Tạp chí The Diplomat cho rằng, tư tưởng mở rộng lãnh thổ để tăng lợi ích quốc gia và hành xử vô nguyên tắc của Trung Quốc trên Biển Đông chẳng khác nào các nhóm tội phạm có tổ chức Yakuza ở Nhật Bản.
Cả hai sự so sánh hiện đại và lịch sử đều được đưa ra sau khi Trung Quốc phản ứng gay gắt về phán quyết "đường lưỡi bò" của Tòa Trọng tài thường trực (PCA), trong đó bác bỏ chủ quyền lịch sử của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Theo The Diplomat, trong chiến lược không ngừng sử dụng sức mạnh để mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, chính quyền Tập Cận Bình được ví với các nhóm hoạt động ngoài vòng pháp luật như Yakuza (các nhóm tội phạm có tổ chức ở Nhật). Cùng với cách suy nghĩ với Yakuza rằng mở rộng lãnh thổ sẽ trực tiếp dẫn đến gia tăng lợi ích, chính quyền Tập Cần Bình tin rằng "mở rộng lãnh thổ Trung Quốc dẫn đến mở rộng quyền lợi quốc gia".
Về cơ bản, đây là một cách suy nghĩ theo kiểu zero-sum (người này được lợi bao nhiêu thì người kia thiệt hại bấy nhiêu): Trung Quốc giành được lợi ích của các nước khác. Như nhà báo kiêm nhà bình luận Nhật Bản Yukihiro Hasegawa đã nói, suy nghĩ này hoàn toàn khác biệt với các nước châu Âu và các nước châu Á - Thái Bình Dương như Mỹ, Australia bởi họ cho rằng trật tự toàn cầu được duy trì bằng mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi (win-win). Điều này có nghĩa sự thịnh vượng của mỗi quốc gia chỉ có thể được duy trì nếu các nước khác cùng phát triển thịnh vượng, vì vậy giá trị được tạo ra là các mối quan hệ hòa bình và cùng có lợi.
Chuyên gia của The Diplomat cho rằng, ở Biển Đông, Trung Quốc bành trướng và hành xử vô nguyên tắc không khác gì băng nhóm tội phạm Yakuza. |
Trung Quốc thì lại không có suy nghĩ này: họ không đặt giá trị ưu tiên vào việc duy trì các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với các nước khác. Thật vậy, Bắc Kinh đang thực thi Chính sách hoàn toàn ngược lại: nếu các quốc gia khác đang yếu, họ sẽ xem đó là cơ hội để mở rộng lãnh thổ của mình. Đây chính là điều mà Trung Quốc đã và đang làm ở Biển Đông. Theo The Diplomat, chỉ sức mạnh quân sự của Nhật và sự răn đe của liên minh Mỹ - Nhật mới ngăn chặn được suy nghĩ quốc gia hóa của Trung Quốc trên cả vùng biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư (nơi đang xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh).
Hơn nữa, còn một điểm giống nhau là hoàn toàn vô nghĩa khi giảng giải cho các băng nhóm Yakuza để họ tuân theo pháp luật, cũng như việc Trung Quốc tuân theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển là điều chẳng thể nào xảy ra. Chính quyền Tập Cận Bình không tin tưởng vào pháp luật, họ chỉ tin vào sức mạnh. Nếu nói phản ứng gần đây của Trung Quốc đối với phán quyết của PCA về "đường lưỡi bò" dạy chúng ta điều gì, thì đó chính là chiến lược chống lại sức mạnh bằng những quy tắc đã thất bại trong trường hợp của những đất nước "vô luật lệ". Sức mạnh chỉ có thể bị chống lại bằng chính sức mạnh.
Phân tích lịch sử của Hasegawa cũng làm sáng tỏ điều này. Ông so sánh đường lối hiện tại của Trung Quốc với Nhật Bản trong những năm 1930. Nhật Bản khi đó tuyên bố sẽ không đồng ý với báo cáo điều tra nguyên nhân Nhật Bản xâm chiếm Mãn Châu do Hội Quốc liên yêu cầu tiến hành và được công bố bởi Ủy ban Lytton. Và sau đó, đến năm 1933, Nhật Bản rời khỏi Hội Quốc liên. Theo chuyên gia lịch sử Nhật Bản Minoru Kawada, một quan điểm có ảnh hưởng sâu rộng trong quân đội Nhật Bản thời đó là Hội Quốc liên muốn "thay đổi xã hội quốc tế từ một thế giới bị cai trị bởi sức mạnh thành một thế giới được cai trị bởi pháp luật". Tuy nhiên, vì Hội Quốc liên thiếu sức mạnh để thực thi các quy tắc pháp luật quốc tế, sự bành trướng của Nhật Bản không thể bị kiểm soát, bởi vậy, chiến tranh thế giới đã không thể tránh khỏi. Những cuộc xung đột vũ trang nhỏ đã dẫn đến cuộc xung đột toàn diện.
Kết luận đối với phân tích này sẽ gây thất vọng: Trung Quốc hiện nay đã đạt đến điểm mà Nhật Bản từng làm trong những năm 1930. Sức mạnh sẽ là yếu tố quyết định trong các lĩnh vực của xung đột tiềm năng như Biển Đông vì Nhật Bản, Mỹ và các đồng minh khác sẽ không có thẩm quyền để buộc Trung Quốc tuân thủ các quy tắc của pháp luật. Hasegawa kết luận rằng, "lịch sử đang lặp lại," Trung Quốc cũng dã bắt đầu bước trên con đường mà chỉ có thể bị ngăn chặn bằng cách sử dụng lực lượng quân sự.
Lê Huyền (The Diplomat)