên những điều phi thường trong lĩnh vực kinh doanh. Ảnh: Internet
Tư duy khác biệt của Đặng Lê Nguyên Vũ đã làm nên những điều phi thường trong lĩnh vực kinh doanh. Ảnh: Internet

Nhưng chỉ 1 tháng sau đó, kế hoạch này đã nhanh chóng sụp đổ. Cảm giác thất bại ê chề cùng đống ngổn ngang những lò cafe quay tay cũ kỹ, ly tách, phin muỗng... đến nay vẫn là những ký ức từng ám ảnh ông. Đây cũng là lần thất bại mang đến cho ông bài học lớn về kinh doanh cũng như nguyên tắc hợp tác trên thương trường. 

Thất bại ở miền Tây cùng với việc kinh doanh ở Buôn Ma Thuột gặp nhiều khó khăn đã khiến vốn liếng cạn kiệt, ông Đặng Lê Nguyên Vũ rơi vào cảnh cầm cự qua ngày. 

Lúc này người bạn thân nhất của ông đã phải bán đi chiếc xe quý giá nhất của mình - Dream huyền thoại. 

Để đến nỗi sau này mỗi lần nhớ lại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn không khỏi ngậm ngùi 'Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quý giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay'.

Những ánh hào quang trên thương trường cùng nhiều thành công nổi bật mà cafe Trung Nguyên đã đạt được đã giúp cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ vươn tầm ra thế giới. 

Tháng 8/2012, Tạp chí Forbes từng ca ngợi ông với danh hiệu 'zero to hero'.

Cùng với thành công ở lĩnh vực kinh doanh, triết lý về khởi nghiệp và tư duy 'khác biệt', cuộc sống hôn nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cùng vợ cũ Lê Hoàng Diệp Thảo cũng từng là đề tài tốn không ít giấy mực của báo giới. 

Trước cuộc ly hôn nghìn tỷ kéo dài nhiều năm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã chiêm nghiệm một điều rằng 'Phẩm chất quan trọng nhất của người đàn ông là hoài bão lớn. Đàn ông, cần nhất là mạnh mẽ. Còn bao dung thì hãy để cho phụ nữ. Tốt nhất, đàn ông thì chỉ nên là đàn ông, và phụ nữ thì chỉ nên là phụ nữ', để nhìn lại những gì đã qua, kể cả hạnh phúc và đổ vỡ trong cuộc đời của chính mình.

Hậu ly hôn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ ngày càng kín tiếng hơn, hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Dù vậy, người ta vẫn bàn và nói về ông - một người bị cho có nhiều phát ngôn 'vĩ cuồng', một người mà tư duy và cách sống khác biệt đã tạo nên một tầm nhìn và tư tưởng vượt khỏi những điều bình thường bằng một cách đầy trân trọng và ngưỡng mộ.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news