Tin mới

Hội đồng Bảo an sẽ "vào cuộc" vụ Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm lãnh thổ Iraq

Thứ bảy, 12/12/2015, 09:36 (GMT+7)

Sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không thể rút quân khỏi Iraq, Baghdad đã chính thức tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không thể rút quân khỏi Iraq, Baghdad đã chính thức tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai 150 binh sĩ cùng 25 xe tăng vào miền bắc Iraq hồi cuối tuần trước đã khiến chính quyền Baghdad nổi giận và nhanh chóng quy đây là một hành động xâm phạm lãnh thổ. Chính phủ Iraq xem đó là động thái vi phạm chủ quyền quốc gia và ra tối hậu thư cho Thổ Nhĩ Kỳ phải rút hoàn toàn lực lượng trong vòng 48 giờ.

Hạn chót đã qua đi, song Ankara không những không rút quân mà còn tuyên bố rằng việc triển khai binh lính là cần thiết để đảm bảo việc huấn luyện tại một căn cứ quân sự trong khu vực.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố việc rút quân khỏi Iraq tại thời điểm này là không thể. Ảnh: Reuters

Baghdad hiện nay đang triển khai kế hoạch dự phòng của họ: kêu gọi sự can thiệp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Hôm 10/12, Bộ Ngoại giao Iraq nói rằng họ đã gặp gỡ năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nhằm "tập hợp sự ủng hộ của quốc tế để Hội đồng Bảo an ra một nghị quyết lên án vi phạm này", Sputnik dẫn nguồn tin từ Defense News cho biết.

Baghdad cũng đã kêu gọi các Ngoại trưởng Ả Rập, đề xuất một cuộc họp để thảo luận về những "hậu quả của động thái vi phạm này".

Hôm 11/12, trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera, để đáp trả lời đề nghị của Iraq lên Hội đồng Bảo an, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng, việc đưa quân vào Iraq là "quyền tất yếu".

Các nhà lãnh đạo thế giới khi họp bàn để giải quyết tình trạng này cũng cảnh báo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phải rời khỏi khu vực của các nhóm quân sự tại Iraq.

Hồi đầu tuần này, Furaq al-Mawt, hay còn được biết đến với cái tên tiếng Anh là "Death Squads" (tạm dịch: Đội quân tử thần), đã tung đoạn video đe dọa sẽ sử dụng bạo lực nếu Ankara không rút quân. Đây cũng chính là nhóm chịu trách nhiệm vụ bắt cóc 18 công nhân Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq.

Xe tăng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Iraq. Ảnh: AP

Bất chấp những hối thúc từ Baghdad, Ankara vẫn ngoan cố bảo vệ hành động của mình. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nhấn mạnh rằng họ có quyền bảo vệ cơ sở của họ gần thành phố Mosul khỏi những kẻ cực đoan.

"Khi các mối đe dọa gia tăng, chúng tôi đã gửi quân tới để bảo vệ doanh trại. Đây không phải hành động gây hấn mà là thể hiện tình đoàn kết", ông Davutoglu nói với trang Defense News.

Bề ngoài, các căn cứ quân sự có vẻ được sử dụng để chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS), song nhiều khả năng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Đảng Công nhân người Kurd, vốn bị Ankara xem là nhóm khủng bố.

Hôm 9/12, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ra bản tuyên bố kêu gọi toàn bộ công dân rời khỏi Iraq ngay lập tức, với lý do các mối đe dọa an ninh.

"Chúng tôi khuyến cáo những người dân ở Iraq nếu không cần thiết lưu trú thì hãy rời khỏi Iraq càng sớm càng tốt. Phạm vi cảnh báo đối với khách du lịch được mở rộng ra tất cả các tỉnh, trừ Dohuk, Arbil và Sulaymaniyah", bản tuyên bố cho biết.

Các tỉnh nói trên đều thuộc khu vực phía bắc do người Kurd ở Iraq kiểm soát.

Lê Huyền (Sputnik)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news