Tin mới

Trump đang phạm sai lầm khi kỳ vọng quá nhiều ở Trung Quốc

Thứ hai, 15/05/2017, 15:42 (GMT+7)

Đài Loan đã trải qua cả sự phấn khởi lẫn thất vọng trong những tháng gần đây khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, người ban đầu tỏ ra ủng hộ nền độc lập cho hòn đảo này đã quay sang tạo dựng mối quan hệ nồng ấm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đài Loan đã trải qua cả sự phấn khởi lẫn thất vọng trong những tháng gần đây khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, người ban đầu tỏ ra ủng hộ nền độc lập cho hòn đảo này đã quay sang tạo dựng mối quan hệ nồng ấm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sự lạc quan ban đầu phần lớn đến từ những tuyên bố của Trump trong chiến dịch tranh cử, hứa hẹn một đường lối cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và chấm dứt cách xử lý yếu đuối của chính quyền Tổng thống Obama đối với giới chức Bắc Kinh trong các vấn đề như thao túng tiền tệ, bành trướng lãnh thổ, nhân quyền và gián điệp mạng. Lập trường này khi đó đã hứa hẹn tạo thêm không gian và cơ hội cho Đài Loan.

Sự nhiệt thành đó đã được củng cố ngay sau khi Trump đắc cử hồi tháng 11/2016. Đầu tiên là cuộc điện đàm kéo dài 10 phút giữa Trump với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Tiếp đó là bình luận của Trump trong một cuộc phỏng vấn, khi ông đặt ra câu hỏi rằng Mỹ liệu có tiếp tục được hưởng lợi ích gì từ Chính sách "Một Trung Quốc" mà Washington đang theo đuổi.

Một vài nhà quan sát nhận thấy rằng những tiến triển ban đầu này là dấu hiệu của sự thay đổi mô hình trước đó ở Washington và là một bước đột phá đối với cách thức định hình những chính sách hiện hành. Những người khác, bao gồm cả người Trung Quốc, thì cho rằng Trump thiếu sự hiểu biết và kinh nghiệm của một chính trị gia.

Cuộc điện đàm giữa Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn từng khiến giới quan sát hy vọng về một sự thay đổi lớn trong chính sách "Một Trung Quốc" mà Washington đang theo đuổi.

Số khác lại chỉ mong đợi sự điều chỉnh cuối cùng của Trump khi bước vào Phòng Bầu dục. Bất kể quan điểm nào của Trump đều có thể được duy trì trong suốt chiến dịch tranh cử của ông và trong khoảng thời gian chuyển giao quyền lực sau khi ông đắc cử. Một khi ông trở thành tổng thống rồi, các lực lượng đối kháng thể chế trong chính phủ, giới kinh doanh và trong hệ thống quốc tế sẽ buộc tổng thống phải quay trở lại vị trí trung tâm. Nói cách khác, chính sách thực sự của ông sẽ khá giống với những người tiền nhiệm.

Và đó chính xác là những gì đã xảy ra. Tổng thống Trump hiện tại không chỉ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với chính sách "Một Trung Quốc" sau cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông còn nhanh chóng quên bẵng đi những "lời tán tỉnh" trước đó với Đài Loan.

Hồi đầu tháng 5, khi được hỏi liệu ông có nhận cuộc gọi nào khác từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nữa không, Trump khẳng định rõ ràng rằng ông sẽ không nhận.

Nhiều người cho rằng câu trả lời của ông chẳng khác nào "cái tát vào mặt" lãnh đạo Đài Loan. Nhiều người thậm chí còn cho rằng chính quyền Trump đã cố tình trì hoãn việc chuyển giao gói vũ khí mới cho Đài Loan, vốn được triển khai từ thời cựu Tổng thống Obama.

Ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Trump với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, quan điểm cho rằng Trump là "lựa chọn tốt" cho Đài Loan đã bị thay thế bởi quan điểm ngài tổng thống đã hoàn toàn bị ông Tập cuốn hút. Thay vì trở lại chính sách trung gian, Trump đã "đổ gục" trước sức hút Trung Quốc. Đối với Trump bây giờ, Trung Quốc không còn là quốc gia thao túng tiền tệ. Đề nghị tiếp tục những cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông bị từ chối.

Những lời có cánh dành cho ông Tập sau cuộc gặp thượng đỉnh là minh chứng cho thấy Trump đã thay đổi quan điểm về Trung Quốc so với hồi tranh cử.

Đối với những đồng minh của Mỹ ở châu Á, thái độ của Trump một lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng Washington sẽ cắt giảm chiến lược và bỏ rơi các đối tác an ninh lâu đời.

Trọng tâm sự thay đổi chính sách của Trump rõ ràng là vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vốn luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền đương nhiệm. Giống như những người tiền nhiệm của mình, mà khởi đầu là Tổng thống Bill Clinton trong những năm 1990, Tổng thống Trump đã thuyết phục chính mình về sự cần thiết của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Chừng nào quan điểm này còn được duy trì ở Washington, chính quyền của Trump sẽ tránh mọi cam kết nào đối với các quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đó cũng là đòn bẩy ngoạn mục cho Trung Quốc, quốc gia đã sử dụng lá bài Triều Tiên trong gần 3 thập kỷ qua. Và đó cũng là lý do tại sao Trung Quốc sẽ không bao giờ là đối tác không thể thiếu như các đời tổng thống Trump, Obama, Bush Jr. và Clinton từng hy vọng. Bắc Kinh không quá quan tâm đến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Họ đạt được nhiều lợi ích hơn bằng cách quản lý xung đột và thuyết phục, bởi họ đã làm rất tốt khi khiến cộng đồng quốc tế tin rằng, để giải quyết vấn đề Triều Tiên thì không thể thiếu được sự trợ giúp của Bắc Kinh.

Hiện nay, "mối đe dọa" Đài Loan là con đường mà Tổng thống Trump muốn dùng để thỏa thuận với Trung Quốc để đổi lại là vai trò của Bắc Kinh trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Kết quả là Đài Loan và các đối tác lâu đời ở châu Á của Mỹ sẽ chỉ có thể kiên nhẫn chờ đợi.

Nói về việc bán vũ khí, Đài Loan đã phải trải qua sự trì hoãn rất lâu, ngay cả dưới thời tổng thống Bush Jr. và Obama, và bây giờ là chính quyền Trump.

National Interest nhận định, giống như những gì đã xảy ra trước đó, chính quyền Trump cuối cùng sẽ thức tỉnh vì Bắc Kinh không thể, và không có ý định nhượng bộ trong vấn đề Triều Tiên. Khi điều đó xảy ra, Bắc Kinh sẽ đánh mất vai trò của họ trong mắt quan chức chính quyền Trump. Sau đó, chính sách của Mỹ đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Đài Loan sẽ quay trở lại trọng tâm và trở nên rõ ràng hơn. Và khi đó, Trump sẽ nhận ra rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ là đối tác mà ông mong muốn.

Lê Huyền (National Interest)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news