Lãnh đạo các nước G7 đã “cực lực phản đối” việc Trung Quốc cải tạo tại Biển Đông, kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế.
(Theo chiều kim đồng hồ, từ trái sang) Francois Hollance - Tổng thống Pháp, David Cameron - Thủ tướng Anh, Matteo Renzi - Thủ tướng Italia, Jean-Claude Juncker - Chủ tịch ủy ban châu Âu (EC), Donald Tusk - Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Shinzo Abe - Thủ tướng Nhật Bản, Stephen Harper - Thủ tướng Canada, Barack Obama - Tổng thống Mỹ, Angela Merkel - Thủ tướng Đức tại hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: Tân Hoa Xã |
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cũng như việc sử dụng hợp pháp và không bị giới hạn các đại đại dương của thế giới", các nhà lãnh đạo ra thông cáo chung tại lâu đài Elmau, miền nam nước Đức.
Bắc Kinh có yêu sách tại hầu hết Biển Đông. “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc đe dọa, hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực, cũng như bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng, chẳng hạn như việc xây đắp đảo quy mô lớn", các nhà lãnh đạo G7 cho biết. Mặc dù không nhắc trực tiếp tới Trung Quốc nhưng tuyên bố này rõ ràng ám chỉ việc cải tạo đất mà Bắc Kinh đang tiến hành tại Biển Đông.
Tân Hoa Xã không coi tuyên bố chung của G7 liên quan trực tiếp tới tình hình Biển Đông: “Can thiệp bất hợp lý vào các tranh chấp trên biển giữa Trung Quốc và một số nước châu Á không chỉ gây tổn hại đến quan hệ Trung Quốc – Phương Tây mà còn đe dọa đến hòa bình và ổn định tại châu Á – Thái Bình Dương”, tờ báo viết.
Các nhà lãnh đạo thế giới cũng bày tỏ quan ngại về căng thẳng tại biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh nhiều lần đưa tàu tới vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Sau 2 ngày nhóm họp tại Đức, các nhà lãnh đạo quốc tế cũng cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tăng cường sau tình hình Ukraine. Các nước cũng ủng hộ nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao thông qua nhóm “Bộ tứ Normandy” (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức) và nhóm làm việc 3 bên (gồm Nga, Ukraine, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu – OSCE). G7 yêu cầu tất cả các bên liên quan thực hiện đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn tại Belarus hồi tháng 2.
Đây là lần thứ 3 Tổng thống Nga Vladimir Putin bị gạt khỏi thượng đỉnh G7 do tình hình bạo lực tại Ukraine. Và G7 đã sẵn sàng để tăng cường trừng phạt Nga.
Bảo Linh ( tin tức Kyodo)