Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận thông qua phương án tăng lương tối thiểu 6% kể từ ngày 1/7 tới để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Theo đó, tại phiên họp thứ 2, tất cả 17 thành viên của hội đồng đều đã bỏ phiếu đồng thuận Tăng lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, có 15 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022, hai thành viên còn lại đồng ý tăng lương nhưng thời điểm tăng từ ngày 1/1/2023. Với nguyên tắc theo đại đa số, Hội đồng chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với hiện hành từ ngày 1/7/2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động tại Hội đồng tiền lương) đánh giá về kết quả trên rằng mặc dù mong muốn của phía đại diện người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu cao hơn mức tăng 6%, tuy nhiên trong bối cảnh này các doanh nghiệp vẫn còn đang gặp khó khăn, dịch Covid-19 còn phức tạp nên mức tăng 6% cũng "chấp nhận được" để thể hiện sự chia sẻ với doanh nghiệp và người lao động, thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về thời điểm tăng lương từ 1/7, ông Hiểu cho biết theo thông lệ tăng lương tối thiểu thường tính từ ngày 1/1 của năm kế tiếp, nhưng lần này lương tối thiểu đã gần 2 năm chưa tăng, dịch bệnh cũng đã được kiểm soát tốt, kinh tế dần phục hồi trở lại nên thời điểm tăng lương như trên là kịp thời giúp người lao động bớt khó khăn.
Ngoài ra, việc tăng lương cũng là công cụ thúc đẩy người lao động tăng năng suất, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; cũng là giải pháp buộc doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí, để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.
Ông Hiểu cũng nhận định về việc thời gian qua người lao động rút Bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, đây chính là thông điệp gửi tới các thành viên Hội đồng tiền lương và toàn xã hội phải cùng suy ngẫm nhằm tìm giải pháp giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt bởi khi quá khó khăn họ sẽ chọn phương án đầy mất mát để giải quyết.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện phía người lao động nêu quan điểm rằng hiện doanh nghiệp còn khó khăn, mới phục hồi, như người mới ốm dậy đi ra đường rón rén vì lo ốm lại. Vì vậy mức điều chỉnh lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7 là quyết định chưa thực sự hài lòng. Doanh nghiệp mong muốn nếu tăng lương nên tăng từ ngày 1/1/2023, việc tăng vào giữa năm sẽ tạo vất vả cho doanh nghiệp...
Dù vậy, với mức tăng lương được hội đồng thông qua, theo ông Phòng, cũng thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp để đáp ứng được mức tăng 6%, nên kỳ vọng rằng người lao động cũng sẽ đồng hành, chia sẻ nỗ lực đó cùng doanh nghiệp. Dù tiền lương thực tế doanh nghiệp trả cho NLĐ cơ bản cao hơn lương tối thiểu, nhưng lương tối thiểu tăng cũng sẽ khiến các chi phí căn cứ theo mức lương này tăng, như chi phí bảo hiểm, công đoàn…
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Phòng cho hay nhóm này đang lên phương án kinh doanh rất chặt chẽ, nên VCCI sẽ nỗ lực để thông tin đầy đủ, chia sẻ để các doanh nghiệp đồng thuận, hiểu đúng và cùng chia sẻ với việc điều chỉnh tiền lương vừa được thông qua.
Trước đó, trong phiên họp thứ 2 diễn ra ngày 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu bình quân thêm 6% kể từ ngày 1/7 tới để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Cụ thể:
Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng.
Vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng.
Vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng.
Vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng/tháng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng.
Mức tăng này sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2022 tới hết năm 2023.