Theo chuyên gia Trung Quốc, động thái của Ấn Độ đang thể hiện mạnh mẽ chủ trương "chiếm lĩnh tức là chiếm hữu".
Theo tờ Indian Express, cây cầu Dhola-Sadiya bắc qua sông Brahmaputra nối hai tỉnh Assam và Arunachal Pradesh với chiều dài 9,15km, có khả năng chịu được tải trọng lên đến 60 tấn của xe tăng sẽ được khánh thành vào ngày 26/5 tới.
Đây là cây cầu dài nhất Ấn Độ hiện nay. Việc xây dựng cây cầu được xem như là một nỗ lực của chính phủ New Delhi trong kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng quốc phòng dọc biên giới Trung-Ấn và tăng cường kết nối khu vực.
"Assam và Arunachal Pradesh có giá trị chiến lược quan trọng đối với đất nước. Cây cầu nằm gần biên giới với Trung Quốc, nó sẽ giúp các lực lượng bộ binh và pháo binh di chuyển nhaanh chóng đến khu vực trong thời điểm xung độ", người đứng đầu chính quyền bang Assam, ông Sarbananda Sonowal cho biết khoảng cách từ cây cầu này đến biên giới Trung Quốc chưa đầy 100km.
Giới phân tích nhận định, cầu Dhola-Sadiya sẽ đóng vai trò kết nối quan trọng giữa các căn cứ quân sự ở miền Đông Ấn Độ đến biên giới với nước láng giềng Trung Quốc. Đặc biệt, thông qua cây cầu này, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi có thể nhanh chóng điều động lực lượng quân đội từ căn cứ Panagarh ở bang Tây Bengal đến khu vực xảy ra xung đột.
Căn cứ Panagarh là sở chỉ huy của Quân đoàn bộ binh sơn cước thuộc Lục quân được triển khai dọc đường biên giới với Trung Quốc, nhằm đối phó với các nguy cơ tại khu vực biên giới hiện đang tranh chấp với Bắc Kinh.
Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho rằng, đây là động thái quan trọng nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính phủ Ấn Độ đối với khu vực phía Đông của biên giới Trung-Ấn.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành Hiệp hội học thuật Nam Á Trung Quốc Tiền Phong nhận định, hành động trên đang nhằm thể hiện mạnh mẽ chủ trương "chiếm lĩnh tức là chiếm hữu" của New Delhi.
Kể từ khi lên nhậm chức Thủ tướng, ông Modi đang đẩy mạnh bước đi này. Động thái của Ấn Độ hoàn toàn không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp biên giới Trung-Ấn hoặc có thể dẫn đến hành động đáp trả tương tự của Bắc Kinh, ông Tiền bình luận.
Trước đó, ngày 11/5, quan chức cấp cao của Sri Lanka cho biết, chính phủ nước này đã bác bỏ đề nghị của Trung Quốc về việc cấp phép cho một tàu ngầm Bắc Kinh cập cảng Colombo trong tháng 5/2017.
Quan chức Sri Lanka khẳng định, Sri Lanka ''khó có thể'' đồng ý với mọi yêu cầu cho phép tàu ngầm Trung Quốc cập cảng vào bất cứ thời điểm nào do những quan ngại từ phía Ấn Độ.